CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 22/04/2024

10:45 22/04/2024

Vượt Thái và Ấn Độ, Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore; - Chuối tươi Việt soán ngôi Philippines tại thị trường Trung Quốc;

 

Vượt Thái và Ấn Độ, Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

Lần đầu Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần và được ưa chuộng hơn hàng Thái, Ấn Độ.

Thông tin trên được Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore công bố mới đây.

Theo đó, quý I, tổng giá trị nhập khẩu gạo từ thế giới của Singapore đạt gần 112,9 triệu SGD, tăng 23,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Singapore nhập từ Việt Nam 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023, đưa Việt Nam lần đầu thành nhà cung ứng gạo lớn nhất vào thị trường này với 32,03% thị phần.

Theo sau là Ấn Độ và Thái Lan lần lượt đạt kim ngạch 33,63 triệu SGD (29,7% thị phần) và 33,16 triệu SGD (29,3% thị phần).

Nguồn: vnexpress.net

Gạo Việt thắng thế ở thị trường "đảo quốc sư tử" chủ yếu nhờ hàng Việt đa dạng sản phẩm. Ngoài gạo tẻ trắng có chất lượng vượt trội, gạo nếp và gạo thơm xay xát được ưa chuộng, vươn lên chiếm lĩnh thị phần tại Singapore tới 80%.

Từ năm 2023 đến nay, việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo ngoài basmati đã giúp Việt Nam gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Singapore.

Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo của "đảo quốc sư tử".

Hiện, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường có tiêu chuẩn cao này đang thuận lợi nhờ năng lực cung ứng, đáp ứng được sản lượng và chất lượng.

Để tăng thị phần, theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ngoài sự hỗ trợ từ các bộ ngành, doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, song cần đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) gạo giữa Việt Nam và Singapore sẽ là công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế số 1 của sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Singapore.

Nguồn: vnexpress.net

 

Chuối tươi Việt soán ngôi Philippines tại thị trường Trung Quốc

Số liệu của cơ quan này được Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024 sản lượng chuối Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 173.500 tấn, trị giá 70,3 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 1,4% về trị giá, chiếm 51,5% tổng lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc.

Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 ở mức 405,4 USD/tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức giá thấp nhất trong số các nguồn cung cấp chuối cho thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, nhập khẩu từ Philippines đạt 64.600 tấn, trị giá 33,8 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm 45,3% về trị giá, chiếm 19,2% tổng lượng chuối nhập khẩu. Giá trái chuối nhập khẩu bình quân từ Philippines đạt 524 USD/tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trước đây, chuối của Philippines được đánh giá cao về hương vị thì mùa này chất lượng không như mong đợi trong khi chất lượng của chuối Việt Nam và Campuchia cải thiện hơn. Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc đang dần chú ý hơn chuối nhập khẩu từ Việt Nam và Campuchia.

Tại buổi tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4 ở TP.HCM, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc AEON Topvalue Việt Nam và Trung Quốc, cho biết sau chương trình Viet Nam International Sourcing 2023 được tổ chức năm ngoái, tập đoàn đã đưa thành công sản phẩm chuối tươi Việt Nam vào chuỗi cửa hàng gồm 91 điểm bán ở Hong Kong (Trung Quốc).

Hiện nay 100% chuối tươi đang được bày bán là nhập khẩu từ Việt Nam dù trước đây toàn bộ chuối tươi ở cửa hàng tại Hong Kong do các nhà cung cấp Philippines, Đài Loan hay Singapore đảm nhận.

"Lý do gì để chúng tôi chuyển đổi sang hàng Việt Nam? Đối tác nhập chuối tươi của chúng tôi đã áp dụng mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình trồng và chế biến, họ không có phát sinh chất thải bên ngoài, quy trình ấy đáp ứng được tiêu chí bền vững của tập đoàn", ông Yuichiro Shiotani nói.

Trong thời gian tới, tiềm năng xuất khẩu chuối tươi Việt Nam và chế biến còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu quả chuối từ thị trường Việt Nam bởi thuận lợi về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng trong khi dịch bệnh xuất hiện khiến cây trồng này kém hiệu quả.

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn