CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

An Giang: Thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bước đầu phát huy hiệu quả

11:05 21/11/2022

Theo UBND tỉnh An Giang, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn, với quan điểm chung được thống nhất từ Trung ương đến địa phương là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Theo đó, các cơ chế chính sách sẽ tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phát triển.

An Giang cũng ban hành nhiều Chương trình hành động, kế hoạch, chính sách để phát triển nông nghiệp. Quá đó, cho thấy địa phương đang quan tâm cải cách thể chế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bước đầu phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang đã cùng với các địa phương đã tích cực xây dựng các chuỗi liên kết để kết nối tiêu thụ nông sản, các quy trình sản xuất giảm giá thành sản phẩm, chú trọng công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; dự báo, phòng, chống thiên tai, dịch hại; tiêm phòng để đảm bảo phát triển ổn định. Diện tích xuống giống và năng suất lúa và rau màu giảm nhẹ, song chăn nuôi và thủy sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng đầu năm. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn theo hợp đồng với các tập đoàn và thị trường nước ngoài, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững.

 

Việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng thực chất, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), chăn nuôi (heo, bò dê...), thuỷ sản (cá tra, lươn, con giống thuỷ sản), rau màu, dược liệu đã dần được xác lập, phương thức sản xuất từng bước chuyển biến theo hướng tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chú trọng tổ chức sản xuất hàng hoá lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong quá trình triển khai có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình hiệu quả được thực hiện từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm và nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Thực hiện Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình phát triển nông nghiệp được cấp ủy, chính quyền trong tỉnh và các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng (trong năm 2022, đã triển khai thực hiện 20 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh và 101 mô hình cấp huyện), góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện thu nhập cho nông dân, đồng thời đóng góp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các địa phương, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn.

Triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang (OCOP - AG), đặc biệt là các nhiệm vụ như công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP của tỉnh; hỗ trợ các Chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trong việc giới thiệu, xúc tiến thương mại, thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm; hỗ trợ các địa phương và các chủ thể sản xuất có sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo các nhóm ngành theo quy định.

 

Đến tháng 9/2022, tỉnh An Giang đã có 74 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia, 15 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu thuộc nhóm ngành: Thực phẩm (59 sản phẩm), Đồ uống (13 sản phẩm), Thảo dược (01 sản phẩm), Thủ công mỹ nghệ, trang trí (01 sản phẩm). Có 54 Chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (bao gồm: 04 Hợp tác xã, 23 Doanh nghiệp, 21 Cơ sở sản xuất).

Về kết quả thu hút đầu tư, lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh An Giang đã thu hút 09 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 860 tỷ đồng. Trong đó, 07 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 469 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư 01 dự án để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn là 14.096 tỷ đồng; 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 23 triệu USD, tương đương 391 tỷ đồng. So với cùng ký năm 2021, số dự án được cấp mới giảm 08 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký giảm 80 tỷ.

 

Trong thời gian tới, An Giang hỗ trợ các HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp hoặc các liên kết theo chuỗi giá trị khác. Tiến tới thành lập Liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực lúa gạo tham gia Liên hiệp HTX lúa gạo quy mô vùng ĐBSCL và gắn kết vào chuỗi cung ứng của ASEAN. Liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu cung ứng sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường hỗ trợ theo mô hình HTX kiểu mới để làm HTX mẫu, gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới; tạo ra sản phẩm sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ 4.0.

Đồng thời áp dụng mã vạch QR giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng Trung tâm quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho các HTX, sản phẩm OCOP.

Nguồn: Công văn số 1315/UBND-TH ngày 9/11/2022

Xuân Hiếu