CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 28/03/2025

01:30 28/03/2025

Sầu riêng Việt Nam thêm đối thủ ở Trung Quốc; - Thuế phân bón có giúp nông dân thoát cảnh thua lỗ?; - Thái Lan - Thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Á; - Xuất khẩu rau quả sụt giảm 3 tháng liên tiếp.

 

Sầu riêng Việt Nam thêm đối thủ ở Trung Quốc

Indonesia đặt mục tiêu bắt đầu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc trong năm nay. Cùng với Thái Lan, Indonesia có thể là đối thủ của sầu riêng Việt Nam tại thị trường tỷ dân này.

Theo CNA, Parigi Moutong, một huyện ở tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia, nổi tiếng với sầu riêng Monthong. Giống sầu riêng này cho trái có kích thước lớn, thường nặng khoảng 3-5kg, mềm như kem và vị ngọt, hạt nhỏ và thịt dày hơn so với hầu hết các giống khác. 

Sầu riêng Monthong có nguồn gốc từ Thái Lan, nhưng được trồng phổ biến ở Indonesia và Việt Nam. Trung Sulawesi có khoảng 30.000ha đất canh tác sầu riêng, nhưng chỉ có 10% trong số đó được chính quyền địa phương công nhận. Hầu hết nông dân vẫn sử dụng các biện pháp canh tác đơn giản.

Mặc dù sầu riêng đông lạnh Monthong của Indonesia đã có bán ở Trung Quốc, nhưng chúng được xuất khẩu qua Thái Lan. 

Indonesia chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vào cuối năm nay, sau khi một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa hai nước được ký kết.

PT Silvia Amerta Jaya là một trong 14 cơ sở chế biến sầu riêng tại Parigi Moutong đăng ký xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trực tiếp sang Trung Quốc. Công ty này có mạng lưới 500 nông dân trồng sầu riêng.

Trong chiến dịch được gọi là “ngoại giao sầu riêng”, Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường nội địa và nhập khẩu nhiều sầu riêng hơn từ các quốc gia ở Đông Nam Á.

Sầu riêng Indonesia hướng đến nhu cầu lớn của Trung Quốc, với giá trị nhập khẩu loại trái cây này lên tới gần 7 tỷ USD vào năm ngoái.

Muhammad Tahir, Giám đốc PT Ammar Durian Indonesia, cho biết, nếu vận chuyển qua Thái Lan, mất khoảng 1 tháng để đến Trung Quốc. Còn đi thẳng từ cảng Pantoloan (ở Palu, Trung Sulawesi) đến Trung Quốc, chỉ mất khoảng một tuần.

Trong khi đó, chi phí vận chuyển sầu riêng trực tiếp đến Trung Quốc chỉ bằng một nửa giá xuất khẩu qua Thái Lan.

Năm ngoái, công ty này đã vận chuyển 30 container sầu riêng. Công ty dự kiến sẽ tăng lượng xuất khẩu lên 50 container khi các tuyến đường trực tiếp đến Trung Quốc được thiết lập.

Trung Quốc quy định xuất khẩu sầu riêng nghiêm ngặt, yêu cầu nông dân và nhà cung cấp Indonesia phải tuân thủ các tiêu chuẩn chặt chẽ để đảm bảo kiểm soát chất lượng ở mức cao. Toàn bộ chuỗi cung ứng sầu riêng cũng phải được truy xuất nguồn gốc.

"Bắt đầu từ đồn điền, cho đến khi được đóng gói và sẵn sàng để gửi đi, sản phẩm phải có thể truy xuất nguồn gốc", Ahmad Mansuri Alfian, người đứng đầu Trung tâm kiểm dịch động vật, cá và thực vật ở Trung Sulawesi, chia sẻ.

Cơ quan kiểm dịch Indonesia đã tạo ra một ứng dụng trong đó hệ thống sẽ sử dụng mã vạch, cho phép quét mã vạch để kiểm tra.

“Chúng tôi hy vọng sẽ trang bị cho nông dân máy bay không người lái và các công cụ nông nghiệp hiện đại hơn”, I Wayan Wardika, chuyên gia phân tích nhân viên tại Sở Nông nghiệp, Làm vườn và Trồng trọt ở Parigi Moutong, bày tỏ. Họ mong muốn có sự hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

Thuế phân bón có giúp nông dân thoát cảnh thua lỗ?

