CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Chuyển đổi số

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

02:45 26/12/2024

Chuyển đổi số đã cơ bản giúp cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, từ đó mở ra các giải pháp sản xuất nông nghiệp thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Triển khai các hoạt động chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024 theo Kế hoạch số 50/KH-SNNPTNT ngày 05/04/2024 và Kế hoạch số 106/KH-SNNPTN ngày 25/09/2024, theo đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số trong quản lý, điều hành sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Kết quả bước đầu đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản lý và vận hành các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong thời đại công nghiệp lần thứ 4 cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi số được áp dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Cụ thể như sau:

- Đối với trồng trọt: Hiện toàn tỉnh ứng dụng drone trong gieo sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật, qua đó, đã giúp giảm lượng giống lúa gieo sạ từ 120-150 kg/ha xuống còn 80-100 kg/ha. Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất (ứng nhiều ở các trang trại trồng nấm dược liệu và nấm ăn) giúp tự động điều chỉnh điều kiện ngoại cảnh môi trường phù hợp cho sự phát triển của cây trồng. Ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân giúp giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giảm công lao động (ứng dụng nhiều ở các HTX trồng trọt có diện tích sản xuất lớn). Ứng dụng một số nền tảng số, phần mềm vào ghi nhật ký nông vụ, nhật ký trồng trọt giúp truy xuất nguồn gốc nông sản, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sạch “từ trang trại đến bàn ăn”. Hoàn thành thử nghiệm Nền tảng giám định sinh vật gây hại trên cây trồng, dữ liệu thu thập từ các Trạm giám định sinh vật gây hại được đồng bộ về cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang để thực hiện phân tích dữ liệu và đưa ra dự đoán tình hình sâu bệnh trên cây trồng.

Ứng dụng nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa

- Đối với chăn nuôi: Triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS (Viet Nam Animal Health Information System) trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ làm cơ sở để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh. Ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi giúp tra cứu nhanh các thông tin về chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, cân đối cung cầu sản phẩm chăn nuôi, định hướng phát triển vật nuôi lợi thế, cũng như hỗ trợ tốt cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Các trang trại lớn trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng hệ thống chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, hệ thống cào và thu gom phân gia súc, gia cầm tự động. Tất cả hệ thống chuồng nuôi có thể tích hợp vào điện thoại thông minh hoặc máy vi tính để điều khiển từ xa. Đối với nhà yến trên địa bàn tỉnh, quản lý, theo dõi, giám sát bằng hệ thống camera, sử dụng hệ thống phun sương làm mát điều khiển từ xa, giám sát được số lượng yến, động vật gây hại mà không cần trực tiếp vào nhà nuôi gây ảnh hưởng, xáo trộn đàn yến.

- Đối với thủy sản: Các doanh nghiệp thủy sản đang áp dụng nhiều công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: Đo lường tự động các thiết bị thu mẫu, hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi tự động, xử lý nước đầu vào tự động, sử dụng chip điện tử định danh cá... Các kết quả bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, tăng năng suất, thực hiện tốt dữ liệu truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu… Ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, mã số vùng nuôi, định vị vùng nuôi, môi trường đã giúp cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản kiểm soát được việc công bố thông tin sản phẩm của doanh nghiệp, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm, tìm hiểu sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Trong đó, đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm. Điển hình như: hỗ trợ xây dựng website, tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng bán hàng online” trên nền tảng TikTok, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh lên bản tin thị trường nông sản, bản tin xúc tiến thương mại nông sản, bản tin khuyến nông, khuyến công, cổng thông tin điện tử, chuyên trang, bản tin của ngành Công Thương, Nông nghiệp, cổng Nông thôn mới của tỉnh, trên sàn thương mại điện tử: Sendo của FPT; TikiBigC/GO; Shopee và Lazada; Website http://sanphamangiang.comhttp://ketnoiocop.vn để quảng bá, giới thiệu với các tổ chức, cá nhân tiêu dùng trong và ngoài nước.

Triển khai mạng lưới Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh với 1.035 Tổ Công nghệ số cộng đồng, có 7.991 thành viên tham gia. Các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng đã tổ chức phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số tại trụ sở hành chính khi người dân có nhu cầu như: cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tạo tài khoản, thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến); kỹ năng sử dụng nền tảng (ứng dụng di động SmartAnGiang, chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt các app VSSID, VneID...).

          Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về nguy cơ sạt lở bờ sông, một vấn đề cấp thiết tại địa phương, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra; đang tiến hành nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp phân tích dinh dưỡng đất, nhằm tối ưu hóa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả do hạn hán; xây dựng ứng dụng bản đồ số hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy rừng; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hệ thống nước sạch nông thôn (dịch vụ phần mềm eKMap Solutions); xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao; triển khai ứng dụng nhật ký sản xuất, công tác kế toán HTX và cơ sở dữ liệu quản lý HTX nông nghiệp./.   

Hồng Quyên

Sở Nông nghiệp và PTNT