CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 21/03/2024

10:45 21/03/2024

Xuất khẩu gạo năm 2024, nhiều tín hiệu tốt; - Nhà vườn phấn khởi khi giá sầu riêng nghịch vụ tăng mạnh.

Xuất khẩu gạo năm 2024, nhiều tín hiệu tốt

Theo dự báo, 2024 sẽ là năm liên tiếp xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, mang về khoảng 5 tỷ USD cho nước ta. Nguồn cung gạo toàn cầu giảm, các nước như Philippines, Indonesia, Trung Quốc và một số thị trường nữa đều gia tăng nhập khẩu gạo trong năm 2024 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tạo cơ hội cho gạo Việt.

Sau năm 2023 nhiều biến động về nguồn cung và giá cả, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục "nóng" ngay từ đầu năm 2024. Nguồn cung có hạn do thời tiết không thuận lợi, một số quốc gia cấm và hạn chế xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường gia tăng, căng thẳng Biển Đỏ... là nguyên nhân chính khiến thị trường gạo 2024 nóng lên.

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức hơn 167 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây. Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu lớn nhất, với hơn 20 triệu tấn gạo/năm đã có nhiều chính sách hạn chế xuất khẩu gạo từ giữa năm ngoái.

Nhiều quốc gia đã chuyển hướng tìm kiếm các nguồn cung cấp gạo thay thế, đặc biệt từ khu vực Đông Nam Á, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu, cũng như có được giá xuất khẩu tốt. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt nam đã thu về hơn 4 tỷ USD và kỳ vọng sẽ còn tăng hơn nữa trong năm nay.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: “Ngành lúa gạo Việt Nam có những bước tăng trưởng vượt bậc qua sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu. Sự tăng trưởng trong sản lượng chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất được nâng cao đã giúp mở rộng thị trường nâng cao vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Gạo Việt Nam khẳng định được chất lượng, được người tiêu dùng biết đến. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số thị trường mới ở các khu vực Trung Đông có xu hướng ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp ngành gạo chia sẻ thông tin đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, phối hợp sát sao của các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thiết thực hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng thị trường xuất khẩu, xây dựng nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt Nam”.

Năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, thay vì con số dự báo trước đó là 3,9 triệu tấn. Lý giải nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng mạnh do tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa. Trong năm ngoái, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, với sản lượng 917.255 tấn, kim ngạch hơn 530 triệu USD, với giá bình quân 578 USD/tấn.

Dự báo, năm nay, thị trường này sẽ tăng cường nhập khẩu gạo để điều tiết hài hòa giữa nhập khẩu và sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực, có thể vượt xa con số hơn 900.000 tấn của năm 2023, giá xuất khẩu cũng có cơ hội để tăng hơn nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt nam kiến nghị: “Trong năm 2024 thì Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác thông tin số liệu xuất nhập khẩu, để công tác cân đối cung cầu gạo của các bên được thuận lợi. Thứ hai là đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường để tiến hành các chương trình xúc tiến thương mại ở các thị trường, để kịp thời cập nhật thông tin về các thương nhân xuất khẩu gạo, để phục vụ định hướng cho xuất khẩu.

Thứ ba là nghiên cứu đàm phán ký kết thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số thị trường tiềm năng tận dụng tiến trình các Hiệp định đã đưa vào thực hiện đề nghị các đối tác mở thêm về gia tăng hạn ngạch gạo của Việt Nam. Cuối cùng là công tác nâng cao nhận thức của các thương nhân thực hiện các quy định thương mại tự do để đảm bảo sản xuất và xuất khẩu bền vững Việt Nam trong thời gian tới”.

Với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Đầu năm 2024, giá gạo ở Inđônesia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính đến tháng 2 năm 2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng liên tiếp thiếu hụt nguồn cung gạo so với nhu cầu, tại các siêu thị xuất hiện hiện tượng khan hiếm gạo, khiến Bộ trưởng Thương mại nước này đã đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá để tránh giá gạo tăng cao quá ở thị trường tự do.

Ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại tại Indonesia cho biết: “Hiện tại thì giá gạo bán lẻ tại thị trường tự do đối với gạo phẩm cấp cao lên tới 18.000 Rupee tương đương 1,16 USD/kg, so với mức giá trần Chính phủ ấn định là có 0,9 USD/kg. Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng trong bối cảnh vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng lễ Ramadan bắt đầu vào trung tuần tháng 3 năm nay và kéo dài trong một tháng khiến cho nhu cầu lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng. Chính phủ Indonesia sẽ bị tiếp tục sớm mở thầu mua gạo. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia”.