Phân bón được đưa vào danh sách chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Việc áp thuế này được kỳ vọng hỗ trợ nông dân tiếp cận phân bón với giá cạnh tranh khi doanh nghiệp được khấu trừ thuế. Kết quả thực tế diễn ra theo hướng nào thời gian sẽ cho câu trả lời, nhưng ở thời điểm hiện tại nông dân “rơi vào cảnh thua lỗ” vì giá phân tăng cao…

Đang lỗ và sẽ lỗ nặng hơn?

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn (KTSG) Online, ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, đơn vị quản lý gần 1.000 héc ta diện tích sản xuất lúa, cho biết vụ lúa Hè Thu 2025 đã xuống giống được khoảng 15 ngày, nhưng giá phân bón tăng cao khiến ông và nhiều nông dân khác đối diện nguy cơ thêm một vụ mùa thua lỗ.

Theo ông, phân đạm (Urê) thời điểm sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 vừa qua có giá 530.000-540.000 đồng/bao 50kg, nhưng hiện tại đã tăng lên mức giá 610.000-620.000 đồng/bao 50kg, tức tăng khoảng 80.000 đồng/bao 50kg. “Mấy loại phân khác như DAP, Kali tăng còn dữ hơn, trên dưới 200.000 đồng/bao 50kg”, ông nói.

Trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thì giá lúa thời gian qua lại giảm mạnh, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân đạt hiệu quả không cao, thậm chí thua lỗ. “Vụ đông xuân rồi, ông nào làm ngon lắm giá thành cũng phải 4.500 đồng/kg, còn vụ hè thu này cũng phải 5.500 đồng/kg”, ông Đời cho biết.

Theo vị giám đốc hợp tác xã Bình Thành, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 đã thu hoạch, lợi nhuận mỗi công (1.000m2) chỉ đạt hơn 1 triệu đồng. “Tuy nhiên, nếu tính toán sòng phẳng, tức tính cả công lao động nhà phải bỏ ra và đất thuê nữa thì lỗ”, ông cho biết.

Vụ Hè Thu 2025 dù mới gieo sạ được nửa tháng, nhưng ông Đời, cho biết khó tránh khỏi cảnh thêm một vụ lúa thua lỗ, nếu giá không tăng cao trở lại. Vụ hè thu dịch bệnh tăng, năng suất thấp, rồi thêm giá phân bón tăng cao như hiện nay nữa nên rất khó để có lãi.

Ông Trần Vũ Chí, một nông dân ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp khi trao đổi với KTSG Online cũng xác nhận, giá phân bón gần đây tăng mạnh trở lại, có loại tăng trên 200.000 đồng/bao 50kg so với thời điểm vụ đông xuân 2024-2025. “Giá phân tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận vì giá thành sản xuất cũng tăng theo”, ông nói.

Theo ông Chí, lời lỗ như thế nào, phải chờ kết quả thực tế khi vụ thu hoạch diễn ra. Tuy nhiên, trước mắt nhờ áp dụng mô hình giảm lượng giống gieo sạ nên lượng phân bón sử dụng có ít hơn bên ngoài. Cụ thể, mỗi công lượng phân bón sử dụng khoảng 38-40 kg so với 50-55 kg/công/vụ như bên ngoài.

Lý giải giá phân bón tăng mạnh như thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty phân bón Sao Vàng Nông Thuận Phát, cho biết giá phân thế giới tăng chính là yếu tố khiến giá phân bón của Việt Nam cũng tăng mạnh theo, nhất là với sản phẩm DAP và Kali bị thắt chặt nguồn cung từ các nước xuất khẩu.

Giảm lại hay tăng cao hơn?

Trước bối cảnh giá phân bón đang tăng cao như hiện nay, câu hỏi được đặt ra, đó là khi thuế VAT 5% đầu ra phân bón có hiệu lực, doanh nghiệp sản xuất trong nước được khấu trừ thuế đầu vào, thì giá phân bón có “hạ nhiệt”, giúp nông dân tiếp cận được sản phẩm cạnh tranh hơn hay không?

