số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
10:45 22/02/2024
Giá cà phê, gạo, sầu riêng tăng vọt đầu năm; - Sau kỳ nghỉ Tết, giá gạo ĐBSCL ‘mất’ 1.000 đồng mỗi kg; - Bưởi da xanh rớt giá sau Tết.Giá cà phê, gạo, sầu riêng tăng vọt đầu năm
Ảnh hưởng của El Nino, nhu cầu thị trường thế giới tăng trong khi nguồn cung hạn chế giúp giá gạo, sầu riêng tiếp tục tăng cao, riêng cà phê lập kỷ lục mới.
Từ đầu năm đến nay, giá cà phê trong nước và thế giới liên tục tạo đỉnh mới. Kết phiên 17/2, mỗi kg cà phê nhân xô lên 80.100 đồng, tăng 1.400 đồng so với 16/2. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Với giá gạo xuất khẩu hiện vẫn duy trì 640 USD một tấn, tương đương mức đỉnh năm ngoái.
Trong khi đó, sầu riêng "vua trái cây" của Việt Nam đầu năm giá tăng 20% so với cuối năm 2023 và đang được doanh nghiệp thu mua tại kho cho hàng loại A với 200.000 đồng một kg Monthong. Giá này bằng đỉnh cũ cách đây một năm.
Quản lý vựa sầu riêng - cà phê - tiêu lớn nhất Việt Nam, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk, đánh giá 2023 là một năm nhiều nông sản "được mùa được giá". Đặc biệt, cà phê, sầu riêng, khoai lang liên tục lập đỉnh mới. Đầu năm nay, giá nhiều nông sản tiếp tục được hưởng lợi khi nhu cầu trên thế giới tăng cao.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng năm nay, ngoài nhu cầu lớn của Trung Quốc, ảnh hưởng của El Nino và khủng hoảng Biển đỏ kéo dài làm suy giảm lượng rau quả các nước châu Á và Tây Phi, chi phí vận chuyển tăng cao càng đẩy giá hàng hóa tăng lên.
CEO Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng dự báo giá nhiều loại nông sản sẽ tiếp tục tăng những tháng đầu năm và cân bằng lại ở giữa năm. Trong đó, sầu riêng, cà phê, gạo là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu mới.
Với sầu riêng, theo ông sắp tới, Trung Quốc cho Việt Nam xuất thêm mặt hàng đông lạnh sang nước này nên giá sẽ tăng tiếp, thị trường có thể bước vào giai đoạn ổn định. Sang tháng 2 và 3 khi các nước như Thái Lan, Malaysia không còn sầu riêng, hàng Việt sẽ tiếp tục được bán với giá cao.
Đồng quan điểm, ông Côn cho rằng khi nhu cầu từ phía Trung Quốc lớn, cộng thêm các chính sách và Nghị định thư mới được nước này áp dụng sẽ kích thích sự tăng trưởng của sầu riêng.
Với mặt hàng gạo, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, trên thị trường thế giới, giá khó hạ nhiệt vì mất cân bằng cung - cầu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới nên tiếp tục được hưởng lợi.
Là mặt hàng "phá đỉnh liên tục trong 6 tháng qua", cà phê nhân xô cũng được các doanh nghiệp dự báo vượt 80 triệu đồng một tấn. Theo lãnh đạo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Năm 2023, các doanh nghiệp gần như "vét sạch" kho hàng để xuất khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6/2023, người dân đã không có cà phê bán. Hiện tồn kho hàng hóa này giảm mạnh và là lý do để giá tiếp tục lập đỉnh mới.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng dự báo giá hàng hóa sẽ có nhiều thay đổi trong năm nay. Trong tháng 1, giá hầu hết mặt hàng có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 11/2023. Trong đó, cà phê tăng 4-9%, gạo thường trên 6%, xoài cát chu 8%, tôm nguyên liệu (4%), cá nguyên liệu (5 - 6,7%)...
Bộ đặt mục tiêu Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,2-4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, sầu riêng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm nay.
