CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Tân Châu đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống Lãnh Mỹ A

03:20 30/08/2017

Cách đây hơn 1 thế kỷ, Tân Châu là một trong những thiên đường tơ lụa. Cũng chính nơi đây đã sáng tạo nên một loại mặt hàng nổi tiếng “có một không hai” đó là Lãnh Mỹ A. Lãnh Mỹ A là sản phẩm mà bất kỳ người phụ nữ nào ở thế kỷ XX cũng đều mơ ước được mặc những chiếc quần lãnh óng ánh, đen huyền và đầy nét quyến rũ này.

 

Nhìn lại lịch sử, vào thời Pháp thuộc, khi chiếm được Nam Kỳ, Thực Dân Pháp quan tâm và muốn khai thác nghề dâu tằm. Nên đã chọn Tân Châu làm trọng điểm để thực hiện các biện pháp phát triển nghề tằm tơ cho cả Nam Kỳ, qua đó nhằm cung cấp tơ tằm cho chính quốc. Lúc bấy giờ, Pháp đã cho thành lập một Viện tơ tằm vào tháng 7 năm 1908 ở Tân Châu. Từ đấy ngành tơ lụa Tân Châu bắt đầu được khai mở và nổi tiếng khắp Nam Kỳ với thương hiệu Lãnh Mỹ A - đồng thời, được giới thượng lưu, hoàng tộc rất ưa chuộng. Trong thời điểm vàng son nhất, có lúc lụa tơ tằm Tân Châu còn xuất hiện ở các nước Campuchia, Ấn Độ, Singapore, Philippines,… Thời điểm đó, các loại vải công nghiệp chưa phát triển như hiện nay nên lụa, gấm là mặt hàng tiêu thụ mạnh. Sản phẩm làm ra được bán khắp các vùng từ Rạch Giá, Cần Thơ đến Sài Gòn... Thời trước, vải thiếu thốn, nhà nào có điều kiện kinh tế khá giả mới có thể may đồ gấm, đồ lụa để mặc. Vì vậy, tơ lụa Tân Châu từng được xem là mặt hàng “cao cấp” một thời. Ông Nguyễn Văn Long, Cở sở Dệt nhuộm Tám Lăng, phường Long Châu - người theo nghề trên 40 năm chia sẻ: “Lãnh Mỹ A thì nó là mặt hàng truyền thống, đặc diểm của nó có cái là tơ tằm kết hợp với mặc nưa, nếu mà đem cái trái mặc nưa nhuộm với mặc vãi khác ngoài tơ tằm thì không đẹp, mà mặc nưa kết hợp với Lãnh Mỹ A mới đẹp. Bởi vậy, ông bà có nói câu, ăn chắc mặc bền, nếu mần nó phải giữ cái nghề nghiệp, cho chất lượng, dệt, nhuộm phải cho chất lượng, nó mới bảo đảm được lâu dài”.

 

Tuy nhiên, sự phát triển của các loại vải công nghiệp đã khiến tơ lụa Tân Châu bước ra khỏi thời kỳ “hoàng kim”. Hiện tại, làng nghề chỉ còn những người thật sự tâm huyết với nghề nghiệp của cha ông mới có thể duy trì sản xuất. Xưa kia làng lụa Tân Châu dệt vải theo kiểu truyền thống bằng tay. Khâu này đòi hỏi phải khéo léo, tỷ mỷ và kiên trì. Nhưng ngày nay, khâu dệt vải được cơ giới hoá một phần nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng lụa. Từ khi có những thước lụa mượt mà, mềm mại trắng tinh của màu tơ tằm tự nhiên thì người ta đã mang đi nhuộm nhằm tạo màu sắc đặc trưng cho Lãnh Mỹ A, đó là màu đen.

 

Hiện nay, sản phẩm lụa, gấm Tân Châu tiêu thụ chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh. Một số công ty nước ngoài vẫn chuộng các sản phẩm tơ lụa truyền thống được sản xuất tại làng nghề. Đây là sản phẩm từng tạo nên danh tiếng một thời cho xứ lụa Tân Châu. Ngày nay, Lãnh Mỹ A không được sản xuất đại trà như trước, vì chi phí cao và thị trường tiêu thụ hẹp. Tuy nhiên, những đoạn Lãnh Mỹ A đen bóng, mát rượi vẫn tồn tại với thời gian. Chúng lưu giữ “cái hồn” của một vùng quê từng là “thủ phủ” của nghề tơ lụa miền Tây thuở trước.

