số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
10:45 12/12/2023
Gạo Việt quay đầu giảm giá vẫn đắt nhất thế giới, gạo Thái Lan tăng mạnh; - Thị trường phân bón vụ Đông Xuân: Giá biến động không theo quy luật mùa vụ; - Xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2023 giảm 19% so với cùng kỳ, cá tra mất vị thế “độc quyền”; - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng.Gạo Việt quay đầu giảm giá vẫn đắt nhất thế giới, gạo Thái Lan tăng mạnh
Đang neo ở mức đỉnh, giá gạo Việt xuất khẩu quay đầu giảm sau tin đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan vào đà tăng mạnh, sắp bắt kịp gạo Việt Nam.
Chia sẻ về ngành lúa gạo năm nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét: “Chưa có năm nào giá lúa gạo cao như năm nay và thời gian gần đây giá lúa gạo vẫn tăng. Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới”.
Đến nay, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 41,17 triệu tấn, kế hoạch đạt trên 43 triệu tấn có tính khả thi rất cao. Theo đó, lượng gạo đủ phục vụ cho 100 triệu dân, đảm bảo đủ chế biến, dự trữ, chăn nuôi và làm giống.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo dự tính đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tính đến hết tháng 11/2023, nước ta đã xuất khẩu khoảng 7,75 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, giá trị xuất khẩu tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo là một trong những nhóm hàng đóng vai trò quan trọng để ngành nông nghiệp bám đuổi mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD trong năm nay, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Mới đây, gạo ST25 của Việt Nam cũng đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 loại gạo ST25 đạt ngôi vị cao nhất tại cuộc thi này.
Theo các chuyên gia, việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhưng sau khi nhận tin đạt giải Gạo ngon nhất thế giới, giá gạo Việt xuất khẩu quay đầu giảm. Dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta bật tăng lên 663 USD/tấn (ngày 21/11) và neo ở mức đỉnh này.
Theo đó, giá gạo Việt cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 78 USD/tấn và 85 USD/tấn.
Song, đến ngày 7/12, giá gạo Việt lại quay đầu giảm 5 USD/tấn, về mức 658 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan cùng loại lại vào đà tăng mạnh. Từ giá 585 USD/tấn (ngày 21/11) gạo Thái Lan đã vượt qua ngưỡng 600 USD/tấn và đạt mức 623 USD/tấn vào hôm 7/12. Hiện, giá gạo Thái Lan chỉ còn kém gạo cùng loại của Việt Nam 35 USD/tấn.
Tính toán của cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, năm nay nước ta dự tính xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử của ngành lúa gạo Việt.
Theo các doanh nghiệp, do nguồn cung hạn chế, nhu cầu trên thị trường thế giới cao nên giá gạo Việt xuất khẩu sẽ neo ở mức cao không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài sang quý I/2024.
Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia đã gửi thông báo mời thầu cung cấp 543.000 tấn gạo. Sản phẩm mà Indonesia muốn nhập là gạo trắng hạt dài 5% tấm. Nguồn cung kỳ vọng là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30/1/2024.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia cũng tính toán lượng gạo nhập khẩu trong năm 2024 tiếp tục ở mức cao, theo kế hoạch hạn mức ít nhất 2 triệu tấn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bán gạo với mức cao hơn mức VFA niêm yết.
Ông Phạm Thái Bình - Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin, quý IV năm nay, doanh nghiệp tiếp tục xuất gạo đi các nước châu Âu, Úc, Singapore, Dubai.... Mỗi đơn hàng từ 3-10 container.
"Chúng tôi vừa ký 2 đơn hàng cho quý I/2024. Trong đó, một đơn 460 tấn với giá 785 USD/tấn và đơn còn lại là 1.012 tấn với giá lên tới 860 USD/tấn. Cả hai đơn hàng này đều xuất khẩu cho thị trường Malaysia", ông Phạm Thái Bình cho hay.
Về triển vọng năm 2024, theo các chuyên gia phân tích, giá gạo sẽ tiếp tục ở mức cao nhưng sẽ dưới ngưỡng 700 USD/tấn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 thêm 1,6 triệu tấn lên mức kỷ lục 525,2 triệu tấn. Dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 lên 52,7 triệu tấn, giảm khoảng 600.000 tấn so với ước tính 53,3 triệu tấn của năm 2023.