2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 920.000 tấn, trị giá 640 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, là dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo toàn cầu đang bị thắt chặt. Gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia…

Chuẩn bị cho những biến động của thị trường năm 2024, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu cho biết, đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.

Nguồn: thitruongnongsan.gov.vn

 

Nhà vườn phấn khởi khi giá sầu riêng nghịch vụ tăng mạnh

Nông dân vùng chuyên canh tỉnh Bến Tre đang thu hoạch sầu riêng vụ nghịch với niềm vui bán được giá cao, mang lại lợi nhuận lớn cho người dân trong bối cảnh mùa hạn mặn đang diễn ra khốc liệt.

Ông Lê Ngọc Sơn, canh tác 6.000 m2 sầu riêng ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách cho hay, vào thời điểm này giá sầu riêng Ri6 giao động từ 140.000- 150.000 đồng/kg, monthong từ 170.000-180.000/kg tùy loại và tùy chất lượng trái, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Theo ông Sơn, thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu kỷ lục. Do hiệu quả từ giá sầu riêng tăng mạnh, các nhà vườn chủ động được nguồn nước ngọt trữ trong mương vườn đang liên tục xử lý trái rầu riêng nghịch vụ với hy vọng mang lại nguồn kinh tế cao.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết, địa phương này hiện có khoảng 1.400 ha sầu riêng; trong đó, có 1.200 ha đang cho trái, tập trung nhiều nhất ở xã Hòa Nghĩa, Sơn Định... Năm nay, người dân trồng sầu riêng vụ nghịch ở huyện Chợ Lách phấn khởi vì bán được giá cao. Ngoài ra, do điều kiền tự nhiên của địa phương có lợi thế, nên nhà vườn trồng sầu riêng của chủ yếu sản xuất bán tập trung vào mùa này để “đón đầu’’ giá cao trong vụ nghịch.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành) Nguyễn Thị Thinh cho hay, hợp tác xã hiện có 301 thành viên với diện tích trồng sầu riêng trên 800 ha; trong đó có trên 500 ha đang cho trái với năng suất bình quân 25- 30 tấn/ha/năm. Đến nay, hợp tác xã đã xây dựng 5 mã vùng trồng cho sầu riêng Tân Phú được công nhận, với diện tích gần 170 ha liên kết với doanh nghiệp.

Thời gian qua, hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ của các công ty liên kết thu mua sầu riêng trong mã vùng trồng, mỗi kg xuất đi được hỗ trợ lại 200 đồng/kg.

Phần tiền thu được, hợp tác xã trích lại một phần chi phí cho các thành viên không được hỗ trợ lương, phần lớn còn lại hợp tác xã hỗ trợ lại cho nông dân phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh sumagrow để tăng lượng hữu cơ cải tạo nền hữu cơ, tăng vi sinh vật có lợi trong đất.

Hiện tại, hợp tác xã đã hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho 40 hộ, với kinh phí 105 triệu đồng. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 51 ha, kinh phí 103 triệu đồng cho 69 hộ trên địa bàn ấp Hàm Luông tham gia mã vùng trồng sầu riêng.

Bà Nguyễn Thị Thinh cho hay, sản phẩm sầu riêng của hợp tác xã cũng đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bước đầu khẳng định chất lượng và xây dựng niềm tin cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện hợp tác xã đã được chỉ dẫn địa lý cho 200 ha sầu riêng. Tới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu sầu riêng OCOP 5 sao để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh hiện có diện tích sầu riêng khoảng 2.760 ha; trong đó, khoảng 1.700 ha trong thời kỳ đang cho trái với sản lượng gần 22.500 tấn/năm.

Diện tích trồng sầu riêng tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc. Thời gian qua, cây trồng đặc sản này liên tục có giá cao, vì thế nhiều nhà vườn đã chuyển các loại cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần.

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa thế mạnh cây trồng đặc sản, ngành chức năng địa phương đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật thâm canh sầu riêng cho nông dân. Đặc biệt là xử lý rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ trong năm, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, rớt giá. Đồng thời, tăng cường xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường quốc tế.

Nguồn: bnews.vn