CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thủy sản

Phú Tân: Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn mật độ cao bằng thức ăn công nghiệp

09:02 05/03/2020

Từ trước đến nay, người dân nuôi lươn Phú Tân theo mô hình lót bạt xung quanh, bên trong sử dụng đất hay thân cây bắp để nuôi. Tuy nhiên phương thức nuôi này bọc lộ nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao: Lươn giống mua từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng không được kiểm soát dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi nên tỷ lệ sống chưa cao, mồi cho ăn được xây nhuyễn vo thành bánh cho lươn ăn nên thức ăn tan rã làm lãng phí thức ăn. Năm 2019, Trạm Khuyến nông Phú Tân Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai mô hình nuôi lươn mật độ cao bằng thức ăn công nghiệp tại hộ ông Nguyễn Mạnh Khang ấp Phú Đông xã Phú Long với quy mô 4.000 con lươn giống trên diện tích 20m2 bể nuôi. Sau hơn 7 tháng nuôi, mô hình đạt hiệu quả bước đầu khả quan.

Bể nuôi lươn được lót bạt, bên trong bố trí 20 bó dây bẹ được buộc chặt một đầu có chiều dài hơn 40cm được bố trí khắp đáy bể, phía trên được thiết kế mái che nắng mưa trong quá trình nuôi. Trong đó ông thả 4.000 lươn giống, kích cỡ giống thả 290 con/kg. Nguồn giống lươn mua từ trại giống sinh sản bán nhân tạo có uy tín trên  địa bàn. Bình quân mỗi con lươn giống anh mua 6.500 nghìn đồng. Về chăm sóc: mô hình nuôi lươn của anh Khang sử dụng hoàn toàn bằng thức công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40-42%. Nguồn nước sử dụng cấp vào bể được lấy từ ao lắng đã qua xử lý sát trùng và được kiểm tra pH, mỗi ngày thay nước 2 lần trước giờ cho lươn ăn. Trong quá trình cho ăn, bổ sung men tiêu hóa và định kỳ xổ lải cho lươn.

Nhờ bản tính đam mê nghiên cứu, sự chịu khó học hỏi của nông hộ và nhất là sự hợp tác với cán bộ kỹ thuật phụ trách nên mô hình nuôi lươn phát triển rất tốt. Sau 7 tháng thả nuôi, lươn đang trong giai đoạn tăng trọng nhanh, số lươn chết khoảng 300 con, trọng lượng bình quân 11con/kg, một số lươn lớn đạt 190 gam/con, ước sản lượng trên 300 kg. Được biết, đến nay chủ mô hình đã đầu tư trên 35 triệu đồng, chủ yếu là lươn giống và thức ăn, phần còn lại là không đáng kể. Dự kiến đàn lươn này nuôi thêm 5 -7 tháng nữa sẽ thu hoạch, khi lươn đạt kích cỡ trung bình 250gram trên con.

Chia sẻ với chúng tôi về mô hình nuôi lươn, ông Khang bọc bạch: “Trước khi nuôi lươn, gia đình tôi chỉ làm ruộng và nuôi cá. Tuy nhiên, việc nuôi cá thì giá cả bấp bênh, lúa thì cũng không khác cho mấy. Trong một dịp tôi được Trạm Khuyến nông huyện chia sẻ về mô hình mới nên quyết định thực hiện”. Ông cho biết thêm: “Nuôi lươn bằng thức ăn công nghiệp khỏe lắm, cứ sáng thay nước và cho ăn nửa tiếng, chiều nửa tiếng là xong, sau khi thay nước cần chú ý độ pH duy trì ở mức 7,5-8,5, nếu dưới hay trên khoảng đó thì lươn dễ bị sốc và chết”.

Được biết, trong năm 2019, ngoài mô hình của ông Khang thì Trạm Khuyến nông huyện còn phối hợp với nông dân các xã trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện 9 mô hình nuôi lươn công nghệ cao dưới sự hỗ trợ kinh phí từ Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân. Hiện tại một số mô hình đã thu hoạch, có mô hình đạt sản lượng 800kg trên 20 mét vuông, lợi nhuận trên 80 triệu đồng như mô hình của Lâm Văn Đoàn Xuân xã Phú Bình.

Thực hiện mô hình nuôi lươn mật độ cao bằng thức ăn công nghiệp sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi, giảm thải ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo hướng đi mới cho nông dân, từ đó thay đổi dần tập quán nuôi theo phương thức truyền thống.

Cao Văn Đủ - Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân