CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 27/05/2024

10:45 27/05/2024

Chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu, trái cây nào tràn về Việt Nam nhiều nhất?; - Có nên áp giá sàn bán gạo vào Indonesia khi các gói thầu bị ép?; - Giá thức ăn thủy sản có thể tiếp tục tăng.

 

Chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu, trái cây nào tràn về Việt Nam nhiều nhất?

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nước ta chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu các loại rau quả, trong đó chủ yếu là hàng từ Trung Quốc. Vậy loại trái cây nào được nhập về và bày bán tại thị trường Việt nhiều nhất?

Trái cây nhập khẩu được bày bán la liệt từ chợ truyền thống đến các “chợ online”, phủ sóng khắp các siêu thị lớn, nhỏ ở nước ta, lấn át cả trái cây nội địa. Đáng chú ý, bên cạnh các loại trái cây nằm ở phân khúc cao cấp, rất nhiều loại quả được nhập về bán với giá rẻ, thậm chí là siêu rẻ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, nước ta đã chi ra 725,6 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả về phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Riêng năm 2023, nhập khẩu rau quả của Việt Nam lên tới 1,96 tỷ USD.

Theo đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt 794,7 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước đó.

Năm 2023, hàng từ Trung Quốc chiếm 40,5% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của nước ta.

Mỹ xếp vị trí thứ hai, với kim ngạch nhập khẩu đạt 331,5 triệu USD, giảm 7%. Kế tiếp là thị trường Úc, kim ngạch nhập khẩu đạt 142,4 triệu USD, giảm 10% so với năm 2022.

Trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023, hàng Mỹ và Úc lần lượt chiếm tỷ trọng 16,9 và 7,3%.

Vậy nước ta nhập khẩu trái cây nào nhiều nhất? Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2023, đạt 237,1 triệu USD, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.

Tại thị trường Việt, táo được nhập khẩu về bán quanh năm, với vài chục loại khác nhau. Một số loại táo có giá tương đối cao, lên tới 150.000-300.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, thậm chí cả hàng triệu đồng mỗi ký nếu có xuất xứ từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, cũng có nhiều loại táo giá siêu rẻ như táo bia Trung Quốc; táo Nam Phi; táo Mỹ và Pháp một số thời điểm giá cũng chỉ 30.000-40.000 đồng/kg.

Hiện tại, táo bia của Trung Quốc đổ bộ chợ Việt với giá chỉ 10.000-12.000 đồng/kg. Vào chính vụ năm ngoái, loại táo này của Trung Quốc xuất hiện tại chợ Việt giá chỉ vài nghìn đồng 1kg.

Sau táo, loại quả nhập về Việt Nam nhiều thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.

Quýt và lê lần lượt có vị trí thứ 3 và 4, chiếm tỷ trọng 7,1% và 5%.

Đây đều là những loại trái cây có giá thành khá thấp. Đặc biệt là nho, không chỉ nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc,... mà nho Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào thị trường trong nước với giá rất rẻ. Khi quốc gia tỷ dân này mở rộng diện tích vùng trồng, nho sữa ngay lập tức phủ sóng chợ Việt với giá bán rất bình dân.

Một chuyên gia ngành hàng trái cây nhận xét, trong thương mại, nhập khẩu nhiều hay ít tuỳ theo nhu cầu của thị trường. Các loại trái cây Việt Nam nhập về hiện nay chủ yếu là những mặt hàng mà chúng ta không sản xuất được, hoặc không phải thế mạnh.

Đơn cử, các loại táo, lựu Việt Nam chưa thể trồng được; hay như nho, lê có vùng trồng nhưng sản lượng còn khiêm tốn nên phải nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, các loại trái cây đứng đầu bảng nhập khẩu phần lớn đều nằm trong phân khúc giá rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc với sản lượng lớn nên nhập về rất nhanh. Đây cũng là lý do hàng năm, táo, nho, quýt và lê luôn được nhập về Việt Nam với khối lượng lớn.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

Có nên áp giá sàn bán gạo vào Indonesia khi các gói thầu bị ép?

Sau khi Indonesia áp dụng chính sách mới, liên tục các hợp đồng bán gạo của doanh nghiệp Việt Nam vào đây đều bị Cơ quan hậu cầu quốc gia Indonesia (Bulog) ép giá. Từ vấn đề này, doanh nghiệp có ý kiến đề xuất nên áp dụng “giá sàn” để bảo vệ lợi ích của người nông dân và nền kinh tế…

Tại một hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo quí đầu năm 2024 và bàn phương hướng nhiệm vụ thời gian tới diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, với thị trường Indonesia, chính sách nhập khẩu gạo của quốc gia này đã thay đổi.

