số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
10:45 26/02/2024
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam mất vị trí cao nhất thế giới; - Một quốc gia bất ngờ chi tiền gấp 185 lần mua gạo Việt giá cao chót vót.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam mất vị trí cao nhất thế giới
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh, xuống mức thấp hơn giá gạo của Thái Lan và Pakistan và mất vị trí cao nhất thế giới.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm mạnh về quanh 600 USD/tấn.
So với mức đỉnh 663 USD/tấn, giá gạo 5% tấm nay đã giảm tương đương 8,1%. Riêng ngày 22/2, giá gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta đã về ngưỡng 584 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan giảm 2 USD/tấn, còn 561 USD/tấn và gạo Pakistan giảm 5 USD/tấn, còn 570 USD/tấn.
Với mức giá giao dịch trên, Việt Nam hiện đã mất "ngôi vương" giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới và nhường cho gạo Pakistan, khi gạo 5% tấm nước này hiện đang được chào bán ở mức 612 USD/tấn. Gạo cùng loại của Thái Lan dù cũng giảm 3 USD/tấn nhưng vẫn giữ được giá bán cao hơn Việt Nam, ở mức 611 USD/tấn.
Tại vựa lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo tiếp đà giảm, giao dịch mua bán chậm lại.
Việc giá gạo xuất khẩu liên tục điều chỉnh giảm sâu trong các phiên giao dịch gần đây đã và đang tác động mạnh tới giá trong nước. Theo đó giá lúa đã giảm liên tục trong mấy ngày nay khiến tình trạng bỏ cọc diễn ra ở nhiều nơi tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lý giải nguyên nhân giá giá gạo xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, đã vào chính vụ thu hoạch năm 2024 nên nguồn cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng và mong muốn giá giảm sâu hơn.
Bên cạnh đó, giá gạo giảm còn do nhu cầu từ khách hàng lớn Indonesia đã giảm. Nước này chuẩn bị bước vào tháng Ramadan và trước đó đã "chốt" được gói thầu 500.000 tấn vào cuối tháng 1 chủ yếu với Việt Nam và gần đây là khoảng 230.000 tấn với Thái Lan. Nhờ vậy, khách hàng lớn này đã nâng tổng nguồn cung gạo cho người dân đảm bảo đến hết tháng 4.
Giá gạo xuất khẩu lên xuống liên tục, khó đoán được các chuyên gia nhận định phần nào do những yếu tố khó lường từ Ấn Độ ảnh hưởng đến tâm lý mua hàng của các nhà nhập khẩu.
Việc giá gạo tăng giảm mạnh bất thường đang tạo ra nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước. Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên có tính toán và đưa ra những bước đi thận trọng, ưu tiên các đơn hàng ngắn hạn, hạn chế các hợp đồng xa, dài hạn để giảm bớt nguy cơ thua lỗ khi thị trường biến động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhận định, xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài do những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính sẽ nhập hàng, sau đó bán ra khi hết mùa thu hoạch. Năm 2024, Việt Nam vẫn đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.
Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn
Một quốc gia bất ngờ chi tiền gấp 185 lần mua gạo Việt giá cao chót vót
Một quốc gia tại châu Âu bất ngờ chi ra số tiền gấp gần 185 lần để mua gạo Việt với giá cao chót vót trong tháng 1 vừa qua.
Sau những kỷ lục lịch sử của năm 2023, ngành lúa gạo Việt tiếp tục đón tin vui khi xuất khẩu gạo tháng 1 tăng mạnh. Theo đó, chỉ trong 1 tháng, nước ta xuất khẩu 512.265 tấn gạo, thu về hơn 362 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 42% về lượng và tăng mạnh 94% về giá trị.
Giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 707 USD/tấn, tăng nhẹ 3% so với tháng 12/2023.
Trong tháng 1, Phillipines vẫn giữ vị trí nhà nhập khẩu gạo Việt lớn nhất với gần 280.944 tấn, giá trị đạt khoảng 194,28 triệu USD. Giá gạo trung bình xuất khẩu sang thị trường này đạt 691 USD/tấn.
Đáng chú ý, Pháp bất ngờ vượt qua Indonesia và Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam. Theo đó, Pháp đã chi ra 18,64 triệu USD để mua 17.919 tấn gạo trong tháng 1/2024.
So với tháng trước đó, xuất khẩu gạo sang Pháp tăng đột biến 16.339% về lượng và tăng 18.356% về giá trị. Tháng 1/2023, Pháp không nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Giá bình quân xuất khẩu gạo sang Pháp đạt 1.040,2 USD/tấn – mức cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong tháng vừa qua.
Những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm mạnh. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong phiên giao dịch hôm 22/2, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm về mức 609 USD/tấn, gạo 25% tấm giá cũng giảm về ngưỡng 584 USD/tấn.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, do vào chính vụ thu hoạch năm 2024 nên nguồn cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng và mong muốn giá có thể giảm sâu hơn. Đây là một phần nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu của nước ta đột ngột giảm mạnh.
Song, xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài. Bởi, những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính sẽ nhập hàng, sau đó bán ra khi hết mùa thu hoạch.
Nguồn: vietnamnet.vn