CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 16/05/2024

10:45 16/05/2024

Giá cá tra giảm 1.600 đồng/kg so với cùng kỳ; - Giá heo hơi gần chạm mốc 70.000 đồng một kg; - Sẽ có thị trường tỉ dân tiếp theo mua sầu riêng Việt Nam./.

 

Giá cá tra giảm 1.600 đồng/kg so với cùng kỳ

Theo tính toán của ngành chuyên môn, hiện giá thành sản xuất 26.958 đồng/kg nhưng giá cá tra chỉ 26.900 đồng/kg. Tổng chi phí sản xuất mỗi ha cá tra ước tính khoảng 9,812 tỉ đồng, nhưng thu về chỉ 9,781 tỉ đồng/ha, người nuôi lỗ 21 triệu đồng/ha.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 4-2024 đã thu hoạch 103ha cá tra; sản lượng 42.520 tấn; sản xuất 828,8 triệu con cá tra bột.

Nhìn chung giá bán một số loài thủy sản giảm so với tháng trước, cụ thể: cá tra thương phẩm giảm 400 - 900 đồng/kg; cá thát lát giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg; cá lóc giảm 3.000 đồng/kg; cá điêu hồng giảm 3.000 đồng/kg; ếch thương phẩm giảm 1.000 đồng/kg; cá sặc rằn ổn định.

So với cùng kỳ năm 2023, giá cá tra thương phẩm giảm 1.600 đồng/kg; với giá thành sản xuất 26.958 đồng/kg người nuôi lỗ 58 đồng/kg; cá điêu hồng giảm 10.500 đồng/kg; cá lóc giảm 14.440 đồng/kg; cá sặc rằn giảm 3.000 đồng/kg; cá thát lát giảm 17.700 đồng/kg.

Theo tính toán của ngành chuyên môn, hiện giá thành sản xuất cá tra 26.958 đồng/kg, giá bán 26.900 đồng/kg. Tổng chi phí sản xuất ước 9,812 tỉ đồng/ha, giá nhưng giá bán chỉ đạt 9,781 tỉ đồng/ha, người nuôi lỗ 21 triệu đồng/ha.

Trong khi đó thời điểm này người nuôi cá lóc cũng gặp thua lỗ nặng khi giá cá hiện 36.162 đồng/kg, giá bán 32.500 đồng/kg, người nuôi lỗ 1,3 tỉ đồng/ha.

Mặt khác, các loại thủy sản khác thời điểm này có lợi nhuận khả quan, với diện tích mặt nước 300m2 người nuôi cá điêu hồng đạt lợi nhuận 13,5 triệu đồng, giá 34.000 đồng/kg; cá sặc rằn 55.000 đồng/kg, lợi nhuận 83,5 triệu đồng/ha; cá nàng hai giá 62.500 đồng/kg, lợi nhuận 168 triệu đồng/ha.

Ông Võ Bé Hiền - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng, kéo theo giá thành sản xuất sản phẩm thủy sản tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi; giá bán thấp, người nuôi bị thua lỗ nên diện tích nuôi cá giảm.

"Tình hình xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm 2024 đang có nhiều tín hiệu khả quan sau thời gian dài sụt giảm trong năm 2023. Bên cạnh việc theo dõi tình hình thả nuôi, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, chúng tôi đang lập phương án quản lý vùng nuôi cá tra thương phẩm và phương án quản lý vùng nuôi cá bè gắn với phòng, chống sạt lở bờ sông", ông Hiền thông tin.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 3.794ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá tra 1.788ha; cá khác 1.571ha và 5.876 chiếc lồng bè. Trong đó có 1.487ha chuyển sang nuôi cá tra năm 2023.

Nguồn: tuoitre.vn


Giá heo hơi gần chạm mốc 70.000 đồng một kg

Heo hơi đang tăng giá mạnh, trong đó tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP HCM, mỗi kg lên 68.500 đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở miền Bắc, mỗi kg heo hơi tăng thêm 2.000 đồng so với hôm qua, lên 66.000-67.000 đồng một kg. Trong khi đó tại miền Trung và Tây Nguyên, giá cũng tăng lên 62.000-65.000 đồng một kg.

Riêng miền Nam, giá heo tại đây có mức tăng cao nhất. Trong đó, heo hơi ở Đồng Nai, TP HCM đang được bán giá 68.000-68.500 đồng một kg. Còn tại An Giang, Cần Thơ, Long An, giá tăng thêm 1.000 đồng và dao động 62.000-65.000 đồng.

