CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Nông thôn mới

Đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Thu Đông

07:00 15/07/2017

Vụ Đông Xuân 2016 – 2017, An Giang gieo trồng được 256.560ha, gồm hơn 236 ngàn ha lúa và 20,33 ngàn ha hoa màu. Sản lượng lúa đạt khoảng 1,67 triệu tấn. Diện tích sản xuất lúa và hoa màu đều giảm so cùng kỳ do chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản và dành gần 60 ha đất nông nghiệp xây dựng khu dân cư ổn định đời sống cho Nhân dân vùng sạt lở.

 

Ngay từ đầu vụ Hè Thu, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tập trung để né rầy, thực hiện quy trình 1 phải 5 giảm. Thượng tuần tháng 7/2017, toàn tỉnh đã xuống giống lúa vụ Hè Thu được 232.565/239.000 ha kế hoạch, đã thu hoạch khoảng 20 ngàn ha, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 8/2017. Hoa màu xuống giống được 21.450/22.280 ha và đã thu hoạch 8 ngàn ha. Cơ cấu sử dụng giống lúa trong vụ Hè Thu 2017 không có nhiều thay đổi so với vụ trước, vẫn tiếp tục với 5 giống chủ lực: (1) Nếp: 61.500 ha (chiếm tỉ lệ 26,7%); (2) IR 50404: 56.900 ha, chiếm tỉ lệ 24,7%; (3) OM 6976: 38.990 ha, (16,9%); (4) OM 5451: 28.740 ha, (12,5%); (5) OM 4218: hơn 14.800 ha, (6,4%). Các giống khác như Jasmine 85, OM 6063, OM 1490, OM 4900… chiếm tỉ lệ 12,8%.

 

Diện tích gieo sạ mật độ dày vẫn còn khá cao: Gieo sạ dưới 120 kg/ha chỉ chiếm tỉ lệ 28,5% (diện tích khoảng 66.280 ha); gieo sạ từ 120 – 150 kg/ha chiếm tỉ lệ đến 61,3% (142.560 ha); gieo sạ trên 150 kg/ha chiếm tỉ lệ hơn 10% (23.720 ha). Đây cũng là nỗi vướng mắc của ngành Nông nghiệp trong nỗ lực giảm giá thành, nâng cao giá trị hạt gạo để cải thiện đời sống nông dân. Diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác trong vụ Hè Thu 2017 chỉ đạt 1.132 ha, do những nguyên nhân như: thiếu sự kết nối với doanh nghiệp nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đồng bộ; thiếu lao động khi vào mùa; thiếu kinh phí đầu tư cơ giới;…

 

Diện tích Cánh đồng lớn vụ Đông Xuân 2016-2017 chỉ đạt 19.300 ha so kế hoạch 26.070 ha (74%); trong đó, các doanh nghiệp thực hiện thu mua với diện tích 15.340 ha, chỉ đạt 74,6% diện tích ký kết. Vụ Hè Thu 2017, diện tích đã ký kết hợp đồng tiêu thụ là 9.333/12.250 ha kế hoạch (76,18%), trong khi vụ Hè Thu 2016, diện tích tham gia Cánh đồng lớn là 18.835 ha. Diện tích thu mua đạt thấp hơn nhiều so với diện tích ký kết là do thiếu sự đồng thuận về giá cả mua bán giữa doanh nghiệp và nông dân.

 

Theo dự báo của Đài Khí tượng, thủy văn An Giang, vào tháng 8, tháng 9 năm 2017, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng xuất hiện trong nửa đầu tháng 10, tại Tân Châu: 4,0 m; Châu Đốc: 3,5 m; tại Xuân Tô là 3,5 m và Tri Tôn là 2,4 m. Tại vùng hạ lưu sông Cửu Long thuộc tỉnh An Giang: Mực nước cao nhất năm trên Rạch Ông Chưởng (Chợ Mới) có khả năng xấp xỉ báo động 3 (3 m); trên sông Hậu (Long Xuyên) đạt 2,5 m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,1 – 0,2 m.

 

Trước tình hình dự báo lũ sẽ đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, Chi cục Thủy lợi An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo thắng lợi vụ Thu Đông; đầu tư kinh phí thực hiện các công trình: nạo vét kênh mương, gia cố đê bao, duy tu sửa chửa cống bọng… hơn 421 tỷ đồng. Công tác phòng chống, khắc phục thiên tai; quản lý, vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất… luôn được củng cố, kiện toàn và triển khai thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.

