CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Tuyên truyền phòng bệnh truyền lây nguy hiểm từ vật nuôi sang người tại thị xã Tịnh Biên

11:55 28/02/2024

Con người thường sống gần gũi với vật nuôi do nhu cầu làm bạn hay mục đích nuôi kinh tế. Tuy nhiên, trong suốt quá trình nuôi dưỡng và tiếp xúc người nuôi rất dễ mắc phải các bệnh truyền lây từ vật nuôi sang người từ các chất dịch hoặc chất thải của chúng, trong đó một số bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Chính vì vậy, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Tịnh Biên thường xuyên thực hiện các công tác tuyên truyền phòng bệnh truyền lây nguy hiểm nhằm mục đích hạn chế thiệt hại đến tính mạng con người.

Bệnh dại:

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, vết cào, liếm của chó, mèo dại trên da bị tổn thương. Người bị lây bệnh có thể được phòng và điều trị dự phòng bằng vắcxin hay huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh gây tử vong gần như 100%.

Triệu chứng ở vật nuôi: chảy nhiều nước bọt là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh dại. Các triệu chứng khác bao gồm thay đổi hành vi, sốt, mẫn cảm với xúc giác, ánh sáng và âm thanh, ẩn nấp trong những nơi tối tăm, đi loạng choạng, chán ăn và co giật.

Triệu chứng ở người: các triệu chứng ban đầu như sốt, nhức đầu. Khi tiến triển và lây nhiễm vào hệ thần kinh trung ương, người bệnh sẽ mất ngủ, lo lắng, sợ nước, sợ gió, co giật, ảo giác, tê liệt.

* Phòng bệnh

- Người nuôi cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Tuyệt đối không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Tuyệt đối không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. 

- Tuyệt đối không nuôi những động vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc

Cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm A/H5N1 hay còn được gọi là “cúm gà”, thường xảy ra vào mùa lạnh, mùa mưa và nhất là giai đoạn giao mùa. Bệnh phát triển ở các đàn gia cầm, gà, vịt rồi lây sang người do người tiếp xúc với các chất thải, lông, thịt của các gia cầm bị bệnh.

Triệu chứng ở vật nuôi: phụ thuộc vào  nhiều yếu tố: độc lực của virus, tuổi gia cầm mắc bệnh, tính đặc hiệu, môi trường (mật độ, nhiệt độ, ánh sáng, thành phần không khí…), chế độ ăn, sự bội nhiễm của vi khuẩn, virus khác… Ở các loài chim hoang dã và vịt nhà ít xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Ở gia cầm (gà, gà tây): Bệnh gây tử vong rất cao. Thời gian ủ bệnh thay đổi từ vài giờ đến 21 ngày. Trong một số trường hợp lên đến 28 ngày. Gà sốt cao có biểu hiện bất thường ở hệ  tiêu hóa, hô hấp, sinh sản và thần kinh. Triệu chứng chung là giảm hoạt động, giảm ăn, gầy mòn, giảm đẻ trứng.Trường hợp nặng có triệu chứng ho, khó thở, suy hô hấp; rối loạn thần kinh, tiêu chảy. Trong một vài trường hợp, một số con co giật hoặc nằm bất thường. Những triệu chứng này có thể xảy ra đồng thời hoặc riêng biệt.

Triệu chứng ở người: sốt cao đột ngột, rét run, mạch nhanh, đau các cơ, đau đầu, ho có đờm. Bệnh nặng dễ gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

* Phòng bệnh:

Khi chọn mua giống về nuôi: Chỉ chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với gia cầm nhập từ tỉnh ngoài phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch. Thực hiện nuôi nhốt cách ly gia cầm mới mua về và gia cầm nuôi sẵn tại gia đình ít nhất 10 ngày trước khi nhập đàn.

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chú ý vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, khu vực xung quanh, chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa gia cầm vào nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi.

Chủ động thực hiện và tuân thủ thời gian tiêm phòng các loại vắcxin đúng theo lịch tiêm phòng nhất là đối với vaccine phòng bệnh Cúm gia cầm.

Võ Thị Huỳnh Như

Trạm Chăn nuôi và Thú y Thị xã Tịnh Biên