số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
10:45 28/06/2024
Trung Quốc ‘bao mua’, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bùng nổ; - Giá bán phân bón liệu có giảm khi áp thuế giá trị gia tăng 5%; - Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo, tăng cơ hội cho gạo Việt Nam.
Trung Quốc ‘bao mua’, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bùng nổ
Là khách hàng lớn, Trung Quốc “bao mua” nhiều loại nông sản Việt, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong những tháng qua. Đặc biệt, nhiều nông sản của nước ta nhận thêm tin vui từ thị trường tỷ dân này.
Những ngày gần đây, xe container chở sầu riêng từ các vùng trồng của nước ta nối đuôi nhau lên đường sang Trung Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của trái sầu riêng, giúp hàng chục nghìn nông dân ở nước ta thu tiền tỷ chỉ sau một vụ thu hoạch.
Tại các vườn sầu riêng của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở Gia Lai, hàng ngày liên tục đón các đoàn thương lái đến hỏi thăm và mua loại trái cây tỷ USD này. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL - từng cho hay, công ty sẽ bán sầu riêng trực tiếp cho đối tác Trung Quốc, không thông qua các khâu trung gian.
Năm nay, chỉ tính riêng hai vườn trồng ở Gia Lai, sản lượng sầu riêng của HAGL đã lên tới 800 tấn. Song, doanh nghiệp chưa chốt giá bán với đối tác mua hàng.
Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm của Việt Nam và kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Ngoài các mặt hàng thế mạnh như rau quả, thủy sản,... các doanh nghiệp đang tập trung tăng thị phần các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như cao su, hạt tiêu, sắn...
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 4,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục bùng nổ, chiếm tỷ trọng lớn.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã thu về 1,71 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của nước ta, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Tương tự, Trung Quốc đang “bao mua” sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam, chiếm 91,37% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang thị trường tỷ dân đạt 509 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc đạt 887,8 triệu USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong top 5 thị trường chính của ngành gỗ Việt, Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Đây cũng là khách hàng lớn thứ hai của thủy sản và hạt điều Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính đến hết tháng 5/2024 đạt 537,5 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023; hạt điều đạt 290 triệu USD, tăng mạnh 46,3%.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê sang thị trường tỷ dân này cũng tăng 25,5% về lượng và tăng 53% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về mặt hàng hạt tiêu, Trung Quốc được dự báo sẽ đẩy mạnh gom mua vì lượng tồn kho ở mức thấp nên Việt Nam có cơ hội lớn đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang nước láng giềng. Thực tế, trong tháng 5, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua.
Trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ có kim ngạch xuất khẩu cao su và gạo ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến nay, có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giúp giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng tốt. Trong đó, có 12 mặt hàng rau quả; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Đầu tháng 6 này, tại hội đàm giữa Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung với ông Triệu Tăng Liên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc - lãnh đạo hai bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong thời gian tới.
Cụ thể, sớm hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đối với mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 2 văn kiện này. Ngoài ra, phối hợp để hoàn thiện nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc.
Mới đây, khi hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường với hàng hóa Việt Nam, nhất là nông - thủy sản, trái cây chất lượng cao.
Quốc gia láng giềng cũng tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng và sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy giải quyết vướng mắc về chính sách để thương mại hai nước tăng trưởng bền vững.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao. Song, thị phần của nông sản Việt tại đây còn tương đối nhỏ, chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp nước ta gia tăng thị phần các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chất lượng cao tại thị trường này
Nguồn: vietnamnet.vn
Giá bán phân bón liệu có giảm khi áp thuế giá trị gia tăng 5%
Vào tháng 10 tới đây, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT 5%. Vậy giá bán phân bón trong nước liệu có giảm khi doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào?
Theo Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Luật số 71 đã bộc lộ nhiều bất cập và trong kỳ hợp vào tháng 10 tới đây, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này cần được làm rõ để tạo sự đồng thuận cao nhất.
* Tác động của thuế GTGT với giá phân bón
Việc từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT từ năm 2014 tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp và nông dân nhưng thực tế lại khác mục đích ban đầu. Trước đây, sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, trong đó thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Kể từ khi áp dụng quy định mới, doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào nên phải hạch toán vào chi phí sản xuất phân bón. Điều này khiến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón tăng lên đáng kể và phản ánh vào giá bán cuối cùng cho nông dân.
Về lý thuyết, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu 5% thuế GTGT sang đối tượng không chịu thuế GTGT có thể dẫn đến hai khả năng trái ngược nhau và phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế GTGT 10% trong cơ cấu giá bán sản phẩm (chưa có thuế GTGT).
Cụ thể, nếu tỷ trọng này thấp, ví dụ là 10% trong khi 90% còn lại của giá bán được cấu thành từ các khoản không chịu thuế GTGT như nguyên liệu là phân bón nhập khẩu (ví dụ phân ure, kali, lân dùng để sản xuất phân tổng hợp NPK), tiền lương, khấu hao máy móc, lợi nhuận doanh nghiệp… thì việc không phải chịu thuế GTGT với mức 5% trên giá bán sẽ làm giá bán giảm đi so với khi phải chịu 5% thuế GTGT đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (vì thuế GTGT đầu vào không đáng kể). Trường hợp này có thể xảy ra với những doanh nghiệp sản xuất phân hỗn hợp NPK theo công nghệ “cuốc xẻng” chuyên sử dụng nguyên liệu đầu vào là các loại phân đơn nhập khẩu (không chịu thuế GTGT).
