CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thủy sản

Mô hình nuôi lươn đồng với mật độ cao

09:15 15/11/2020

Bài tham luận tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường” của tỉnh An Giang năm 2020.

 

Kính thưa quí vị đại biểu tham dự Diễn đàn.

Tôi tên: Lâm Văn Đoàn Xuân. Nơi cư ngụ: ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Trong năm 2018, Phòng nông nghiệp Phú Tân có triển khai mô hình nuôi lươn đồng với mật độ cao, tôi tham gia thực hiện mô hình trình diễn, được hỗ trợ về kỹ thuật trong suốt vụ nuôi và một phần vốn để mua con giống, thức ăn để thực hiện mô hình trình diễn. Trong quá trình nuôi tôi luôn tuân thủ các yêu cầu mà cán bộ kỹ thuật đã khuyến cáo, làm theo hướng dẫn của cán bộ phụ trách và khi lươn có dấu hiệu bất thường thì tôi thông báo cho cán bộ phụ trách mô hình để bàn cách xử lý. Sau đây tôi báo cáo kết quả thực hiện của tôi trong quá trình nuôi:

- Chuẩn bị bể nuôi: Nền đáy bể bằng phẳng, tráng xi măng nghiêng về ống xả nước, xây gạch xung quanh cao 8 tấc. Thiết kế mái che để tránh ánh nắng trực tiếp vào bể nuôi, lót bạt cao su phía trong để giữ nước và không làm da lươn bị xây xát. Bố trí giá thể vĩ tre làm 3 lớp chồng lên nhau, các lớp vĩ tre cách nhau một viên gạch ống, bố trí dây bẹ đều khắp mặt vĩ tre. Sau đó tiến hành bơm nước ngập vĩ tre ngâm qua đêm rổi xả, lặp lại 3 lần. Sau đó cấp nước vào sâu 30 cm, tạt Iodine chờ thả giống.

-Thả giống: nguồn lươn giống sử dụng lươn sinh sản bán nhân tạo mua từ Trung tâm giống thủy sản An Giang. Ngày thả giống: 25- 11-2018, số lượng giống thả: 4.000 con, kích cỡ giống: 25con/kg. Trước khi thả giống tôi tắm lươn với muối hột 2% khoảng 15 phút rồi mới thả ra bể.

- Chăm sóc và quản lý: 3 ngày đầu sau khi thả giống tôi không cho lươn ăn. Ngày thứ tư mới nhử cho ăn khoảng 100gram/ngày/2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, tăng dần lượng mồi, sau 10 ngày lươn ăn được 1 kg/ngày/2 lần. Tôi chọn loại thức ăn cá vảy có độ đạm trên 40% (Hòa Phát) cho lươn ăn từ tháng nuôi thứ 1 đến tháng nuôi thứ 6. Từ tháng nuôi thứ 7 đến thu hoạch cho ăn thức ăn cá da trơn có độ đạm 30% (Lái Thiêu -Toàn Cầu) để tạo màu cho lươn.

- Nguồn nước: nước nuôi lươn bằng  nước sông qua ao lắng rồi mới cấp vào bể nuôi, mỗi ngày thay nước 2 lần trước lúc cho ăn. Định kỳ nữa tháng tạt Iodine để sát trùng nguồn nước liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong suốt quá trình nuôi, tôi bố trí sục oxi cho bể lươn từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau thì ngưng.

- Phòng bệnh: Thường xuyên trộn men tiêu hóa và antisock cho lươn ăn. Định kỳ xổ lãi 1 tháng rưỡi 1 lần bằng Hadaclean. Khi thời tiết thay đổi: mưa nhiều, trời lạnh thì tôi giảm mồi và trộn vitamin C cho lươn ăn. Trong suốt quá trình nuôi, tôi bố trí sục oxi cho bể lươn từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau thì ngưng.

- Bệnh: Khi mới nhập giống do thay đổi môi trường nuôi lươn bị sốc hao 180 con. Khi lươn thả được 3 tháng thì xuất hiện bệnh xuất huyết, điều trị bằng xử lý nước Iodine, cho ăn Flofenicol  5 ngày thì ngưng. Đợt bệnh này lươn hao 50 con. Trong quá trình nuôi, thời tiết thay đổi lươn hao rải rác một vài con thì tôi không trộn kháng sinh mà chỉ giảm lượng mồi kết hợp trộn men tiêu hóa và antisock cho lươn ăn.

 Hiện tại, mô hình đã thu hoạch, kích cỡ trung bình 4.5 con/kg (220 gam/con) đạt sản lượng 810kg/20m2.

Hiệu quả mô hình nuôi: Tổng chi phí đầu tư  (bể, giống, thức ăn,…): 81 triệu đồng. Tổng thu: 169 triệu đồng. Lợi nhuận: 88 triệu đồng.

- Rút kinh nghiệm từ mô hình: Cần chọn lươn giống sinh sản bán nhân tạo và có kích cỡ đồng đều. Sau khi thả nuôi khoản 4 tháng thì nên phân cỡ lươn. Các lớp vĩ tre phải cố định chắc chắn với nhau tránh kê tạm bợ lươn sẽ làm sập trong quá trình nuôi.

-Kiến nghị: Chuyển giao công nghệ sản xuất lươn giống trong cộng đồng để chủ động nguồn lươn giống. Hỗ trợ các trại sản xuất lươn giống tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.

Trên đây là báo cáo trong quá trình thực hiện. Cảm ơn quí vị đại biểu chú ý lắng nghe.

Lâm Văn Đoàn Xuân