CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

An Giang định hướng mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025

08:15 08/07/2022

Phát triển sản phẩm OCOP góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân là một trong những tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ngày 30/6, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức Hội nghị Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, Trương Kiến Thọ tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo đánh giá Văn phòng điều phối Nông thôn mới, năm 2021, An Giang đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt chứng nhận chương trình OCOP từ 3 sao trở lên, tăng cường công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường gắn với công tác kiểm tra, giám sát, các hoạt động liên quan đến trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai Chương trình OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao và có 02 sản phẩm 5 sao. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ và trang trí.

Năm 2022, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tiếp tục tập trung hỗ trợ duy trì nâng cao các sản phẩm OCOP của địa phương và đều có sản mới, sản phẩm tiềm năng tham gia, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hỗ trợ các Chủ thể kinh tế có các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP phát triển các tiêu chí theo quy định để đánh giá và nâng hạng sao OCOP. Phấn đấu có ít nhất 35 sản phẩm được đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm về Du lịch tham gia vào Chương trình, các sản phẩm đạt chứng nhận tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và có ít nhất 03 sản phẩm đề xuất đánh giá và nâng hạng sản phẩm OCOP.

Giai đoạn 2021 – 2025, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các Chủ thể kinh tế. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đặc biệt là quy trình đánh giá, hồ sơ sản phẩm, tiêu chí chấm điểm và hoàn thiện tài liệu tuyên truyền, vận động và đào tạo tập huấn để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và công tác truyền thông. Lòng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh để hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩ, mục đích, tầm quan trọng của Chương trình OCOP.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Trương Kiến Thọ cho rằng chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Từ đây, chương trình đã góp phần quan trọng trong tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, chương trình OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó trong quá trình triển khai thực hiện một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, sản phẩm và Chủ thể kinh tế. Sản phẩm OCOP được công nhận vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đối với các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch hiện có của tỉnh để phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Do đó, trong thời gian tới địa phương cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là gắn với bảo tồn và phát huy các sản phẩm làng nghề và làng nghề truyền thống. ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP.

Trang Nghiêm