số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
11:45 26/06/2023
Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT, ngày 18/1/2022, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15/11/2018), có những quy định mới về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguồn lợi thủy sản, không sử dụng ngư cụ cấm, khai thác mang tính hủy diệt được chú trọng.Lưu ý về ngư cụ
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, tại Khoản 7, Điều 1 Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT, do Bộ NN&PTNT ban hành, cả 3 phụ lục I, phụ lục II và phụ lục III của Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT đều được thay thế. Đối với An Giang, là tỉnh thuộc vùng nội địa, danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản được quy định tại phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT, như dân cần lưu ý tuân thủ để tránh vi phạm.
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2023, những nghề, ngư cụ bị cấm sử dụng khai thác thủy sản trên địa bàn An Giang, gồm: Nghề lưới kéo, nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn, lừ), nghề kết hợp ánh sáng, nghề kéo đáy, cào đáy kết hợp với tàu có gắn động cơ, nghề lưới kéo khai thác ở vùng nội địa...
Phụ lục II cũng quy định kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thủy sản đối với ngư cụ khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng nội địa. Trong đó, kích thước mắt lưới đối với lưới vây, lưới đăng, nò, sáo tối thiểu là 18mm, lưới rê (lưới bén) tối thiểu 40mm, lưới rê (cá linh) tối thiểu 15mm, vó, rớ tối thiểu 20mm, chài các loại có mắt lưới tối thiểu 15mm.
Mới đây, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Võ Thị Thanh Vân đã ký ban hành kế hoạch tuyên truyền, tập huấn Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn liên quan lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2023. Mục đích tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của; đảm bảo Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn được triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuyên truyền trực tiếp đến ngư dân
Công tác tuyên truyền được yêu cầu phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, bám sát các điều kiện thực tiễn, nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đi sâu vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho đội ngũ công chức, viên chức phụ trách công tác tham mưu ở địa phương (cấp huyện, xã) trong thời gian tới.
Bà Võ Thị Thanh Vân cho biết, Chi cục Thủy sản An Giang sẽ chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, phổ biến triển khai Luật Thủy sản 2017, cùng các văn bản hướng dẫn liên quan lĩnh vực khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Dự kiến, lớp thứ nhất sẽ được tổ chức tại Hội trường Câu lạc bộ Hưu trí (TP. Long Xuyên), có khoảng 100 người tham gia, gồm đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách tham mưu công tác quản lý khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố; Trạm Khuyến nông; Trạm Chăn nuôi và Thú y; Tổ Kỹ thuật viên thủy sản.
Lớp thứ 2 dành cho khoảng 70 người, là ngư dân hoạt động khai thác thủy sản sản trên địa bàn TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn, tổ chức tại TP. Long Xuyên. Lớp 3 dành cho khoảng 70 ngư dân hoạt động khai thác thủy sản sản trên địa bàn 2 huyện Chợ Mới, Phú Tân và TX. Tân Châu, tổ chức tại huyện Phú Tân. Lớp thứ tư dành cho khoảng 50 ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên, tổ chức tại huyện Tri Tôn. Lớp thứ 5 dành cho khoảng 70 ngư dân hoạt động khai thác thủy sản sản trên địa bàn TP. Châu Đốc, huyện Châu Phú và huyện An Phú, tổ chức tại TP. Châu Đốc.
Chi cục Thủy sản được giao chủ trì, phối hợp Trung tâm Khuyến nông thực hiện 3 bài viết về những nội dung cơ bản, mới của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đăng lên Cổng thông tin điện tử Sở NN&PTNT An Giang trong năm 2023. Đồng thời, viết tin, bài tuyên truyền trên Báo An Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang về lĩnh vực này.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT An Giang còn phối hợp tổ chức các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo Chi cục Thủy sản hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, tín đồ trong hoạt động thả cá, đảm bảo đúng đối tượng khuyến khích thả vào môi trường tự nhiên và đảm bảo các điều kiện sống, sinh trưởng của thủy sản sau khi thả.
Nguồn:baoangiang .com.vn