CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Làng nghề truyền thống bánh phồng Phú Mỹ, địa chỉ hấp dẫn du khách đến tham quan và trải nghiệm

03:15 17/12/2020

Phú Tân là huyện cù lao nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu có thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt và chăn nuôi, cây nếp của huyện chiếm 94% tổng gieo trồng hàng năm. Trên địa bàn huyện Phú Tân có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng được nhiều người biết đến như: làng nghề bó chổi Phú Bình, rèn Phú Mỹ, bánh phồng Phú Mỹ…

Nằm dọc theo con sông Tiền thuộc ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang có khoảng14 hộ tham gia làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) truyền thống bánh phồng Phú Mỹ. Làng nghề được hình thành từ năm 1955 và đã được UBND tỉnh An Giang công nhận tại Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 03/11/2006.

Làng nghề nổi tiếng với sản phẩm bánh phồng được xem là một loại bánh đặc sản của An Giang, thu hút được khoảng 103 lao động với 14 hộ tham gia nghề, thu nhập bình quân lao động khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Bánh phồng Phú Mỹ được xem là loại bánh truyền thống có hương vị đặc trưng bởi được chế biến từ nguồn nếp do địa phương sản xuất.  Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị riêng, độ thơm, béo, ngọt rất khác biệt so với bánh phồng những nơi khác, chính yếu tố đó giúp làng nghề tồn tại đến ngày nay.

Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, cung ứng cho thị trường hằng năm, trong đó hai loại ngon nhất là bánh phồng sữa và bánh phồng mè luôn thu hút nhiều khách hàng đặt mua dịp Tết. Bánh phồng Phú Mỹ được người tiêu dùng ưa chuộng nên làng nghề phát triển mạnh và sản xuất quanh năm, nhộn nhịp nhất là tháng giáp Tết. Những kỳ hội chợ hay triển lãm tại An Giang, Cần Thơ hoặc TP. Hồ Chí Minh, bánh phồng Phú Mỹ đều có mặt trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của An Giang.

Ngày nay, cơ giới hóa đã thay thế phần nào sức người trong khâu quết và cán bánh; rút ngắn thời gian, giảm chi phí và tạo ra những cái bánh đều hơn. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều hộ làm bánh phồng còn cải tiến thêm nhiều loại bánh mới. Hiện tại, các sản phẩm sản xuất từ làng nghề TTCN truyền thống bánh phồng Phú Mỹ được bán khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia...

Vì vậy, để làng nghề tiếp tục phát triển bền vững với thương hiệu “Bánh phồng Phú Mỹ” thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các ngành chức năng trong việc tạo thị trường và nguồn vốn ưu đãi để người dân duy trì được làng nghề truyền thống và giải quyết công ăn việc làm của lao động tại địa phương.

Xuân Hiếu