Nguồn: vnexpress.net
Sau kỳ nghỉ Tết, giá gạo Đồng bằng sông Cửu Long ‘mất’ 1.000 đồng mỗi kg
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục sụt giảm rất mạnh như xu hướng đã diễn ra ở thời điểm trước đó, thậm chí mất đến 1.000 đồng/kg chỉ trong vài ngày qua.
Trao đổi với kinh tế Sài Gòn (KTSG) Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết so với thời điểm từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hiện giá gạo khu vực ĐBSCL đã sụt giảm đến 1.000 đồng/kg. “Còn nếu so với trước Tết, hiện giá gạo đã giảm đến 2.000 đồng/kg”, ông nói.
Cụ thể, theo ông Thành, gạo lứt của giống IR 50404 có giá chỉ còn 11.600-11.800 đồng/kg; giống OM 18, OM 5451 và Đài Thơm 8 dao động từ 11.700-12.400 đồng/kg (tuỳ loại).
Trong khi đó, gạo trắng (gạo thành phẩm) thị trường đang chào cho khách hàng bán xuất khẩu đối với giống OM 18 và Đài Thơm 8 có giá từ 14.100-14.500 đồng/kg, cung ứng tại kho; IR 50404 và OM 380 có giá 13.900-14.200 đồng/kg.
Còn đối với giá lúa, theo ông Thành, lúa tươi mua ngoài đồng hiện nay giao dịch mới có giá khoảng 8.000-8.400 đồng/kg (tuỳ loại), trong khi trước Tết có giá dao động trong khoảng 9.800-10.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của KTSG Online, đến chiều ngày 20-2, giá gạo nguyên liệu khu vực ĐBSCL tiếp tục sụt giảm. Chẳng hạn, gạo lứt IR 50404 chỉ còn 11.000-11.100 đồng/kg; OM 5451 là 11.150-11.250 đồng/kg và OM 18 là 11.500-11.600 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân giá lúa gạo khu vực ĐBSCL sụt giảm mạnh, theo ông Thành, gạo Việt Nam trước đó duy trì ở mức giá cao hơn Thái Lan và Pakistan, trong khi “tư tưởng” khách đầu năm biết khu vực ĐBSCL bước vào kỳ thu hoạch lúa đông xuân nên muốn “đè” giá xuống để mua được giá tốt nhất. “Đây là yếu tố hầu như năm nào cũng vậy, chứ không phải riêng năm nay”, ông nói.
Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt, theo ông Thành, đó là vụ đông xuân 2023-2024 nông dân tập trung xuống giống nhanh và đồng loạt, cho nên, áp lực thu hoạch hiện nay cũng rất lớn. Trong khi đó, lượng hợp đồng mới chưa nhiều, nên doanh nghiệp cũng “trông chờ”… giá xuống.
Theo dự báo của ông Thành, giá lúa gạo nội địa trong tuần này sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 500 đồng/kg. “Khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tranh thủ trữ hàng để đàm phán ký hợp đồng và giúp thị trường bình ổn trở lại”, ông dự báo.
Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu đứng tốp đầu của Việt Nam cho rằng, nguồn cung của các nước xuất khẩu nhiều nên khách hàng nhập khẩu có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, giá lúa gạo Việt Nam thời gian qua tăng quá cao nên chuyện sụt giảm nhanh như hiện nay cũng là… bình thường. “Giá lúa 7.500 đồng/kg nông dân đã có lãi, bởi giá thành sản xuất tối đa chỉ 4.500 đồng/kg”, vị này dẫn chứng.
Còn theo một số nguồn tin am hiểu ngành lúa gạo Việt, khi giá lúa gạo sụt giảm mạnh như hiện nay đã dẫn đến tình trạng một số bạn hàng ngưng xay xát, một số nhà máy cũng ghim hàng lại để “quan sát thị trường” thay vì chào bán mới.
Khi thị trường lúa gạo sụt giảm mạnh, tình trạng ‘bẻ’ kèo hoặc ép nông dân giảm giá bán lúa so với mức giá thoả thuận ban đầu đã diễn ra khắp nơi trên các cánh đồng đang vào kỳ thu hoạch.