Theo đó, trước đây Bulog nhập khẩu theo hình thức đấu thầu cấp Chính phủ (G2G) với gói thầu có khối lượng lớn để chọn nguồn cung từ quốc gia có giá thấp nhất. “Nhưng các gói thầu gần đây, Indonesia cho mở từng gói nhỏ và chia ra nhiều quốc gia cùng trúng, chứ không tập trung vào một quốc gia”, ông Nam cho biết.

Điều đáng nói hơn, với chính sách mới, doanh nghiệp có giá thầu thấp nhất vẫn chưa phải là đơn vị giành chiến thắng mà Bulog sẽ đưa vào vòng đàm phán tiếp theo nhằm “ép giảm giá” tiếp.

“Đi sâu vào thầu Bulog, chúng ta thấy rằng: về nguyên tắc nếu bỏ giá thấp nhất là thắng, nhưng luật chơi mới của Indonesia là 3 đơn vị bỏ giá thấp nhất sẽ đi vào vòng đàm phán tiếp theo”, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty lương thực Phương Đông (ORICO) thông tin.

Thái Lan “bỏ cuộc”, Việt Nam bán giá thấp

Phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo vừa được Bulog công bố, các doanh nghiệp Việt Nam đã giành chiến thắng với tổng khối lượng khoảng 150.000 tấn. Đây là kết quả sau khi đàm phán và chấp nhận “giảm giá” theo yêu cầu của đơn vị này. Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan đã “rời đi” bở không đồng ý mức giá mới theo yêu cầu của phía Indonesia.

Ngoài Việt Nam, Indonesia cũng đạt được thoả thuận nhập khẩu khoảng 60.000 tấn gạo có nguồn gốc từ Pakistan và Myanmar.

Điều đáng nói ở đây, đó là các doanh nghiệp của Việt Nam giành chiến thắng với khối lượng lớn nhất, nhưng lại có giá bán thấp nhất.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trúng thầu LOT 5 và 6 (LOT là số lượng đơn vị được tiêu chuẩn hóa của một tài sản được giao dịch) với tổng khối lượng 60.000 tấn (bao gồm LOT 5 là 30.000 tấn và LOT 6 là 30.000 tấn), với giá trúng thầu là 563 đô la Mỹ/tấn (giá CIF).

Với giá trúng thầu như nêu trên (563 đô la Mỹ/tấn) đồng nghĩa với việc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã đàm phán với Bulog và chấp nhập giảm 13 đô la Mỹ/tấn so với giá bỏ thầu ban đầu là 576 đô la Mỹ/tấn.

Nếu so với giá dự thầu của các doanh nghiệp đến từ Thái Lan (doanh nghiệp Thái Lan không đồng ý giảm giá nên không trúng thầu bán gạo cho Bulog), giá trúng thầu của các doanh nghiệp đến từ Việt Nam có đơn vị thấp hơn đến khoảng 70 đô la Mỹ/tấn. Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam bị ép chấp nhận giảm giá theo đàm phán của Bulog đưa ra.

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, giá gạo tại kho hiện khoảng 13.900 đồng/kg và nếu cộng thêm chi phí là khoảng 14.400 đồng/kg. Trong khi đó, tỷ giá ngày 24-5 của 1 đô la Mỹ là khoảng 25.200 đồng, tương đương mỗi tấn gạo có giá 571 đô la Mỹ.

Giá gạo quy ra đô la Mỹ như nêu trên (571 đô la Mỹ/tấn) là tương đương với mức giá các doanh nghiệp Việt Nam vừa trúng thầu bán cho Indonesia. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro rất lớn trong trường hợp nếu giá gạo có biến động (tăng) trong thời gian tới, bởi hợp đồng có thời gian giao cho Indonesia vào tháng 6 và 7 tới.

Lập giá sàn “chống” bán rẻ?

Trước tình trạng doanh nghiệp “đua nhau” giảm giá để có hợp đồng bán gạo cho Indonesia, tại hội nghị nêu trên, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát đã lên tiếng đề nghị, VFA cần có những cuộc họp để doanh nghiệp cùng ngồi lại đưa ra một mức giá sàn trước đối với hợp đồng bán gạo cho Indonesia. Có nghĩa là doanh nghiệp dự thầu không được bán thấp hơn giá sàn nhằm tránh tình trạng “bán thấp giá hơn nước bạn”.

Theo bà Huyền, việc có giá sàn sẽ giúp đảm bảo an toàn cho cả người nông dân, công nhân và doanh nghiệp, thậm chí tránh rủi ro cho cả ngân hàng khi giải ngân khoản vay cho doanh nghiệp. “Phải đoàn kết, gắn bó giữa doanh nghiệp nhà Nước và doanh nghiệp tư nhân”, bà kêu gọi.

Chủ tịch HĐQT của Công ty Ngọc Quang Phát cho rằng, đơn vị này sẵn sàng “lùi về hậu phương” để Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miên Nam (Vinafood 2) đi dự thầu, nhưng khi trúng thầu cần chia lại hợp đồng. Bởi lẽ, hợp đồng xuất khẩu gạo chính là điều kiện để doanh nghiệp được ngân hàng giải ngân các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo bà Huyền, vấn đề quan trọng là có được hợp đồng với giá tốt nhất, mang về lợi nhuận cao nhất, chứ không phải lấy hợp đồng nhiều rồi về thua lỗ, thất thoát kinh tế, thất thoát cho người công nhân và nông dân trồng lúa. “Đây là điều các cấp chính quyền, Bộ Công Thương, Chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp”, bà nhấn mạnh.

Một nguồn tin của KTSG Online (xin không nêu tên) cho biết, có tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu gạo chấp nhận rủi ro bán giá thấp để có được hợp đồng xuất khẩu nhằm có được khoản vay mới từ phía ngân hàng. “Hợp đồng xuất khẩu đối với doanh nghiệp lúa gạo chính là cơ sở để ngân hàng xét duyệt cho vay vốn”, vị này giải thích.

Theo bà Huyền, việc “bán đổ bán tháo” nhằm có được hợp đồng để ngân hàng giải ngân các khoản vay là rất nguy hiểm cho cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lẫn phía ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Việt Anh của ORICO cho rằng, thông tin nói doanh nghiệp đàm phán giảm giá bán theo yêu cầu của Indoneisa chính là đang bán rẻ tài nguyên quốc gia, chèn ép giá nông dân là chưa chính xác. Bởi lẽ, luật chơi được quyết định bởi người mua, chứ không phải người bán quyết định.

“Chúng ta muốn bán gạo giá cao, thì không có hợp đồng, thành ra chỗ này cần làm rõ”, ông Việt Anh nói và cho rằng, doanh nghiệp nếu cân đối được tồn kho với giá cả hợp lý, thì họ quyết định bán miễn có hiệu quả vì đây là tự do hoá thương mại.

Ông Việt Anh đặt vấn đề, bàn bạc đưa ra giá sàn, nhưng không có được hợp đồng, thì tình hình sẽ càng khó khăn hơn…

Nguồn: thesaigontimes.vn

Giá thức ăn thủy sản có thể tiếp tục tăng

Bức tranh của ngành thức ăn thủy sản đầu năm 2024 mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng còn khó khăn. Tình hình này dự kiến kéo dài đến hết 6 tháng đầu năm 2024 mới hy vọng có biến chuyển.

Theo Báo cáo Triển vọng Protein động vật toàn cầu năm 2023 của Rabobank, giá ngũ cốc và hạt có dầu trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 – 5/2022. Theo TS Enrico Bachis, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường tại Tổ chức dầu cá, bột cá thế giới (IFFO): “Dựa trên các mô hình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng xu hướng thức ăn NTTS phản ánh sự biến động về chính trị, thị trường và môi trường. Trong giai đoạn 2022 – 2023, các vấn đề địa chính trị, giá năng lượng tăng và nguồn nguyên liệu thô hạn chế đã khiến giá thức ăn NTTS tăng 30%. Điều này cho thấy giá của các mặt hàng chủ chốt có thể sẽ tăng hơn nữa trong năm 2024”.

Rabobank cũng chỉ ra một số thách thức đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thức ăn NTTS, tập trung vào tác động của thời tiết và sản lượng đánh bắt. Theo dữ liệu của IFFO, có tới 20% sản lượng bột cá và dầu cá trên thế giới đến từ Peru. Việc bình thường hóa giá bột cá phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt. Nhưng chưa có gì là chắc chắn cho các mùa khai thác cá cơm sắp tới tại nước này.

Giám đốc điều hành của STIM Carl-Erik Arnesen bày tỏ: “Giá thức ăn thủy sản sẽ bị ảnh hưởng bởi sự biến động về giá của các nguyên liệu thô. Sự sẵn có của nguồn nguyên liệu thức ăn thực vật tại châu Âu chịu tác động từ tình trạng hạn hán ở nhiều khu vực. Hậu quả của điều này có thể sẽ được nhìn thấy trong 2 đến 3 quý đầu năm 2024”.

Ông Arnasen cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có thể sẽ đẩy các nguyên liệu thô đã qua chế biến vào thị trường với tốc độ nhanh hơn, góp phần gây ra biến động về giá cả”.

Nguồn: vasep.com.vn