CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 28/10/2024

01:30 28/10/2024

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT báo tin: Xuất khẩu nông sản có thể lập kỷ lục 61 tỷ USD; - 3 quí liên tiếp, Việt Nam là đối tác cung cấp thủy sản lớn thứ 5 tại Singapore; - Trung Quốc tăng nhập cá tra nguyên con, doanh nghiệp xuất tiểu ngạch hưởng lợi.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT báo tin: Xuất khẩu nông sản có thể lập kỷ lục 61 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến vừa báo tin, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt 60-61 tỷ USD - con số kỷ lục lịch sử. Ông cũng khẳng định, người dân yên tâm chăn nuôi vẫn tăng trưởng tốt nên đủ thịt ăn Tết.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 9 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp có nhiều thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Đặc biệt, cơn bão số 3 và mưa lũ khiến ngành nông nghiệp thiệt hại trên 30.800 tỷ đồng. Trong đó, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.

"Do đó, nhiều người đặt câu hỏi như vậy có đủ thịt ăn Tết, có phải gói bánh chưng bằng cá chép hay phải lên tivi mua thịt giá rẻ không?", ông nêu vấn đề.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cho hay, đến hết tháng 9 năm nay, sản lượng thịt đã đạt 6,13 triệu tấn thịt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thức ăn giảm đi thì người dân tái đàn nhanh, tốc độ tăng trưởng sẽ được duy trì. Chúng ta có thể yên tâm sẽ không thiếu thịt ăn Tết.

Về thuỷ sản thì cả nuôi trồng và khai thác đều tăng, sản lượng đã đạt 7,02 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thế mạnh này đến hết tháng 9/2024 đạt 7,23 tỷ USD, riêng tháng 9 đạt hơn 900 triệu USD. Theo Thứ trưởng, khả năng xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD như đề ra.

Vừa qua, các tỉnh và thành phố bị thiệt hại nặng sau bão số 3 như Hải Phòng, Quảng Ninh đã được Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) trực tiếp giao vật tư, con giống, thức ăn… để hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Với 170.000ha rừng gãy đổ, gỗ đang được thu gom về dự trữ để làm viên nén bán giá tốt hơn. Đồng thời, các địa phương cũng chuẩn bị giống để đầu năm trồng mới rừng. 

Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, các tỉnh phía Bắc thiệt hại khoảng 300.000-400.000 tấn lúa. Thế nhưng, trong 9 tháng qua tổng sản lượng lúa cả nước vẫn đạt 34,01 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Chắc chắn tháng 10 sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên nếu trừ đi con số 300.000-400.000 tấn lúa bị thiệt hại vừa qua trong tổng sản lượng 43,3 triệu tấn thì chúng ta vẫn đảm bảo 40 triệu tấn, đủ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu”, ông Tiến nhấn mạnh và thông tin thêm, xuất khẩu gạo trong 9 tháng qua đã đạt 7 triệu tấn, thu về 4,37 tỷ USD. 

Còn với rau màu, ông cho rằng không đáng ngại, bởi đây là cây trồng ngắn ngày rất nhanh cho thu hoạch. 

“Khi mưa bão xảy ra, Bộ NN-PTNT đã nhận định, những tỉnh miền núi phía Bắc về cơ bản là tự cung tự cấp nên không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu”, Thứ trưởng cho hay.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng thông tin thêm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2024 đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 9 đã đạt 5,85 tỷ USD. 

Đáng chú ý, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp vọt lên 13,9 tỷ USD, chiếm 66,8% tổng thặng dư của cả nền kinh tế. 

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt 60-61 tỷ USD, thậm chí là hơn. “Chúng ta phải tự hào là những người làm nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

3 quí liên tiếp, Việt Nam là đối tác cung cấp thủy sản lớn thứ 5 tại Singapore

Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có thị phần xuất khẩu thủy sản lớn nhất đến Singapore với 3 quí liên tiếp duy trì vị trí số 5.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong 9 tháng đầu năm 2024, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 839,1 triệu SGD (635,24 triệu đô la Mỹ), giảm 4,51% so với cùng kỳ năm 2023, TTXVN đưa tin.

Số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy nhóm sản phẩm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Singapore. Theo đó, nhóm tôm, cua, thủy sản giáp xác chiếm 24,24% tổng lượng tiêu thụ của thị trường. Tiếp đến là nhóm cá tươi, ướp lạnh chiếm 18,71%; nhóm cá đông lạnh chiếm 18,55%; nhóm phi lê cá, thịt cá ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 16,94%; nhóm thủy sản thân mềm chiếm 10,46%...

Các nhóm mặt hàng như cá tươi, cá chế biến và thủy sản thủy sinh chiếm tỷ trọng tương đối thấp, lần lượt là 3,55%; 4,81% và 2,73%.

Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Indonesia, Na Uy, Trung Quốc và Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có thị phần thủy sản lớn nhất tại Singapore và lần đầu tiên thủy sản Việt Nam duy trì vị trí số 5 trong 3 quý liên tiếp. Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh (chiếm 29,57%) và cá chế biến (chiếm 19,57%).

Trong chính sách đa dạng nguồn cung, Singapore liên tục tìm kiếm và mở rộng thị trường nhập khẩu bằng nhiều chính sách khác nhau. Điều này khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các số liệu thống kê nêu trên thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng của thủy sản Việt Nam tại thị trường Singapore. Tuy nhiên, để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản sang Singapore, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản.

Mặt khác, tình trạng lạm phát tăng cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Nước nào tận dụng được lợi thế về logistics và giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa vào Singapore.

Nguồn: thesaigontimes.vn 

 

Trung Quốc tăng nhập cá tra nguyên con, doanh nghiệp xuất tiểu ngạch hưởng lợi

Gần đây Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu sản phẩm cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh và cho phép hàng nhập tiểu ngạch bán sâu hơn vào nội địa. Điều này giúp doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có thể hạ giá bán mà vẫn có lợi nhuận tốt.

Kết thúc quí 3-2024, cá tra mang về cho Việt Nam 1,46 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch đạt khoảng 418 triệu đô la Mỹ, nhưng gần đây quốc gia này đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nguyên con xẻ bướm đông lạnh.

Xuất cá tra nguyên con xẻ bướm tăng nhanh

Báo cáo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính đến hết tháng 8-2024, Việt Nam xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh sang 73 thị trường, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực đối với phân khúc sản phẩm này.

Theo đó, riêng thị trường tỉ dân này đã chi 93 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu phân khúc sản phẩm này đi các thị trường. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm của Việt Nam đạt 168 triệu đô la Mỹ trong tám tháng đầu năm nay, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Dù chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nhưng cá tra nguyên con xẻ bướm đang được thị trường nhập khẩu ưa chuộng hơn, nhất là với Trung Quốc.

Trao đổi với KTSG Online, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, thị hiếu tiêu dùng của người Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam nên cá nguyên con xẻ bướm ngày càng được chuộng. Người tiêu dùng Trung Quốc mua loại cá này về để tự chế biến như nấu canh, kho.

Còn thống kê của VASEP cho thấy, nếu năm 2018, xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, thì năm 2022 con số này đã tăng lên 25%. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm nguyên con xẻ bướm có khả năng chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, ông Văn dự đoán.

Doanh nghiệp nhỏ xuất tiểu ngạch có lợi thế

Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách nhập khẩu tiểu ngạch cũng được xác định là nguyên nhân khiến phân khúc sản phẩm nguyên con xẻ bướm nói riêng và cá tra xuất sang Trung Quốc nói chung nhộn nhịp hơn.

Theo đó, nếu trước đây sản phẩm cá tra Việt Nam khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chỉ được tiêu thụ ở tỉnh Quảng Tây, thì từ đâu năm đến nay, được phép đưa ra khỏi tỉnh Quảng Tây tiêu thụ. Chính quyền Trung Quốc cho đưa sâu hơn vào nội địa bán, ông Văn nói và ước tính có khoảng 25% lượng hàng cá tra Việt Nam bán sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Nhờ chính sách mới từ phía Trung Quốc, doanh nghiệp nhỏ bán tiểu ngạch có thể hạ giá đơn hàng, nhưng vẫn có lợi nhuận tốt vì không bị đánh thuế 9% như xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển.

Trao đổi với KTSG Online, một đầu mối bán tiêu ngạch cá tra sang Trung Quốc (đề nghị không nêu tên) khẳng định bán tiểu ngạch giá rẻ hơn 10-15% vẫn hiệu quả. Đa phần tiêu thụ ở các địa phương gần với Việt Nam, bởi đi sâu hơn vào nội địa Trung Quốc chi phí vận chuyển lớn, giá không còn cạnh tranh.

Thực tế, theo ông Văn của Trường Giang, hàng đi bằng đường tiểu ngạch nếu đưa hàng sâu vào nội địa Trung Quốc thì sẽ không hiệu quả so với đi đường biển vì chí phí vận chuyển lớn hơn 9% tiền thuế được giảm. Đây là lý do khiến khách hàng ở Thượng Hải, Bắc Kinh vẫn đặt hàng tàu biển, ông cho biết và thông tin, đối tượng khách hàng này tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, ngang với loại hàng xuất đi Mỹ, châu Âu.

Trước bổi cảnh thị trường quan tâm hơn phân khúc nguyên con xẻ bướm, báo cáo của VASEP cho thấy, một số doanh nghiệp lớn cũng đẩy mạnh khai thác, bao gồm Trường Giang, Nam Việt, Hoàng Long, Vĩnh Hoàn và Cadovimex II…

Dù có sự dịch chuyển sang sản phẩm nguyên con xẻ bướm, nhưng ông Văn của Trường Giang thừa nhận, phân khúc phi lê mới tạo lợi nhuận cho đơn vị này, còn nguyên con xẻ bướm vẫn chưa hiệu quả.

Nguồn: thesaigontimes.vn