 

Tại hội nghị Sơ kết sản xuất vụ Hè Thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2017 vào ngày 06/7/2017, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đã thông tin và lưu ý một số vấn đề sau: Tình hình tiêu thụ lúa gạo đang khởi sắc với giá tăng khá. Hiệp hội lương thực Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Bangladesh mua 250.000 – 300.000 tấn gạo đến hết năm 2017. Cơ cấu giống lúa sản xuất hiện nay là khá hợp lý, tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ lúa nếp đang chững lại, nên có thể chuyển 5.000 ha lúa nếp sang trồng giống lúa Nhật (Japonica), vì hiện nay, Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam đang có nhu cầu số lượng lớn. Tình hình thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các địa phương cần lưu ý tích cực phổ biến biện pháp vệ sinh đồng ruộng, cũng như chọn các loại giống kháng rầy nâu để hạn chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đảm bảo hiệu quả sản xuất. Những diện tích có nguy cơ bùng phát dịch cần đưa vào danh sách đỏ, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh bảo vệ mùa màng. Mặc dù tình hình thị trường sáng sủa nhưng không thể chủ quan, vùng ngoài đê bao kiên quyết không để nông dân xuống giống. Những vùng đã trễ vụ phải quyết tâm xả lũ để hạn chế rầy nâu di trú. Xả lũ 1,5 tháng vẫn có giá trị như xả lũ 3 tháng, vấn đề này cần được tuyên truyền rộng rãi trong dân. Khi có hợp đồng cụ thể với doanh nghiệp tiêu thụ, cần ưu tiên phát triển rau màu, đặc biệt là cây bắp non, đây sẽ là cơ sở để gầy dựng lại đàn bò. Phát triển cây ăn trái tại những khu vực mà hệ thống thủy lợi không đủ điều kiện trồng lúa, song song với đầu tư phát triển các loại cây ăn trái bản địa phù hợp với nhu cầu thị trường.

 

Theo tinh thần chỉ đạo của giám đốc Sở, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2017 gồm một số công việc trọng tâm như sau: Tổng diện tích gieo trồng lúa dự kiến 159.133 ha, diện tích rau màu: 16.113 ha. Tích cực triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và ”1 phải, 5 giảm”… để giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xúc tiến mô hình liên kết theo Cánh đồng lớn. Phối hợp với các ngành kêu gọi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo dõi sát sao các công trình thủy lợi, trực lũ 24/24, cập nhật thông tin khí tượng thủy văn... để có ứng phó kịp thời khi lũ lớn xảy ra.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khen ngợi những đóng góp của ngành nông nghiệp cho phát triển kinh tế tỉnh nhà và lưu ý những vấn đề sau: Nhìn lại vụ Đông Xuân 2016 – 2017, có thể nói rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã xuất sắc hoàn thành kế hoạch. Thay mặt UBND tỉnh, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của UBND huyện, UBND xã trong thời gian vừa qua. Cảm ơn các đồng chí Sở Nông nghiệp, các đồng chí huyện, thị, thành phố đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2017 khá hoàn chỉnh. Công việc cấp thiết hiện nay là phải đảm bảo sản xuất ăn chắc vụ Hè Thu, những vùng sạ trễ lịch thời vụ phải cảnh giác cao với lũ sớm và dịch bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá. Ngay trong nội ngành trồng trọt, cần tăng thêm diện tích sản xuất lúa giống để cung cấp cho các tỉnh trong vùng. Huyện Phú tân có thể chuyển một phần diện tích sang trồng bắp non để đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng. Cần theo dõi, cập nhật tín hiệu thị trường để phát triển diện tích trồng rau màu hợp lý. Hài hòa mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ để gia tăng giá trị sản xuất. Căn cứ vào mực nước lũ năm 2011 làm chuẩn, tích cực gia cố đê bao, cống bửng để đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Thu Đông. Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng. Phát huy hiệu quả và nhân rộng quy mô các dự án có ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, như lúa hữu cơ, cây ăn trái chất lượng cao, xoài Viet GAP, heo thịt, cá tra giống... Cơ chế tạo quỹ đất hiện rất phong phú, doanh nghiệp có thể thuê đất thông qua hợp tác xã hoặc tập thể nông dân. Tỉnh luôn hỗ trợ doanh nghiệp ở mức tối đa trong khâu tiếp cận và tích tụ ruộng đất, để doanh nghiệp cùng nông dân luôn đạt nhiều thành công.

 

Kim Kiều

Trung tâm Khuyến nông An Giang