CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Phòng chống năng cho vật nuôi

10:20 19/06/2021

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết mùa hè năm 2021 sẽ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có thể ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi, để phòng chống nắng nóng, giảm thiểu thiệt hại cho vật nuôi

Ngày 14/6/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã có Công văn số 1245/SNNPTNT-CCCNTY đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn của địa phương (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế) phối hợp cùng với các đoàn thể, cơ quan liên quan tại địa phương (Trạm Chăn nuôi và Thú y) tập trung thực hiện và áp dụng các biện pháp để phòng, chống nắng nóng, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp chống nóng cho vật nuôi tại các địa bàn của địa phương nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y nắm tình hình ở các địa phương và xem xét cử đoàn công tác phối hợp các địa phương đi khảo sát trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống nắng nóng tại các địa phương.

Các biện pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi thực hiện theo hướng dẫn tại mục số 2 của Công văn số 556/CN-MTCN ngày 08/06/2021 của Cục Chăn nuôi. Chi tiết:

Hướng dẫn biện pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương; thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi như sau:

Thức ăn, nước uống

- Những ngày khô hạn, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin… tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm.

- Đảm bảo thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống nếu có điều kiện. Đối với những địa phương bị hạn, hạn kéo dài, cần có hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước. Sử dụng hệ thống bể lớn lót bạt công nghiệp HDPE 4 mặt để chứa nước, chống bay hơi nước để phục vụ cho chăn nuôi.

Quản lý nuôi dưỡng

- Đối với trâu, bò, dê, cừu chăn thả: những ngày trời nắng nóng, buổi sáng đi chăn thả sớm và về sớm; buổi chiều chăn thả muộn, về muộn, đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non. Nếu có điều kiện nên di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn nước và bổ sung thức ăn tại chuồng.

- Đối với gia cầm: Nuôi nhốt với mật độ vừa phải: Gà úm 50-60 con/m2 . Gà 0,5-1kg, nhốt 20-30 con/m. Gà 2-3kg, nhốt 7-10 con/m2

Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh.

- Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3-4 m2/con. Lợn thịt là 2 m2/con. Cho uống đủ nước.

Tăng cường chăm sóc gia súc non do khi thời tiết nắng nóng sức đề kháng của chúng thấp hơn so với các con trưởng thành.

Về quản lý chuồng trại chăn nuôi

- Chuồng trại cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng, hàng ngày thu gom phân và rác thải, thực hiện ủ phân sinh học, không thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường;

- Vệ sinh máng ăn, máng uống không để dư thừa thức ăn trong máng gây ôi thiu;

- Những ngày nhiệt độ cao có thể phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt;

- Có rèm che xung quanh để những ngày nắng nóng mở lên nhằm thoát nhiệt;

- Trồng nhiều cây xanh, che chắn xung quanh để có nhiều bóng mát;

- Có hệ thống cửa để thông gió, nếu có điều kiện nên bố trí quạt thông gió, hệ thống phun sương.

Vệ sinh phòng bệnh

- Đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác;

- Tiêm đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch;

- Định kỳ tẩy giun, sán cho vật nuôi;

- Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh;

- Phát hiện sớm các loại gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng. Cần quan tâm nhất là các bệnh đường ruột và tiêu hoá bằng cách chủ động cho gia súc ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh;

Sau những đợt nắng nóng kéo dài, đàn gia súc, gia cầm thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm nên tăng nguyên cơ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… Vì vậy cần có kế hoạch bổ sung khoáng, vitamin và dinh dưỡng theo tiêu chuẩn.

Lê Quang