CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Chuyển đổi số

An Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp”

06:42 08/10/2024

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), và chuỗi khối (Blockchain) không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí mà còn mở ra cơ hội kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Ngày 8/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp”, có gần 160 đại biểu đại diện Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh, Trưởng văn phòng thường trực tại Nam Bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Doãn Văn Chiến, các Sở, ban ngành trong tỉnh có liên quan, Trường Đại học An Giang và nông dân của Hợp tác xã, Tổ Hợp tác trong tỉnh đến tham dự.

Với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 297.000 ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn, nhờ vậy nông dân An Giang có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây được xem là thế mạnh nông nghiệp địa phương để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.

Đại biểu tham dự tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh cho rằng Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp” là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng cao, với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của công nghệ và khoa học đã dẫn đến sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp tỉnh cần phải đổi mới để thích ứng và phát triển. Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa để chúng ta có thể đạt được mục tiêu này. Từ việc sử dụng các công nghệ IoT để giám sát và quản lý trang trại, đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thời tiết, dịch bệnh và tối ưu hóa quy trình sản xuất, tất cả đều góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững và hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh

Theo PGS TS Đoàn Thanh Nghị, Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, kiêm Giám đốc Trung tâm Tin học, Trường Đại học An Giang, sự kết hợp giữa AI và IoT trong nông nghiệp hiện đại đã tạo ra một hệ thống thông minh, giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất và quản lý nông nghiệp. IoT sử dụng các cảm biến để thu thập dữ liệu từ môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, chất lượng đất, dinh dưỡng trong đất và theo dõi sự phát triển của cây trồng. AI phân tích dữ liệu này để đưa ra các dự đoán, khuyến nghị và tự động điều chỉnh quy trình canh tác như tưới tiêu, phân bón, và kiểm soát sâu bệnh theo thời gian. AI giúp dự báo thời tiết và phân tích dữ liệu lịch sử, từ đó đưa ra các dự đoán chính xác về các điều kiện thời tiết trong tương lai như lượng mưa, nhiệt độ, và khả năng xảy ra hạn hán hay sương giá. Các mô hình AI được huấn luyện dựa trên dữ liệu lớn, tích lũy qua nhiều năm, giúp phát hiện các xu hướng và biến động khí hậu có thể ảnh hưởng đến mùa vụ.

Thực tế cho thấy hệ thống cảnh báo cháy rừng tại Tịnh Biên sử dụng IoT mang lại khả năng giám sát và cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng một cách hiệu quả hơn. Các cảm biến IoT đóng vai trò quan trọng, giúp thu thập dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ và hướng gió. Cảm biến nhiệt độ và độ ẩm được lắp đặt ở các vị trí trọng yếu để giám sát môi trường rừng. Khi nhiệt độ tăng cao và độ ẩm giảm mạnh, hệ thống sẽ phát cảnh báo về nguy cơ cháy. Cảm biến tốc độ và hướng gió cũng được tích hợp, cung cấp thông tin về điều kiện gió, giúp dự đoán cách mà đám cháy có thể lan rộng. Dữ liệu này được thu thập và gửi về trung tâm điều khiển qua các kết nối IoT theo thời gian thực. Tại đây, thông tin được phân tích bởi các thuật toán AI và machine learning để dự đoán các tình huống nguy hiểm và phát cảnh báo kịp thời cho lực lượng kiểm lâm và cơ quan quản lý, giúp triển khai phản ứng nhanh chóng nhằm bảo vệ tài nguyên rừng

PGS TS Đoàn Thanh Nghị, Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, kiêm Giám đốc Trung tâm Tin học, Trường Đại học An Giang

Nhà màng thông minh cũng là sự kết hợp IoT và AI cho hệ thống tự động trong nhà màng, giám sát và điều chỉnh các chỉ số vi môi trường một cách tự động và theo thời gian thực, tạo ra các điều kiện môi trường phù hợp cho sự phát triển của cây trồng. Trong nhà màng thông minh, các thông số môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, bao gồm ánh sáng mặt trời, nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, độ pH, độ hòa tan và nồng độ carbon dioxide có thể được kiểm soát một các tự động.

Thông tin từ ông Doãn Văn Chiến Trưởng văn phòng thường trực tại Nam Bộ cho rằng việc chuyển đổi số nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị nông nghiệp, từ sản xuất, chế biến đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Thực hiện mô hình chuyển đổi số là giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và bảo vệ môi trường, bao gồm việc sử dụng các ứng dụng và thiết bị thông minh để giám sát và phân tích dữ liệu trong thời gian thực, từ đó giúp nông dân đưa ra quyết định hiệu quả hơn.

Trưởng văn phòng thường trực tại Nam Bộ -  Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Doãn Văn Chiến báo cáo tại Diễn đàn

Diễn đàn, nhiều báo cáo cũng được thể hiện rõ nét về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá, thảo luận, trao đổi giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp về hiệu quả, kinh nghiệm thực tiễn trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Các câu hỏi đặt ra tại Diễn đàn như các chính sách chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ cho nông dân trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số, các công nghệ bẫy đèn thông minh, mã số vùng trồng, các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường bền vững,.… cũng được hội nghị đề cập thảo luận sôi nổi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tôn Thất Thịnh cho rằng Diễn đàn hôm nay là dịp để chúng ta nghe các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức và giải pháp cụ thể quý báo về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp mà nó còn đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, cách thức quản lý và tổ chức sản xuất. Những thành công bước đầu mà chúng ta đạt được tại diễn đàn này là động lực mạnh mẽ để chúng ta tiếp tục hành động, đưa ngành nông nghiệp ngày càng vươn xa.

Có thể nói, Diễn đàn là cơ hội để chúng ta cùng nhau học hỏi, tchia sẻ những kinh nghiệm và cập nhật những kiến thức mới nhất về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Qua đó, chúng ta có thể tìm ra những giải pháp sáng tạo, ứng dụng thực tiễn để phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững./.

Trang Nghiêm

Tài Liệu đính kèm:Tải về