 

Thông thường, người ta hay dùng các phẩm màu hóa chất để nhuộm nhầm tạo ra nhiều màu sắc cho lụa. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Long chia sẻ, riêng ở Lãnh Mỹ A thì kỹ thuật nhuộm màu là 100% từ nguyên liệu tự nhiên, đó là màu từ nhựa của trái mặc nưa. Loại cây này có nguồn gốc từ Campuchia nhưng sau đó người dân Tân Châu đã tự trồng lấy. Qua từng giai đoạn, vải lụa Lãnh Mỹ A được dệt nhiều khổ khác nhau. Hiện nay khổ chuẩn là 9 tất và mỗi cây vải dài 20m, đi từ công đoạn nhuộm, để hoàn thành một tấm lụa, phải mất tới gần 2 tháng thì mới tạo được một tấm lụa Mỹ A tuyệt đẹp mang một màu đen huyền, đúng yêu cầu.

 

 

Trước kia, lúc còn hưng thịnh, nghề tơ tằm Tân Châu có đến 100 cơ sở tham gia sản xuất. Nhưng ngày nay, nói về cơ sở sản xuất mặt hàng Lãnh Mỹ A thì đếm không hết một bàn tay. Và về sản lượng cũng còn khoảng 3-4 ngàn mét/năm. Dù chỉ còn ít cơ sở tham gia sản xuất lụa Mỹ A, song mỗi cơ sở lại cố gắng tìm riêng cho mình hướng đi để góp phần gìn giữ và quảng bá thương hiệu của làng lụa quê nhà. Một trong những hướng đi mới cho lụa Tân Châu đó là sự tạo ra các màu sắc từ các loại vỏ cây, rễ cây,…. trong tự nhiên để nhuộm cho nền lụa trắng Mỹ A của cơ sở Tám Lăng.

 

Sau những bước thăng trầm, làng nghề tơ lụa Tân Châu nay lại dần được sống lại, hy vọng rồi đây con tằm lại tiếp tục nhả tơ. Ruộng dâu, vườn mặc nưa cũng dần dần sống lại. Tuy nhiên, dù có dấu hiệu khởi sắc, nhưng nếu đem so sánh với sự đa dạng của các mặt hàng vải vóc hiện đại ngày nay thì tơ lụa Tân Châu tỏ ra là một loại mặt hàng khiêm tốn về số lượng, đối tượng và cả hiệu quả kinh tế. Vấn đề đặt ra, làm sao để giúp ngành tơ lụa Tân Châu tái sinh, đồng thời giúp thương hiệu Lãnh Mỹ A được quay về với thời vàng son hưng thịnh. Ông Trần Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: “Về phía thị xã thì tiếp tục khảo sát đánh giá lại thực trạng làng nghề, trên cơ sở là nếu như khó khăn thì có hướng giải quyết về vốn và thị trường, làm sau để giúp cho cơ sở hoạt động cho hiệu quả hơn, gắn nội dung bảo tồn với phát triển làng nghề; hỗ trợ làng nghề đăng ký thương hiệu và đào tạo lại nghề tại chổ, phát triển làng nghề gắn với du lịch; xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch như là sản xuất, tổ chức một số điểm tham quan cho du khách, vừa tham quan vừa tìm hiểu, quá trình sản xuất ra sản phẩm là của làng nghề. Thành lập tổ hợp tác dệt lụa, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, lô gô, bản đồ xác định vị trí,…”.

 

Năm 2006, UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề tơ lụa Tân Châu là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Nhờ ứng dụng có hiệu quả về khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho nên lụa Tân Châu ngày càng có nhiều chất lượng tốt hơn so với thời điểm trước, điển hình như các khung dệt đã được cải tiến nhiều, mẫu mã đa dạng, nhiều màu sắc; ngoài màu truyền thống như màu đen trước đây từ trái mặc nưa, thì hiện nay có màu vàng, màu xanh,…được nhuộm từ võ, lá, nhựa của các loại cây tự nhiên, nên màu sắc rất là đẹp và óng ánh. Lãnh Mỹ A không tiêu thụ mạnh như xưa nhưng xứ lụa vẫn còn người tâm huyết như chủ cơ sở Tám Lăng, Hồng Ngọc, Út Sua, Hai Lộc, Chín Chừng.

 

Có thể thấy, so với thập niên 50 - 60 thì sản lượng của lụa Tân Châu còn kém xa, nhưng về chất lượng, thì ngày nay tơ lụa nơi đây có thể sánh ngang tầm với những quốc gia có ngành tơ lụa phát triển. Kỳ vọng thời gian tới, với sự kiên trì, sáng tạo không ngừng nghỉ của những người tâm huyết với nghề, cùng sự quyết tâm can thiệp của chính quyền địa phương thì lụa Tân Châu sẽ sớm hồi sinh, vực dậy. Qua đó sẽ giúp thương hiệu Lãnh Mỹ A trở thành một sản phẩm đặc trưng, thuần Việt, đậm đà tính dân tộc. Để khi nhắc đến Lãnh Mỹ A, nó không chỉ giới hạn trong không gian lụa Tân Châu mà sẽ là niềm tự hào chung của người Việt Nam.

 

 

 

Văn Phô