Báo cáo của chợ đầu mối Hóc Môn ngày 14/5 cho thấy, giá heo hơi loại 1 mà Công ty C.P bán ra là 68.500 đồng một kg, loại 2 khoảng 65.500 đồng. Còn heo trong dân bán ra dao động 66.000-67.000 đồng. Lượng heo về chợ hôm qua là 4.915 con, giảm vài trăm con so với hồi đầu năm.

Ông Hoàng - thương lái thu mua heo ở các tỉnh miền Nam - cho biết so với cùng kỳ 2023, giá mặt hàng này đang tăng 26%. Năm nay, hoạt động thu mua khó hơn so với mọi năm vì hàng trong dân giảm. Nhiều hộ không có tiền để tái đàn trong bối cảnh giá con giống tăng cao, chi phí thức ăn chăn nuôi cũng tăng trở lại. "Cung đang giảm dần là nguyên nhân chính khiến giá heo đi lên", ông Hoàng cho nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho hay giá heo hơi tăng gần đây phù hợp với quy luật thị trường. Bởi sau một thời gian dài giảm xuống mức hơn 50.000 đồng một kg, nhiều người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn, không có lãi. Đến nay, giá heo hơi lên 65.000 đồng là mức hợp lý để người chăn nuôi có lãi.

"Khảo sát sơ bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và ngay cả doanh nghiệp lớn cho thấy họ đã giảm đàn 30-40% so với trước, có nơi giảm tới 70%. Do đó, nguồn cung heo hơi ra thị trường sụt giảm", ông Công chia sẻ.

Ông dự báo giá mặt hàng này có thể tiếp tục tăng cao trong 2 tháng tới. Nông dân chưa dám tái đàn nhiều, còn về phía doanh nghiệp cũng đang tăng nguồn lực nhưng sẽ khó tăng mạnh khi dịch bệnh hoành hành.

Số liệu từ các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan cũng cho thấy giá heo hơi đang trên 60.000 đồng một kg. Do đó, giá thịt heo bán ra khó hạ nhiệt.

Mặc dù giá tăng cao, theo Cục chăn nuôi, người dân cần thận trọng trong tái đàn và xuất bán. Không nên "găm hàng" đợi tăng giá vì thị trường biến động liên tục.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối tháng 4, tổng đàn heo cả nước khoảng hơn 28 triệu con, tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Chăn nuôi heo là lĩnh vực chủ lực, chiếm trên 60% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.

Nguồn:  vnexpress.net

 

Sẽ có thị trường tỉ dân tiếp theo mua sầu riêng Việt Nam

Việt Nam kỳ vọng mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ, giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành nông sản.

Ngày 15-5, trong một cuộc trao đổi với Tuổi trẻ online, ông Lê Văn Thiệt - cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đã chia sẻ những kỳ vọng về việc mở rộng thị trường tiêu thụ sầu riêng sang Ấn Độ, một quốc gia có quy mô dân số tỉ dân.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường duy nhất luôn tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, việc mở cửa thị trường Ấn Độ là tin vui cho ngành sầu riêng Việt Nam. Ông Thiệt cho biết Việt Nam đã nộp hồ sơ và đang chờ đợi Ấn Độ xem xét ký nghị định thư để bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang đất nước này.

Theo ông Thiệt, Ấn Độ không có các quy định quá khắt khe như Trung Quốc và chi phí vận chuyển bằng đường biển cũng rẻ hơn, do đó, đây là một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, quá trình đàm phán mở cửa thị trường sẽ cần thời gian và sự nỗ lực từ cả hai phía.

Ông Thiệt cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và nâng cao chất lượng sầu riêng, kiểm soát chất lượng và vi sinh vật gây hại, quản lý các mã số vùng trồng để tránh vi phạm, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có các cảnh báo từ phía Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ rằng xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2024 đã đạt 500 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn nhờ thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyên nhận định Trung Quốc luôn là thị trường dẫn đầu cho trái cây Việt Nam, và sầu riêng Việt có lợi thế lớn nhờ vào khả năng sản xuất sầu riêng trái vụ, điều mà Thái Lan chưa làm được.

Dự báo về nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc, ông Nguyên cho biết con số có thể đạt 3 tỉ USD, trong khi năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỉ USD để nhập khẩu gần 500.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam.

Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nhận định rằng việc mở rộng thị trường là rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định vẫn là chất lượng sầu riêng Việt Nam. Bà Vy cho rằng nếu duy trì được chất lượng tốt, sầu riêng Việt Nam sẽ thu hút được nhiều thị trường tiềm năng trong tương lai.

Việc mở rộng thị trường sang Ấn Độ không chỉ mang lại cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam mà còn góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mở ra triển vọng phát triển bền vững và đa dạng hóa nguồn tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp quan trọng này.

Nguồn: tuoitre.vn