CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

An Giang hướng tới phát triển logistics xanh, bền vững

11:45 10/06/2023

Ngày 6/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký Công văn số 635/UBND-KTN về việc thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ.

Nhìn chung, hệ thống logistics của tỉnh đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 02 trung tâm thương mại, 07 siêu thị, 90 cửa hàng tiện lợi và 189 chợ được phân hạng…

Công văn nêu rõ, với lợi thế có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài gần 100 km và có 05 cửa khẩu thực hiện thông quan hàng hóa, An Giang được xem là đầu mối quan trọng, kết nối các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia và các nước ASEAN. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển thương mại trong nước và thế giới.

Nhìn chung, hệ thống logistics của tỉnh đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 02 trung tâm thương mại, 07 siêu thị, 90 cửa hàng tiện lợi và 189 chợ được phân hạng; 45 chi nhánh, địa điểm kinh doanh, kho hàng hoá; 129 điểm phục vụ bưu chính/116 xã, phường, thị trấn; 07 doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan và bến bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới (trong đó, có 05 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ); 07 cảng thủy, phân bố dọc theo tuyến sông Hậu, trong đó có 2 cảng vận chuyển hàng hóa, 1 cảng hành khách và 4 cảng chuyên dùng và trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp phép kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ (trong đó, có 27 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động logistics của tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm nhưng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh.

Việc mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án vẫn còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ biên giới. Hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh còn rời rạc và mới chỉ đang tham gia một phần trong toàn bộ các hoạt động của dịch vụ logistics. Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ nên tốc độ đổi mới công nghệ còn chậm dẫn đến sức cạnh tranh chưa cao do tiềm lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế.

Trên cơ sở đó, để góp phần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 163/NQ-CP, UBND tỉnh An Giang đề nghị các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của tỉnh. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 và Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 4/6/2021 của UBND tỉnh về việc phát triển hệ thống logistics tỉnh An Giang.

Cụ thể, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các ngành liên quan xây dựng các giải pháp phát triển dịch vụ logistics gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước trên địa bàn tỉnh; cùng các Sở, ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác phối hợp với các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương, chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền phương án ứng phó trước các tác động ngoại lực đến thị trường tỉnh An Giang nói riêng và khu vực nói chung.

Sở Giao thông và vận tải chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan quan tăng cường các giải pháp kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải tham gia trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các hợp phần giao thông vận tải đảm bảo phù hợp các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng, đất đai và kết cấu hạ tầng giao thông; đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics của địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ logistics tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên về vận tải hàng hóa trong và ngoài nước, hướng tới phát triển logistics xanh, bền vững.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong ngành dịch vụ logistics của tỉnh.

 Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương và Cục Thuế tỉnh rà soát, tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế.

 Cục Hải quan phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại quốc tế, tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về Thuận lợi hóa thương mại của WTO.

 Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động logistics của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Nguồn: Công văn số 635/UBND-KTN ngày 6/6/2023

Xuân Hiếu