CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm

08:45 27/03/2024

Theo số liệu thống kê trên hệ thống Vahis từ đầu năm đến ngày 22/03/2024, cả nước đã xảy ra 06 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 06 tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là 8.924 con. Có 131 ổ dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi tại 30 tỉnh với tổng số heo tiêu hủy là 4.288 con. Hiện tại có 19 tỉnh chưa qua 21 ngày, 34 ổ dịch; trong đó ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Cà Mau; Viêm da nổi cục là 26 ổ dịch bệnh, tại 04 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Tiền Giang, với tổng số 118 con trâu, bò mắc bệnh và 30 con bị chết phải tiêu hủy; Có 15 ổ dịch bị Lở mồm long móng tại 07 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai với số gia súc mắc bệnh là 370 con, số chết và tiêu hủy là 80 con; Bệnh Dại xảy ra ở 24 tỉnh với 54 ổ dịch, tổng số chó mắc bệnh Dại buộc tiêu hủy là 190 con. Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bệnh Dại xảy ra ở An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh và Cà Mau.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát, khống chế, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Tai xanh, Viêm da nổi cục, Lỡ mồm long móng,…không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Sở đã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch và kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Trên cơ sở đó tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật (Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu Phi, Viêm da nổi cục trên trâu, bò, Dại,…) theo quy định của Luật thú y, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch (nếu có); Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi (Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Viêm da nổi cục, Dại…) tại các địa phương có nguy cơ cao, đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.

Ngoài ra, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, bao gồm: Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch phòng, chống bệnh gia súc giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh An Giang;

Song song đó, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; Tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thuỷ sản, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm./.

Kim Trang