Về lý thuyết, khi áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp được hoàn thuế VAT đầu vào, tức doanh nghiệp sẽ giảm giá bán đến người nông dân như kỳ vọng từ đề xuất “đưa phân bón vào diện chịu thuế”. Tuy nhiên, thực tế có diễn ra đúng như vậy hay không vẫn phải chờ thời gian trả lời.

Khi trao đổi với KTSG Online, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, cho rằng từ nửa sau tháng 6-2025, tức trước thời điểm phân bón chính thức chịu 5% thuế VAT, việc giảm giá phân bón trên thị trường là không khả thi.

Cơ sở để ông Hải đưa ra cảnh báo nêu trên, đó là khi doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chịu thêm 5% thuế, có thể dẫn đến hạn chế nhập khẩu khi hiệu quả kinh doanh không có. “Khi đó, nguồn cung trong nước thiếu hụt, tức cung ít hơn cầu giá sẽ tăng mạnh”, ông giải thích và cảnh báo, phân đang tăng và sẽ còn tăng dữ dội hơn.

Theo ông, quan điểm được đưa ra để áp 5% thuế VAT, đó là nếu “không có” thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp bất lợi vì không được khấu trừ thuế đầu vào, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi, tức không phải chịu thuế đầu ra là chưa thoả đáng. Bởi lẽ, thứ nhất, doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thuế, ở mức 6% đối với Urê nhập ngoài ASEAN (trước đây DAP còn phải chịu thêm thuế phòng vệ thương mại); thứ hai, phí bốc xếp, vận chuyển, lưu kho…, đều phát sinh chi phí giống như doanh nghiệp sản xuất trong nước, tức cả doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước đều chịu tác động giống nhau.

Chỉ có một điểm khác của doanh nghiệp sản xuất trong nước so với doanh nghiệp nhập khẩu, đó là có đầu tư máy móc hoặc có thể có sửa chữa, bảo trì trung và dài hạn… thì không được khấu trừ thuế khi chưa áp thuế đầu ra.

Đặc điểm hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam mang tính mùa vụ khá cao, tức có thời điểm nhu cầu tăng cao, nhưng cũng có lúc xuống thấp, cho nên, hoạt động sản xuất, thương mại cũng phải "linh hoạt" theo. Điều này có nghĩa, khi nhu cầu trong nước xuống, thì tăng xuất khẩu và ngược lại bổ sung nguồn nhập khẩu khi nhu cầu trong nước tăng cao, nhất là khi một số loại sản phẩm phân bón Việt Nam chưa sản xuất được.

Tuy nhiên, khi phân bón chịu 5% thuế VAT đầu ra, có nghĩa phân bón nhập khẩu vừa phải chịu thuế nhập khẩu vừa chịu thêm phần thuế đầu ra. Khi đó, có thể làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu, dẫn đến ngưng nhập khẩu, tức khan hiếm nguồn cung khiến giá bị đẩy lên cao như đã nêu ở trên.

Ông Ửng của Công ty phân bón Sao Vàng Nông Thuận Phát cho rằng, hiện tại thuế vẫn chưa có hiệu lực nên không biết trước được. Trong khi đó, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khi trao đổi với KTSG Online xin không bình luận về câu chuyện này với lý do đây là thời điểm nhạy cảm.

Còn ở góc độ người tiêu dùng, ông Đời của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, khẳng định giá phân bón sẽ tăng cao khi thuế VAT phân bón có hiệu lực vì thuế này đánh vào người tiêu dùng.

Vậy, giá phân bón sẽ diễn biến ra sao khi thuế VAT 5% chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới?

Nguồn: thesaigontimes.vn

Thái Lan - Thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Á

Cá tra - một trong những mặt hàng thủy sản chiến lược của Việt Nam đang tạo nên "cơn sốt" tại Thái Lan nhờ chất lượng vượt trội và giá cả hợp lý.

Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, nửa đầu tháng 2/2025, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt hơn 3 triệu USD, tăng 280% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến ngày 15/2/2025 đạt 9 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2025.

Nhờ sự bứt tốc này, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách các quốc gia châu Á nhập khẩu nhiều cá tra Việt Nam nhất, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trên bình diện toàn cầu, Thái Lan hiện là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc & Hong Kong, Mỹ và Brazil.

