CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

“Tam Nông” một chương trình hiệu quả ở Long Kiến

08:00 11/02/2019

Với sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị, đồng sức, đồng lòng của nhân dân, xã Long Kiến (huyện Chợ Mới) đã vinh dự đạt danh hiệu xã Nông thôn mới. Nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, cùng nhau thi đua lao động sản xuất tăng thu nhập, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn ngày càng được khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần dân cư nông thôn ngày càng được nâng cao, tạo nên một luồng sinh khí mới trong “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Bức tranh “Tam nông” ở Long Kiến có sự thay đổi căn bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Xác định thế mạnh của xã Long Kiến là nông nghiệp, địa phương đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, chương trình “1 phải - 5 giảm”, “ruộng lúa bờ hoa” và đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, tỷ lệ cơ giới hóa vào đồng ruộng đạt trên 98%. Nhiều hộ sản xuất lúa 3 vụ chất lượng cao, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng giảm dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và tăng diện tích cây màu, vườn cây ăn trái với diện tích chuyển đổi đến nay hơn 169ha. Và hiệu quả kinh tế từ 2 loại cây trồng sầu riêng và bưởi da xanh đang dần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Với giá trị sản xuất bình quân đạt trên 170 triệu đồng/ha/năm, mang lại lợi nhuận gấp 3 lần so với độc canh cây lúa.

Chú Đoàn Công Minh, ngụ ấp Long Hòa 1, cho biết đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để lên vườn hào hứng kể:  “Trước đây làm ruộng không có hiệu quả, làm lúa giá cả lúc lên lúc xuống bất thường nên chuyển sang cây trồng. Đất 7 công chia ra trồng thử 7 cây sầu riêng, nay được 4 năm, cũng trọng rồi. Còn bưởi được 200 cây, trong đó có xen cóc “lấy ngắn nuôi dài”. Còn chanh năm rồi có trồng rồi, có thu hoạch rồi, trồng chanh không hạt, bán có giá hơn mấy loại chanh kia, năm nay đang xử lý ra bông”.

Đối với chăn nuôi, tập trung phát triển con nuôi có thế mạnh như: Trâu bò, heo và gia cầm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã vào sản xuất, áp dụng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình nuôi gà thả vườn và xây dựng hầm biogas nên năng suất và chất lượng ngày được nâng cao. Giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hoá. 10 năm qua, toàn xã được đầu tư bê tông, láng nhựa hơn 20 km đường giao thông từ nguồn vốn của Trung ương và nhân dân đóng góp, cất mới và sửa chữa 22 cây cầu nông thôn với tổng giá trị hơn 16 tỷ đồng. Thủy lợi, vận động nhân dân nạo vét các kênh mương nội đồng, tôn cao tuyến đê chống lũ và nhân dân hiến đất làm đường với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Nhìn chung hệ thống thủy lợi trên địa bàn phát triển đồng bộ theo quy hoạch, đảm bảo 100% nhu cầu nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Cơ sở vật chất y tế được tăng cường, chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu từng bước được nâng lên rất nhiều so với trước đây, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, số người dân tham gia bảo hiểm theo tiêu chí Nông thôn mới đạt 88,9%. Chợ nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu buôn bán cho bà con nhân dân. 99% hộ dân được sử dụng điện. Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải thiện: đến nay có trên 85% hộ sử dụng nước sạch và có nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Công tác giáo dục được bảo đảm, chất lượng dạy và học được nâng lên, hệ thống trường lớp được quan tâm chú trọng. 100% số trẻ đến lớp ở bậc mầm non, cấp tiểu học đạt 100%, bậc THCS, THPT đạt 98%. Hệ thống trường học từ mầm non đến THPT đều được xây dựng khang trang, kiên cố, sạch sẽ, thoáng mát.

Giá trị lớn nhất là dân chủ ở nông thôn ngày càng mở rộng, phát huy; tình làng nghĩa xóm gắn bó chặt chẽ; người dân thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; hệ thống chính trị vững mạnh, hàng năm Đảng bộ đều đạt “trong sạch vững mạnh”; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác đều được kiềm chế và đẩy lùi. Đến nay trên địa bàn xã không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Các vụ việc xảy ra giảm dần qua từng năm. Công tác quân sự- quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định, công tác tuyển quân đều đạt chỉ tiêu trên giao.

Lĩnh vực văn hóa, các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao của quần chúng nhân dân. Hội thi văn hóa, văn nghệ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng có trên 96% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Đặc biệt để tạo vẻ mỹ quan cho các tuyến đường, địa phương còn chỉ đạo các ngành, các cấp huy động sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, các mạnh thường quân và nhân dân để trồng hoa kiểng hai bên đường. Qua đó đã xây dựng và hình thành những tuyến đường hoa “sáng - xanh - sạch - đẹp”: tuyến đường Rạch Xà Mách, tuyến đường Mương Tịnh; tuyến đường Lò Mo; đoạn đường từ ngã Ba Tam Hiệp thuộc ấp Long Định đến cầu Chưng Đùn với tổng chiều dài hơn 8 km. Đến nay nhiều người dân ở nông thôn đã thỏa lòng mong ước về những tuyến đường nhựa thẳng tắp, trải dài với những con đường hoa rực rỡ màu sắc.

Làng quê đổi mới, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, sản xuất phát triển không ngừng, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Anh Võ Ngọc Trọng, người dân xã Long Kiến phấn khởi, chia sẻ bộ mặt nông thôn và đời sống của xã nhà: “Nhà cửa bây giờ xây dựng khang trang, mới mẻ hơn, bộ mặt nông thôn giờ đổ đal êm lắm, thấy cái đổ đal tôi chịu đó, đi đường sá không còn lầy như mọi lần, mọi lần mỗi lần mưa là chạy về liền vì sợ lầy chạy xe không được, giờ có đường đal đổ vào đường đồng êm lắm”.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi về nhận thức, quan niệm của người dân, từ chỗ “thụ hưởng, bị động” chuyển dần sang “chủ thể, chủ động”. Thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao xuất hiện những phong trào, cách làm hay, sáng tạo, gương nông dân tiêu biểu như: Ông Lý Đoàn Viên mạnh dạn bán 1 công đất ruộng để làm cầu nông thôn; Ông Huỳnh Văn Dũng bán 4 công đất ruộng để làm nghĩa địa nhân dân; Ông Nguyễn Thanh Vũ hàng năm đóng góp cho địa phương hơn 120 triệu đồng để ủng hộ các phong trào và quỹ xã hội từ thiện; Ông Võ Văn Em mỗi năm đều trích phần lợi nhuận từ trồng cây ăn trái để ủng hộ người nghèo, cất cầu, rải đá đường nông thôn hơn 200 triệu đồng và anh Phạm Minh Tuấn, gương thanh niên trẻ chịu khó làm ăn phát triển kinh tế đã đứng ra vận động và đóng góp ngày công lao động xây dựng cầu nông thôn…

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở xã Long Kiến đến nay đạt 43,2 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, bình quân hằng năm giải quyết việc làm được cho hơn 1.000 lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 92%. Đồng chí Nguyễn Văn Bé Hai, Bí thư Đảng Ủy xã Long Kiến cho biết:

“Chương trình tam nông “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã góp phần vào sự thay da đổi thịt của địa phương Long Kiến như: bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân dần được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư cầu, đường, trường, trạm cũng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, học tập và khám chữa bệnh của người dân”.

Đến Long Kiến vào những ngày đầu xuân mới 2019, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí hân hoan, háo hức của cán bộ và nhân dân nơi đây khi xã được đón bằng công nhận của UBND Tỉnh và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và có thể hiểu tại sao mọi người lại có chung một niềm phấn khởi như vậy: Những con đường sạch sẽ, tạo sự thuận tiện trong giao thông, giao thương; những mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, giúp nhiều gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả; các công trình “Điện – đường – trường – trạm” đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân... Đó chính là những gì mà chương trình “tam nông” đã mang lại hiệu quả cho người dân nơi đây.

 

Hồng Đào

Đài Truyền thanh huyện T Chợ Mới