số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
10:45 24/07/2024
Giá xuất khẩu gạo bình quân nửa đầu tháng 7 tăng 12%; - Xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 1,3 tỷ USD nửa đầu năm; - Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD; - 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 7.300 tấn ớt; - Việt Nam là đối tác cung cấp thủy sản lớn thứ 5 tại Singapore; - 6 tháng đầu năm, Việt Nam chi 2,56 tỷ USD mua thức ăn gia súc và nguyên liệu.
Giá xuất khẩu gạo bình quân nửa đầu tháng 7 tăng 12%
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 290.035 tấn gạo với giá trị 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn.
Cơ hội cho xuất khẩu gạo khởi sắc trong nửa cuối năm là rất lớn. Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể đạt tới trên 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn, cao hơn con số dự báo trước đây.
Philippines gia tăng nhập khẩu gạo, đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024.
Tại Philippines, gạo Việt Nam chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu, kế đến là Thái Lan với 10%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng gạo Philippines nhập khẩu từ Việt Nam đạt trên 1,7 triệu tấn, Thái Lan đứng thứ 2 với hơn 352.000 tấn. Chính vì vậy, việc Philippines tăng nhập khẩu gạo sẽ là cơ hội thị trường rất lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Theo các doanh nghiệp so với các nguồn cung khác thì Việt Nam có lợi thế về địa lý nên cước phí vận chuyển thấp, thời gian giao hàng ngắn. Quan trọng nhất là chất lượng và giá gạo Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, và có thể thu về hơn 5 tỷ USD.
Trong nửa đầu tháng 7, cùng với đà tăng giá gạo, giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng thuộc nhóm nông sản cũng tăng, góp phần đẩy kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Hàng rau quả có kim ngạch lớn nhất với 238 triệu USD, tuy nhiên đây lại là mặt hàng có mức tăng trưởng thấp nhất tăng 0,5% so với cùng năm trước.
Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn
Xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 1,3 tỷ USD nửa đầu năm
Sầu riêng dẫn đầu nhóm rau quả với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,3 tỷ USD, tăng gần 45% trong 6 tháng đầu năm.
Sầu riêng, được mệnh danh là "vua của các loại trái cây", đang ngày càng khẳng định vị thế khi được Trung Quốc và nhiều quốc gia ưa chuộng.
Theo số liệu mới nhất từ hải quan, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng hiện chiếm 65% tỷ trọng trong nhóm quả xuất khẩu.
Giá sầu riêng xuất khẩu cũng tăng mạnh 6 tháng qua, dao động 4,3-4,5 USD (110.000-115.000 đồng) một kg, tùy thị trường. Hiện giống Monthong được ưa chuộng nhờ chất lượng cao, hạt lép, mùi thơm ngon và không bị nhão. Thời gian bảo quản của loại này cũng dài hơn so với Ri 6 và các giống khác.
Trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nửa đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 46%. Thị trường Thái Lan đứng thứ hai, với 47 triệu USD, tăng 90,5% so với nửa đầu năm 2023.
Ngoài hai thị trường lớn này, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng cường mua sầu riêng Việt. Nhật Bản chi 2,6 triệu USD, Campuchia chi 1,6 triệu USD, tăng lần lượt gấp 2 và 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng đang đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả. Vụ mùa ở Tây Nguyên từ tháng 7 đến tháng 10 dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay. Đến cuối năm, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam và cải thiện đời sống nông dân.
Cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ngoài ra, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh khác cũng sẽ được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu thời gian tới.
Tuy nhiên gần đây, nhiều lô sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo nhiễm chất cấm. Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân và trao đổi với phía Trung Quốc.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy không có nguyên nhân xuất phát từ vùng trồng này. Do đó, nhà chức trách đề nghị doanh nghiệp và thương lái tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong thu mua, đảm bảo thu mua đúng mã vùng trồng và các cơ sở đóng gói phải theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu để duy trì vị thế và có thể vươn lên dẫn đầu.
Nguồn: vnexpress.net
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD
Tính đến ngày 15/6/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 172 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra của nước ta đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá tra của Việt Nam là mặt hàng thủy sản được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Tính đến nay, cá tra Việt Nam đã chinh phục được hơn 140 thị trường trên thế giới. Trong đó, có những thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và những quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Trong số các thị trường xuất khẩu cá tra, thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đứng thứ ba, sau Trung Quốc, Mỹ. Nửa đầu tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 12 triệu tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/6/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2024, CPTPP ước chi 128 triệu USD để nhập khẩu cá tra Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP sẽ tiếp đà tăng khi giá cả và nhu cầu đang dần ổn định.
Các chuyên gia nhận định, năm 2024 xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục và khởi sắc ở 1 số thị trường; trong đó, có khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng và đa dạng thị trường, đưa thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, CPTPP được coi là bước đà quan trọng để ngành thủy sản, trong đó có cá tra, “cất cánh”.
Bên cạnh đó, để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững, vấn đề liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông) là hết sức quan trọng. Sự liên kết này phải trên tinh thần “thượng tôn pháp luật” mà trong đó, doanh nghiệp và ngư dân phải đi đầu.
Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn
6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 7.300 tấn ớt
Lũy kế 6 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu 7.326 tấn ớt với kim ngạch đạt 17,9 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng mạnh 31,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về 1,8 triệu USD với 815 tấn, giảm 43% về lượng so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu 7.326 tấn ớt với kim ngạch đạt 17,9 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng mạnh 31,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ớt Việt Nam với 6.338 tấn, chiếm 86,5%. Lào đứng thứ 2 với sản lượng đạt 669 tấn, chiếm 9,1%. Mỹ là thị trường đứng thứ 3 với 124 tấn, tương đương 1,7%.
Ớt chính là mặt hàng giúp Việt Nam thu được hàng triệu USD mỗi năm. Riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu ớt đạt 20 triệu USD, tương đương với 10.173 tấn, tăng 107% so với năm 2022.
Kể từ tháng 3/2022, ớt tươi của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, các lô hàng ớt tươi đều phải được xử lý kiểm dịch bởi các đơn vị chức năng của Việt Nam hoặc do các đơn vị chức năng của Việt Nam ủy quyền, đồng thời phải chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật.
Giá ớt bán ra cũng tốt hơn nhiều, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định. Với mỗi sào trồng ớt, người nông dân sẽ thu được trên 1 tấn quả mỗi năm. Như vậy, với mức giá bán hiện nay từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân sẽ có doanh thu từ 30 - 50 triệu đồng.
Một trong những lý do mà Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ớt Việt Nam là độ cay cao và đa dạng về chủng loại. Một số loại ớt xuất khẩu phải kể đến như: ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt, ớt chỉ địa. Ngoài ra, sự chênh lệch mùa vụ cũng là điều giúp cho sản lượng xuất khẩu tăng cao.
Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn
Việt Nam là đối tác cung cấp thủy sản lớn thứ 5 tại Singapore
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Singapore đạt gần 51,7 triệu SGD, tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên duy trì vị trí đối tác thứ 5 trong 2 quý liên tiếp về xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Singapore...
Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2, Indonesia xếp hạng thứ 3, Trung Quốc xếp thứ 4 và Việt Nam thứ 5.
cá phi lê đông lạnh, cá chế biến việt nam chiếm thị phần lớn
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 0,81%, giá trị xuất khẩu đạt gần 51,7 triệu SGD, chiếm thị phần 9,46%.
Trong đó, nhóm hàng tăng mạnh là cá tươi (tăng 25,42%). 3 nhóm hàng sụt giảm mạnh là nhóm cá tươi ướp lạnh (giảm 26,93%), nhóm cá đông lạnh (giảm 39,42%), nhóm thủy sản thủy sinh (giảm 23,08%).
Số liệu thống kê của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 546,14 triệu SGD, giảm 3,42% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm sản phẩm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Singapore gồm: tôm, cua, thủy sản giáp xác, chiếm 24,42% tổng lượng tiêu thụ của thị trường; tiếp đến là cá tươi, ướp lạnh, chiếm 19,65%; phi lê cá, thịt cá ướp lạnh hoặc đông lạnh, chiếm 18,15%; cá đông lạnh chiếm 15,75%; thủy sản thân mềm chiếm 10,67%... Các nhóm mặt hàng như cá tươi, cá chế biến và thủy sản thủy sinh chiếm tỷ trọng tương đối thấp, lần lượt là 3,74%; 4,8% và 2,81%.
6 quốc gia có thị phần lớn nhất chiếm từ 9% - 13% là Malaysia (13,55%), Na Uy (11,34%), Indonesia (11,06%), Trung Quốc (10,24%), Việt Nam (9,46%) và Nhật Bản (8,30%).
Đánh giá thế mạnh thuỷ sản từng nước tại thị trường Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng Malaysia có thế mạnh về các mặt hàng cá tươi sống và tôm, cua, thủy sản giáp xác. Na Uy và Tây Ban Nha có thế mạnh về sản phẩm cá tươi ướp lạnh và cá đông lạnh.
Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh với (chiếm 28,69%) và cá chế biến (chiếm 19,24%). Trung Quốc có lợi thế đối với các sản phẩm thủy sản thân mềm. Nhật Bản có lợi thế về các loại thủy sản thủy sinh.
Thị phần còn lại chia đều cho hơn 90 đối tác khác, trong đó có Chi lê, Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Mỹ…
Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng
Singapore là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm thuỷ sản có thế mạnh của Việt Nam, tuy nhiên, thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản không nhỏ.
Cụ thể, để đảm bảo an ninh thực phẩm, Singapore thực hiện chính sách đa dạng nguồn cung, liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu bằng nhiều chính sách khác nhau. Điều này khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn.
Mặt khác, tình trạng lạm phát đang cao cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, xung đột ở một số khu vực trên thế giới cũng làm cho giá cước vận chuyển tăng mạnh. Quốc gia nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa.
Để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore, ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản.
Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, ông Thắng cho biết Thương vụ tiếp tục tích cực thực hiện kết nối với các doanh nghiệp thủy hải sản của Việt Nam để thông tin tới doanh nghiệp trong nước tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn, những mặt hàng mà các nhà nhập khẩu Singapore đang tìm kiếm.
Đồng thời, kết nối Hiệp hội các ngành công nghiệp thủy sản của Singapore với các doanh nghiệp Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn.
Hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.
Thương vụ cũng liên tục có các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản để chia sẻ các kinh nghiệm tiếp cận thị trường và khuyến nghị nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã hàng hóa để giữ uy tín của thủy sản Việt Nam đối với thị trường Singapore.
Nguồn: vneconomy.vn
6 tháng đầu năm, Việt Nam chi 2,56 tỷ USD mua thức ăn gia súc và nguyên liệu
6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi 2,56 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 9,6% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 6/2024 giảm 4% so với tháng 5/2024 nhưng tăng 4,5% so với tháng 6/2023, đạt 423,75 triệu USD. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 2,56 tỷ USD, tăng 9,6% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 28% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 717,79 triệu USD, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2023; trong đó riêng tháng 6/2024 đạt 172,41 triệu USD, tăng 8,5% so với tháng 5/2024 và tăng mạnh 51,4% so với tháng 6/2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 22,8%, đạt 582,96 triệu USD, tăng mạnh 69,6% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 6/2024 nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 84,75 triệu USD, tăng 23,7% so với tháng 5/2024 và tăng 34,7% so với tháng 6/2023.
Tiếp đến thị trường Brazil trong tháng 6/2024 nhập khẩu giảm 29,8% so với tháng 5/2024 và giảm 36,8% so với tháng 6/2023, đạt trên 57,92 triệu USD; cộng chung cả 6 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu từ thị trường này tăng 15,2% so với 6 tháng đầu năm 2023; đạt trên 371,76 triệu USD, chiếm 14,5% trong tổng kim ngạch.
Nguồn: congthuong.vn