Chia sẻ với KTSG Online vào chiều 20-2, ông Trần Văn Hải, nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xác nhận, tình trạng thương lái ép nông giảm giá bán lúa xảy ra rất phổ biến. “Sau khi chúng tôi đồng ý giảm hơn 10.000 đồng/giạ (1 giạ lúa là 20kg) thương lái mới chịu cân”, ông dẫn chứng.
Nguồn: thesaigontimes.vn
Bưởi da xanh rớt giá sau Tết
Mỗi kg bưởi da xanh tại vườn được thương lái mua với giá 14.000-16.000 đồng với hàng loại 1 và 2, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và trước Tết.
10 năm gắn bó với cây bưởi, ông Trường ở Đồng Nai cho biết thông thường giá bưởi sau Tết tăng cao vì các cơ sở gom hàng xuất khẩu đầu năm. Nhưng năm nay giá liên tục đi xuống, giảm mạnh so với trước Tết dù nguồn cung không nhiều, hàng chính vụ đã hết.
Theo ông Trường, 4 năm trước, thời điểm bưởi da xanh có giá 40.000-50.000 đồng một kg, người trồng bưởi lãi lớn. Năm 2023, giá bưởi sau Tết cũng bán được ở mức 25.000 đồng, nhưng nay giảm về 14.000-16.000 đồng mỗi kg hàng loại 1 tại vườn. Hàng loại 3,4 chỉ vài nghìn đồng. Mức này giảm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái và trước Tết.
"Tôi có khoảng 2,5 ha cho thu hoạch 40-45 tấn bưởi vụ này, nhưng chưa có mấy thương lái hỏi mua", ông Trường chia sẻ.
Tương tự, ông Thành ở Bến Tre cũng cho biết được thương lái trả giá xô 13.000 đồng, thấp hơn giá thành sản xuất của người trồng 1.000-2.000 đồng một kg. Đây là mức lời thấp nhất trong nhiều năm canh tác bưởi của gia đình ông.
Trên các nhóm bán buôn bưởi da xanh, mỗi kg được thương lái rao 14.000-19.000 đồng. Một số nhà buôn xả hàng tồn mùa Tết với giá 8.000-10.000 đồng. Loại quả được xưởng đóng gói có tem, lưới được xả 10.000 đồng một kg hàng loại 1, và 4.000 đồng với hàng xô.
Chị Thu Hiền, thương lái thu mua bưởi ở Đồng Nai, cho biết năm nay sức tiêu thụ giảm mạnh so với mọi năm. Người dân đẩy mạnh sản xuất vào vụ Tết nhưng sức mua yếu nên hàng tồn nhiều, đẩy giá bưởi đầu năm đi xuống. Lý do nữa, theo chị Hiền, xuất khẩu bưởi sang Trung Quốc đầu năm nay chững lại vì thị trường này giảm mua.
Hai năm trở lại đây, giá bưởi không ổn định, lên xuống thất thường theo nhu cầu "ăn hàng" của thị trường Trung Quốc. Hiện, bưởi da xanh được xuất chính ngạch sang Mỹ nhưng sản lượng ít và phải cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group, cũng nhận xét sức mua trái bưởi đầu năm tại các thị trường xuất khẩu giảm. Trong khi nguồn cung trong nước dồi dào hơn mọi năm nên giá loại quả này hạ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), cả nước có trên 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần một triệu tấn mỗi năm với nhiều giống bưởi khác nhau. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích bưởi lớn nhất với khoảng 32.000 ha, sản lượng 370.000 tấn mỗi năm. Vài năm gần đây, bưởi da xanh cũng được trồng nhiều ở Đông Nam Bộ, như Bình Phước, Đồng Nai nên nguồn cung tăng, khiến hàng dễ dội chợ.
CEO Vina T&T Nguyễn Đình Tùng dự báo từ tháng 3 khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao, giá bưởi sẽ tăng trở lại.
Nguồn: vnexpress.net