Nguồn: vietnamnet.vn
Thị trường phân bón vụ Đông Xuân: Giá biến động không theo quy luật mùa vụ
Trái với quy luật mùa vụ hàng năm, giá chủng loại phân bón dẫn dắt thị trường là đạm ure đang tiếp tục xu hướng giảm giá dù đã bước vào vụ Đông Xuân.
Với biến động giá phân bón như vậy, sản xuất nông nghiệp đang được hưởng lợi lớn nhất khi giá nông sản xuất khẩu vẫn ổn định ở mức cao.
Khảo sát thực tế tại thị trường cho thấy, từ cuối tháng 11 đến nay, mặc dù nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng dần khi bước vào mùa vụ và giá các loại ure tại Việt Nam đang trong xu hướng giảm so với các tuần trước đó nhưng sức mua vẫn chậm do người mua lo ngại rủi ro giá giảm tiếp.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Tiêu, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hà Anh, giá ure trong nước giảm không theo quy luật mùa vụ là do nhiều nguyên nhân. Trước hết, thị trường ure trong nước liên thông mật thiết với thị trường thế giới nên giá bán cũng tương đồng. Mặc dù Trung Quốc - nhà sản xuất ure lớn của thế giới vẫn duy trì hạn chế xuất khẩu nhưng nguồn cung ure từ Nga và Trung Đông rất lớn nên giá phân ure nhập khẩu tại thời điểm này giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, với xu hướng giá giảm như vậy, nông dân không mua dự trữ phân bón cho vụ Đông Xuân năm 2023-2024 như thói quen các năm trước đây. Ngoài ra, với nguồn cung ure trong nước đã phủ hết nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp và còn thừa để xuất khẩu, giá ure trong nước khó có thể tăng khi vào vụ như quy luật trước đây.
Đối với hoạt động sản xuất, ngày 27/11 vừa qua, nhà máy Đạm Ninh Bình tạm dừng sản xuất khoảng 7-10 ngày để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất ure khác của Đạm Hà Bắc, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau vẫn hoạt động ổn định và đều có lượng tồn kho dồi dào. Bên cạnh đó, khu vực miền Bắc chưa vào chính vụ lúa Đông Xuân nên việc dừng sản xuất của nhà máy Đạm Ninh Bình không tác động đáng kể đến thị trường chung.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện công suất của 4 nhà máy phân ure lớn nhất của Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình) sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Vì vậy, nguồn cung ure sản xuất trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân ngay cả khi chưa có nguồn ure nhập khẩu.
Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Hà Anh cũng cho biết, hai năm lại đây, doanh nghiệp hầu như không nhập khẩu ure mà chuyển hẳn sang tiêu thụ phân bón từ hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ do nguồn cung lớn, ổn định, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và thuận tiện trong phân phối.
Đối với hoạt động xuất khẩu, lũy kế tháng 11, xuất khẩu ước đạt 9 nghìn tấn, giảm khoảng 33 nghìn tấn so với tháng 10 – mức xuất khẩu thấp nhất kể từ 4/2020. Theo phản ánh của nhiều đại lý cấp 1 phân bón, vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 trễ hơn dự kiến, cộng với tình hình xuất khẩu phân bón giảm và các kho đại lý phân bón cấp 2 tại khu vực Tây Nam Bộ vẫn còn hàng tồn trong tháng 11. Vì vậy, người dân không mua hàng một lượt cho tổng nhu cầu cả vụ mà mua lai rai từng đợt chăm bón do nắm được thông tin giá ure đang giảm.
Hiện giá ure thế giới giảm 8-20 USD/tấn so với tuần trước, các thương nhân quốc tế chào giá hàng tàu xá ure Đông Nam Á hạt đục (ure rời) giao về cảng Sài Gòn trong tuần cuối tháng 11 giảm 10-15 USD/tấn so với tuần trước đó. Theo đó, việc giá ure nhập khẩu giảm đã tác động mạnh lên giá nội địa. Với áp lực giải phóng hàng của các tàu nhập khẩu phân bón trong tháng 11, giá chào về Thành phố Hồ Chí Minh hiện ở mức 360-370 USD/tấn CFR (giá CRF là giá tại cửa khẩu của bên xuất và cước phí vận chuyển) trong khi giá thành nhập khẩu đều ở mức trên 420 USD/tấn CFR. Với áp lực này, các nhà máy sản xuất phân ure ở trong nước chủ chốt đều thông báo giá lệnh giảm khoảng 500 đồng/kg.
Tại thị trường trong nước, giá ure nhập khẩu từ Brunei, Indonesia và Trung Quốc dao động quanh mức 9.400-9.600 đồng/kg. Trong khi đó, giá ure trong nước duy trì ở mức 10.200 đồng/kg-10.700 đồng/kg với ure Cà Mau; 9.700 đồng/kg-10.400 đồng/kg với ure Phú Mỹ; 9.500-9.650 đồng/kg với ure Ninh Bình và 9.600-9.700 đồng/kg với ure Hà Bắc.
Theo số liệu của hải quan, nhập khẩu ure tháng 11 đạt khoảng 30,5 nghìn tấn, giảm 10 nghìn tấn so với tháng 10. Tại cửa khẩu Lào Cai, vẫn chưa có hàng ure Trung Quốc thông quan. Trong tháng 12, dự kiến có 2 tàu ure Malaysia của chủ hàng Vinacam được giao về Việt Nam trong nửa đầu tháng. Hoạt động nhập khẩu trong tháng 12 dự kiến không sôi động do xu hướng giá ure thế giới giảm trong tháng 11 đã không thu hút các nhà nhập khấu ký đơn hàng mới. Lượng nhập khẩu tháng 12 dự kiến đạt 10 nghìn tấn, giảm 20 nghìn tấn so với nhập khẩu tháng 11.
Theo dự kiến, trong tháng 12 này, các nhà máy sản xuất phía Bắc có thể gặp áp lực do nhu cầu yếu khi vụ Đông Xuân có thể bắt đầu từ giữa tháng 1 – tháng 2. Trong khi đó, các nhà máy phía Nam dự kiến duy trì sản xuất ổn định. Với dự báo này, lượng ure sản xuất trong tháng 12 ước đạt 200 nghìn tấn, giảm 10 nghìn tấn so với tháng 11.
Nguồn: bnews.vn
Xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2023 giảm 19% so với cùng kỳ, cá tra mất vị thế “độc quyền”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt gần 840 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái…
Phân tích về từng sản phẩm, VASEP cho biết trong tháng 11/2023, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chính đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%. Riêng xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ, kim ngạch vẫn thấp hơn so với cùng kỳ,
XUẤT KHẨU CÁ TRA VÀ TÔM GIẢM MẠNH
Tính tới hết tháng 11 năm 2023, xuất khẩu cá tra đã đạt gần 1,7 tỷ USD, vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu cá tra giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phile, thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.
Đối với mặt hàng tôm, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích rõ hơn, VASEP cho biết xuất khẩu tôm cũng bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ như Hongkong và Thụy sỹ tăng 5%, Đài Loan tăng 19%.
“Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh trong quý cuối năm 2023 để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12, tháng 1 và tháng 2/2024. Đáng chú ý, tại Mỹ, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng sẽ được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu từ Mỹ Latinh do chi phí hậu cần thấp hơn. Lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, các thương nhân không muốn bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm, vẫn yếu”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP phân tích.
Dự báo về tình hình xuất khẩu tôm trong thời gian tới, bà Hằng cho rằng nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán và Tết Nguyên đán diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. Giá sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng thấp theo mùa.
Xuất khẩu cá ngừ 11 tháng năm 2023 đạt khoảng 774 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với các mặt hàng khác, cá ngừ có tín hiệu tích cực hơn. Dù xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ vẫn giảm 35%, nhưng nhiều thị trường như EU, Thái Lan, Israel, Mexico, Nga, Hàn Quốc, Phillipin, Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Các sản phẩm loin cá ngừ hấp và cá ngừ đóng hộp có nhu cầu tốt hơn so với cá đông lạnh phile, cắt khúc …
Các loại cá khác, chủ yếu là cá biển tới hết tháng 11/2023 đã mang về doanh số 1,74 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ, cua ghẹ tới hết tháng 11 vẫn tăng trưởng âm từ 10-13% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP nhận định hai tháng cuối năm 2022 là giai đoạn xuất khẩu thủy sản lao dốc rơi xuống mức thấp nhất của năm (trừ tháng 2 nghỉ tết Nguyên đán), do vậy dù tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và một số mặt hàng chủ lực ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 11 năm 2023, nhưng chưa thể hiện xu hướng khả quan, vì so với những tháng trước không có sự đột phá về doanh số.
VIỆT NAM KHÔNG CÒN VỊ THẾ “ĐỘC QUYỀN” VỀ CÁ TRA
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 11/2023 ước đạt 836,3 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 582,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 134,7 nghìn tấn, tăng 7,0%; thủy sản khác đạt 119,1 nghìn tấn, tăng 2,4%.
Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 11/2023 ước đạt 285,7 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 214,4 nghìn tấn, giảm 0,2%; tôm đạt 13,3 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 58 nghìn tấn, giảm 0,3%.
Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 265,2 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết ngư trường không thuận lợi và các tàu đánh bắt đã dần thực hiện nghiêm quy định chống đánh bắt IUU nên sản lượng khai thác giảm.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 11/2023 ước đạt 550,6 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, cá đạt 368,1 nghìn tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 121,4 nghìn tấn, tăng 7,8%.
Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng 11/2023 tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do bắt đầu vào vụ thu hoạch cuối năm và xuất khẩu sang một số thị trường tăng cao. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 177,3 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh giúp tăng sản lượng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 88,6 nghìn tấn, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 24,7 nghìn tấn, tăng 3,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 8.473,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 6.024,8 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 1.231,6 nghìn tấn, tăng 5,2%; thủy sản khác đạt 1.217,1 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cá tra là loài cá đặc trưng và được coi là thương hiệu của Việt Nam, từ năm 2015 trở về trước, sản lượng cá tra nuôi tại Việt Nam luôn chiếm trên 99% sản lượng cá tra nuôi của toàn thế giới. Tuy nhiên, một số quốc gia trên thế giới cũng nhìn thấy tiềm năng này và bắt đầu nuôi con cá tra như Ấn Độ, Indonesia,... Nhiều nước đang đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá tra, đang đe dọa đến vị thế của Việt Nam đối với loài thủy sản này, Việt Nam đã không còn vị thế “độc quyền” về cá tra.
Theo thông tin tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) diễn ra mới đây, sản lượng cá tra tại Ấn Độ được ước tính trong năm 2023 đạt khoảng 668 nghìn tấn và dự kiến đạt 695 nghìn tấn trong năm 2024, tăng 5% trong năm sau.
Theo sau đó, Indonesia cũng đang bắt đầu có những kết quả rõ rệt từ việc nuôi cá tra. Nước này ước tính năm 2023 sẽ đạt sản lượng hơn 224 nghìn tấn và dự kiến 2024 con số này có thể lên tới 229 nghìn tấn. Sản lượng cá tra ở Trung Quốc cũng đang tăng đáng kể và đang ở mức 400 nghìn tấn mỗi năm. Bangladesh mặc dù tốc độ tăng trưởng lại trì trệ hơn, tuy nhiên sản lượng thu hoạch ước tính cũng đạt gần 500 nghìn tấn, tăng 1% trong năm nay và năm 2024.
Báo cáo tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) nhận định: Năm 2023 được coi là kỉ lục đối với ngành cá tra toàn cầu. Ước tính tổng sản lượng cá tra toàn cầu năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với 2,9 triệu tấn sản xuất năm 2022.
Dự kiến, năm 2024 sản lượng cá tra toàn cầu sẽ đạt khoảng 3,2 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam đóng vai trò chủ chốt khi sản lượng cá tra năm 2023 chiếm 52% sản lượng toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi sản lượng và xuất khẩu cá tra với mức tăng trưởng dự kiến là 3%.
Nguồn: vneconomy.vn
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng
Không chỉ tiếp tục tăng giá, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn vượt lên trên cả Thái Lan và Pakistan.
Ông Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cho biết, báo cáo tháng 11.2023 của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng. Cụ thể, tuần đầu tháng 11.2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu với giá 653-657 USD/tấn. Tuy nhiên đến cuối tháng 11.2023, giá gạo này tăng lên mức 658-662 USD/tấn.
Cũng theo nguồn tin này, mặt hàng gạo 25% tấm của Việt Nam vẫn đứng giá so với tuần đầu tháng, nhưng vẫn ở mức cao 643-647 USD/tấn. Không chỉ tăng giá, gạo xuất khẩu của Việt Nam còn vượt lên trên cả Thái Lan và Pakistan, đứng đầu thế giới cả 2 mặt hàng 5% và 25% tấm. Cụ thể, cao hơn gạo 5% tấm của Thái Lan bình quân khoảng 30 USD/tấn, và cao hơn gạo 25% tấm bình quân trên 80 USD/tấn.
Tương tự, cao hơn gạo 5% và 25% tấm của Pakistan lần lượt bình quân 70 USD/tấn và 140 USD/tấn.
Tuy nhiên ở mặt hàng gạo thơm, bất chấp Việt Nam vừa đạt giải Gạo Ngon nhất thế giới năm 2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức thấp so với Thái Lan, Pakistan và cả Campuchia.
Nguồn: laodong.vn