Ngược lại, nếu tỷ trọng này cao từ 50% giá bán trở lên (đây là tỷ trọng phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam hiện nay) thì phần thuế GTGT đầu vào lớn hơn khoản 5% thuế GTGT đầu ra, do đó việc miễn khoản 5% đầu ra nhưng không cho khấu trừ 10% đầu vào sẽ khiến giá thành phân bón tăng lên so với khi phân bón chịu thuế GTGT 5% (vì doanh nghiệp được hoàn một phần thuế GTGT do thuế đầu ra nhỏ hơn thuế đầu vào). Theo đó, khi giá thành sản xuất tăng, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán để đảm bảo hoạt động, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn, cuối cùng chỉ hàng nhập khẩu được hưởng lợi. Mặt khác, chí phí sản xuất tăng cũng khiến nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi đầu tư sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là các dự án có công nghệ cao do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị, nguyên liệu vật tư. Điều này dẫn tới tình trạng ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển do sản phẩm trở nên kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, và có nguy cơ bị hàng nhập khẩu đánh bại ngay trên sân nhà.
*Lợi ích của áp thuế GTGT 5% với phân bón
Nếu đề xuất chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT 5% được Quốc hội thông qua, cả doanh nghiệp, nông dân và nhà nước đều được hưởng lợi.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón từ nguyên liệu, vật tư trong nước sẽ được hoàn một phần thuế GTGT do thuế đầu ra 5% thấp hơn thuế đầu vào 10%, khiến giá thành giảm đi và giá bán tới nông dân cũng có điều kiện giảm tương ứng.
Việc áp thuế GTGT 5% sẽ đưa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu về mặt bằng chung do cùng chịu thuế suất 5%, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa hàng trong nước và ngoài nước, khắc phục được sự bất hợp lý đã diễn ra suốt 10 năm qua.
Ngoài ra, ngân sách trong nước bị hụt thu hiện nay sẽ được bù đắp một phần từ thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước.
* Giá bán phân bón trong nước sẽ giảm?
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV lần này, vẫn có những ý kiến lo ngại về việc áp thuế GTGT 5% với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã chịu giảm giá bán và nông dân không được hưởng lợi.
Trước các lo ngại này, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế cho biết, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% không chỉ giúp tăng thu ngân sách với thuế nhập khẩu, giữ ổn định mặt bằng giá bán trong nước mà còn là “cơ hội cho chính người nông dân yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào, cần hạ mặt bằng giá bán sản phẩm”.
Tiến sỹ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Luật 71 (phần liên quan đến phân bón) theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%. Hiệp hội Phân bón Việt Nam kỳ vọng trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vào tháng 10 tới đây sẽ thông qua việc sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng nhằm gỡ "nút thắt" chính sách đã 10 năm qua, để cả nhà nước, nông dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều ý kiến lo ngại tương tự khi Quốc hội quyết định giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 đến hết năm 2023; mới đây tiếp tục gia hạn thuế suất 8% đến hết năm 2024.
Trên thực tế, thuế GTGT là thuế gián thu, các doanh nghiệp chỉ thu hộ Nhà nước từ người tiêu dùng, nên không lý gì khiến doanh nghiệp tăng giá chưa có thuế GTGT (là phần họ được hưởng) để "móc túi" khoản 2% thuế GTGT đó từ người mua. Nếu doanh nghiệp “tham bát bỏ mâm”, chính doanh nghiệp sẽ không tiêu thụ được hàng do giá bán cao hơn các doanh nghiệp khác do cơ chế cạnh tranh tự nhiên buộc các doanh nghiệp phải đưa giá bán phân bón về một mặt bằng chung, cấu thành từ giá chưa có thuế GTGT (là phần của doanh nghiệp), cộng với thuế GTGT theo quy định (phần của Nhà nước). Đây chính là cơ sở để Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc giảm thuế GTGT xuống 8% tới hết năm 2024.
Nguồn: bnews.vn
Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo, tăng cơ hội cho gạo Việt Nam
Việt Nam luôn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất, luôn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu vào thị trường Philippines. Do vậy, việc Philippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo sẽ tạo thêm thuận lợi và gia tăng cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường Philippines.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công thương), Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos, JR. đã ban hành Sắc lệnh số 62 vào ngày 20/6.
Theo đó, sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, trong đó đối với mặt hàng gạo, Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% sẽ còn 15% và thời gian áp dụng kéo dài đến năm 2028.
Hiệu lực của Sắc lệnh số 62 là 30 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Giảm thuế nhập khẩu gạo là động thái mới nhất của Chính phủ Philippines nhằm đối phó với tình trạng lạm phát
Đối với thuế nhập khẩu gạo, thời điểm áp dụng là sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Dự kiến, mức thuế nhập khẩu gạo mới của Philippines sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 8/ 2024.
Đây có thể được coi là động thái mới nhất của Chính phủ Philippines nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, đặc biệt là giá mặt hàng gạo có xu hướng tăng cao liên tục trên thị trường kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, trong quý I, tình hình kinh tế Philippines tương đối ổn định, ngoại trừ sự tăng giá của một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng gạo, với mức tăng trong quý I vào khoảng 24,4%. Giá gạo chiếm mức khoảng 9% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Philippines.
Phía Thương vụ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Việt Nam luôn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất, luôn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu vào thị trường Philippines. Do vậy, việc Philippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo sẽ tạo thêm thuận lợi và gia tăng cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường Philippines.
Theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Philipines, 5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn.
Theo một số doanh nghiệp, thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo ĐT8 và 5451 của Việt Nam do mềm cơm. Hiện nay, gạo của Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam do gạo của Việt Nam ngon cơm và giá cả phù hợp.
Để xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn