CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Nông thôn mới

An Giang: Nhân dân Lê Chánh phấn khởi đón chào xã Nông thôn mới

03:15 14/03/2025

Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn mang tính tổng thể các hoạt động nhằm cải biến sâu sắc nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp, từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới năm 2011, trong điều kiện xuất phát điểm các tiêu chí đạt thấp chỉ 11/19 tiêu chí, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như đầu tư vốn của Trung ương, của Tỉnh và thị xã; sự lãnh, chỉ đạo và hỗ trợ của các Sở, Ngành tỉnh, của Thị ủy, UBND, các ngành thị xã Thị xã Tân Châu; cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Lê Chánh đã đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sâu rộng, trên cơ sở 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu theo Quyết định 3379 và thực hiện 19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu theo Quyết định 1260 của UBND tỉnh An Giang (Giai đoạn 2021-2025) địa phương đã tập trung thực hiện với phương châm xây dựng NTM “Nhân dân là chủ thể và Nhân dân chính là đối tượng thụ hưởng”, và hôm nay, xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã đạt chuẩn xã Nông thôn mới cuối năm 2024 theo đúng lộ trình đề ra, là xã nông thôn mới thứ 8 trong tổng số 9 xã của thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Lê Chánh là một xã nội địa, được chia làm 04 ấp, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1500 hecta, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 1300 hecta, do đặc thù và vị trí địa lí nên sản xuất nông nghiệp trồng lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là ngành nghề chủ lực của xã, chiếm 85%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 5%, thương mại và dịch vụ chiếm 10%. Về Lê Chánh hôm nay một diện mạo mới, sức sống mới tràn ngập khắp mọi nẻo đường, khi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông được nâng cấp thuận tiện trao đổi hàng hóa, giao thương với các địa bàn lân cận góp phần phát triển kinh tế của địa phương.  Chú Nguyễn Thành Xuân, ấp Phú Hữu 2, xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: “Nói ngay xã Lê Chánh cả một năm nay khang trang lắm, đường cộ cũng lên đường đal, đồng trên đồng dưới các tiểu đường cộ cũng tráng đal hết trơn cho nông dân, thuận tiện đi vào đồng để làm ruộng, nói ngay nhà nước chính quyền địa phương ở xã Lê Chánh làm như vậy cũng rất quý tại vì bà con mình tới lui đem phân lên đồng hoặc thu hoạch lúa cũng dễ dàng, rồi thêm bây giờ khang trang nữa là có máy bay sạ lúa, đời sống của nhân dân càng ngày càng phát triển lên nhiều lắm”.

Diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng kiểm soát lũ, hệ thống giao thông nội đồng được láng nhựa, bê tông và rãi đá, công trình thủy lợi được nạo vét đảm bảo tưới tiêu, từ đó giúp cho hiệu quả sản xuất được tốt hơn, tăng thu nhập đời sống cho nhân dân. Bên cạnh xây mới, cải tạo và đầu tư trang thiết bị trường học, Trạm y tế, Trung tâm văn hóa – thể thao, sân bóng đá mini xã, trụ sở làm việc, và các thiết chế văn hóa được trên quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện; đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan môi trường. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Ông Nguyễn Văn Tiền – Chủ tịch UBND xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết thêm: “Có thể nói sự kết hợp đúng đắn của những yếu số sau đây đóng vai trò quan trọng trong XDNTM thành công và bền vững. Đó là : Thứ 1 xây dựng kế hoạch và có chỉ tiêu chiến lược rỏ ràng để tổ chức thực hiện quá trình XDNTM. Thứ 2 có sự ưu đãi và hỗ trợ về nguồn lực tài chính đủ để triển khai các dự án và chính sách. Thứ 3 có sự tham gia tích cực và phát huy vai trò chủ thể của người dân để đảm bảo sự hiệu quả và bền vững của thực hiện chương trình. Thú 4 đa dạng hóa kinh tế nông thôn bằng cách phát triển nhiều ngành nghề và mô hình sản xuất kinh doanh. Thứ 5 cung cấp giáo dục và đào tạo cho cộng đồng để nâng cao năng lực và sự hiểu biết của người dân về quản lý tài nguyên và phát triển KT-XH ở địa phương. Thứ 6 thực hiện nhiều mô hình và các công trình chỉnh trang cảnh quan môi trường góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn xã Lê Chánh luôn sáng – xanh - sạch - đẹp”.

Xác định rõ để tạo tính lan tỏa và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động là trọng tâm và xuyên suốt. Trên cơ sở tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dân, tham gia xây dựng nông thôn mới thật sự là “Của dân, do dân, vì dân”; từ đó triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” là yếu tố cơ bản có tính quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Kết quả, địa phương tổ chức tuyên truyền từ khi mới bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới đến nay, đã phát 2.152 bản tin; treo và lắp đặt 50 bản tuyên truyền nông thôn mới.

Với thế mạnh của một xã thuần nông, để tạo thế chủ động trong quản lý sản xuất, địa phương tổ chức quy hoạch sản phẩm chủ lực trên từng lĩnh vực như: trồng giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, rau màu các loại như bắp lai, đậu phộng, trên cây ăn trái có Mít chứng nhận An toàn thực phẩm, cây có múi, nhãn; Trên lĩnh vực chăn nuôi có nuôi heo thịt, heo nái giống, gia cầm (trứng gia cầm); trên lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản có cá tra (cá tra thương phẩm, cá tra giống chất lượng cao)…, được quy hoạch theo từng tiểu vùng, thực hiện việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại sản phẩm. Bên cạnh xã Lê Chánh đã định hướng quy hoạch vùng trồng cây mít tiểu vùng Nam Vĩnh An, hiện nay đã có một số hộ áp dụng và đã có kết quả tích cực. Tiêu biểu tại xã Lê Chánh là nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đây cũng là 01 trong những địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 2.700 hecta với 07 mô hình như mô hình “Ươm giống” tưới tiết kiệm kết hợp bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa bằng điện thoại, 02 mô hình “Tưới phun tự động bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa bằng điện thoại cho mô hình vườn nhãn xuồng” và 01 mô hình trồng Mít ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cục bộ điều khiển từ xa bằng điện thoại, 01 mô hình “Nhà lưới chống côn trùng gây hại và ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cục bộ điều khiển từ xa bằng điện thoại cho vườn táo hồng và mô hình sản xuất ếch giống bằng xử lý nước qua bể lọc ứng dụng điện thoại di động điều khiển từ xa với tổng nguồn vốn hỗ trợ từ CT MTQG XD NTM là hơn 01 tỷ đồng bước đầu mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân và tạo sức lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn. Chú Nguyễn Hồng Kha chia sẻ: “Công nghệ cao có lợi ích cho bà con nông dân trước tiên là mình tiết kiệm nước, thứ hai là mình giảm nhẹ nhân công, lợi nhuận nhiều hơn là tưới thủ công”.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Bổng cho biết: “Khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong cái chăn nuôi ếch giống cái quá trình chăn nuôi ếch giống đạt hiệu quả cao hơn, giữ được tỷ lệ số lượng con giống nhiều hơn so với trước đây và giá bán con giống cũng ổn định từ 600-700đ/con, từ đó, cũng mang lại nguồn kinh tế cho gia đình”.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hoá – văn nghệ, thể dục – thể thao được tổ chức thường xuyên; hệ thống thông tin tuyên truyền rộng khắp địa bàn dân cư. Đối với công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường thông qua thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế dự phòng và y tế quốc gia, đặc biệt là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về phòng, chống các loại dịch bệnh, nên tình hình dịch bệnh được kiềm chế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt hơn 95%.

Có thể thấy rằng, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Lê Chánh đã có nhiều khởi sắc, năm 2024 xã Lê Chánh còn 19 hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều), chiếm tỷ lệ 0,97% so với năm 2011 giảm 96 hộ nghèo, giảm tỷ lệ 4,14%, hộ cận nghèo giảm 315 hộ còn 63 hộ, tỷ lệ 3,20%, giảm tỷ lệ 13,61%. Chú Phạm Thanh Tú, ấp Phú Hữu 1, xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang bày tỏ:  “Trước nay cũng khó khăn lắm, nuôi con ăn học cũng làm mướn không hà, sau được ấp Phú Hữu 1 cho được vay ngân hàng xã hội vay sinh viên mới đỡ đỡ chút, năm 2023 đó, cho nguồn vốn 2 con bò nuôi, giờ bán 02 đợt rồi, đợt 54 triệu, đợt 53 cộng lại được 108 triệu, mần ăn cũng đỡ đỡ chút, đỡ hơn mọi lần”.

Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là hơn 12 triệu đồng/người/năm đến năm 2024 đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 48 triệu đồng, gấp 5 lần so với năm 2010.

Bên cạnh phát huy nội lực, địa phương còn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, các ngành chuyên môn thị xã. Thực hiện hoàn thành xây dựng Nông thôn xã Lê Chánh đã được đầu tư tổng kinh phí hơn 202 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 184 tỷ đồng và doanh nghiệp, nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ đồng.

Xác định xây dựng thành công xây dựng NTM trên quê hương là sự nỗ lực, quyết tâm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã nhà, để duy trì và và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu của xã nông thôn mới bền vững hướng đến xây dựng xã Lê Chánh đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, địa phương xác định trọng tâm phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, chuyển biến mạnh về chất lượng và gắn với phát triển bền vững. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường. Xây dựng một xã hội phát triển, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội như: việc làm, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh tạo sự đồng thuận trong xã hội, thu hút cộng đồng tích cực tham gia vào quản lý kinh tế, xã hội và môi trường.

Xây dựng Nông thôn mới chủ trương hòa hợp “Ý Đảng Lòng Dân” cùng với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân để những thành quả đạt được là sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Lê Chánh, về Lê Chánh hôm nay, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét, diện mạo nông thôn thêm phần rực rỡ mang lại sức sống mới. Cùng với đó, xác định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm dừng, vì vậy, trong niềm hân hoan, phấn khởi hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lê Chánh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm giữ vững, nâng chất và xây dựng xã Nông thôn mới Lê Chánh trở thành xã Nông thôn mới nâng cao, ngày càng vươn mình phát triển, cùng với thị xã vùng biên Tân Châu – An Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phấn đấu trở thành thành phố, tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Huyền Thoại (Đài TT Tân Châu)