Trong tháng 1, giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra phile đông lạnh mã HS 0304 qua Thái Lan đạt gần 5 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Thái Lan.

Cùng tháng 1, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Thái Lan cũng giảm 32%, đạt 748.000 USD. Các sản phẩm đông lạnh khác cũng giảm 16%, đạt 991.000 USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đà sụt giảm kể trên nằm trong xu hướng chung hàng năm của ngành xuất khẩu cá tra, khi Việt Nam có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Việc cá tra Việt Nam được Thái Lan “chuộng” đến từ việc: Thứ nhất, vị trí địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh về giá.

Thứ hai, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao. Cá tra Việt Nam, đặc biệt là loại phi lê đông lạnh, phù hợp với nhiều phong cách chế biến – từ chiên, nướng đến hấp, lẩu. Cá tra Việt Nam được ưa chuộng trong các món ăn chế biến sẵn, buffet hải sản và các nhà hàng theo phong cách quốc tế.

Thứ ba, hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) giúp giảm thuế nhập khẩu, tạo lợi thế lớn cho cá tra Việt Nam tại Thái Lan – quốc gia cũng đang đẩy mạnh ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn sau đại dịch.

Năm 2025 được kỳ vọng là năm cá tra lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, khi các thị trường trọng điểm tiếp tục mở rộng nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng phục hồi và các hiệp định thương mại tiếp tục được tận dụng hiệu quả.

Để tận dụng tối đa cơ hội, các doanh nghiệp cần chú trọng: Đa dạng hóa sản phẩm: ngoài phi lê đông lạnh, nên đẩy mạnh các sản phẩm giá trị gia tăng như cá viên, cá tẩm bột, cá kho sẵn,… Nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc: đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm nghiệm khắt khe từ phía Thái Lan. Xúc tiến thương mại và truyền thông thương hiệu: quảng bá cá tra như một sản phẩm chiến lược, nâng cao nhận thức về thương hiệu Việt trên thị trường Thái.

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn

Xuất khẩu rau quả sụt giảm 3 tháng liên tiếp

Ước tính trong tháng 3 xuất khẩu rau quả đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), ước tính trong tháng 3 xuất khẩu rau quả đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm; trái ngược hoàn toàn so với năm 2024, ngành này bứt tốc ngay từ đầu năm và kéo dài suốt 12 tháng. 

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả mới đạt 1,1 tỷ USD giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong tháng 3/2025 đạt 172 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế ba tháng đầu năm, nhập khẩu rau quả đạt 578 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024.

Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu là do sầu riêng - mặt hàng chủ lực của ngành - đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, cả ở dạng tươi và đông lạnh. Từ đầu năm 2025, Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.

"Điều này hoàn toàn trái ngược so với năm 2024, khi rau quả bứt tốc ngay từ đầu năm và kéo dài suốt 12 tháng. Nếu xu hướng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu rau quả của cả năm 2025, thậm chí đứng trước nguy cơ sụt giảm so với 2024 vì chúng ta đang bước vào giai đoạn quan trọng là vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh miền Tây", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) nhận định.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,4 tỷ USD, chiếm gần 50% kim ngạch toàn ngành rau quả (hơn 7,15 tỷ USD). Nếu giải quyết tốt vấn đề kiểm định chất lượng, xuất khẩu rau quả Việt Nam có thể đạt 8 tỷ USD trong năm 2025.

Đưa ra giải pháp cho những doanh nghiệp xuất khẩu, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lưu ý, doanh nghiệp nên tập trung đầu tư vào khâu sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Tổng thư ký VINAFRUIT nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường rau quả rất tiềm năng và Việt Nam có lợi thế lớn nhưng thời gian qua, chúng ta đã quá tập trung vào thị trường này và chưa tìm kiếm cơ hội ở những thị trường khác. Trong khi đó, Việt Nam đang có tới 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), có những thị trường rất tiềm năng như Mỹ. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là "chìa khóa" để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và môi trường) cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng những thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do để hưởng ưu đãi thuế quan, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp nên mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thị trường góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch. 

Để khôi phục xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang siết chặt kiểm soát chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng chủ động giám sát, cảnh báo và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm nâng cao uy tín nông sản Việt Nam.

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn