CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 23/10/2024

01:30 23/10/2024

Việt Nam nhập khẩu sầu riêng tăng đột biến 1.057%; - Chi tỉ đô la nhập gạo: Nghịch lý hay hợp lý?; - Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng 24,2%

 

Việt Nam nhập khẩu sầu riêng tăng đột biến 1.057%

So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm nay tăng đột biến 1.057%, tức gấp gần 11,6 lần.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp-PTNT mới đây cho thấy, tính đến hết tháng 9 năm nay, sản lượng sầu riêng của nước ta đã đạt 984.800 tấn, tăng mạnh 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi đó, tháng 10 mới vào vụ thu hoạch loại “trái cây vua” này ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai và Lâm Đồng. Còn sầu nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm nay.

Ước tính, sản lượng sầu riêng của nước ta có thể đạt trên 1,2 triệu tấn trong năm nay.

Theo đó, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa, lượng rất lớn sầu riêng còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan và các thị trường khác.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta ước đạt 2,5 tỷ USD - mức kỷ lục lịch sử. Trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước khoảng 2,3 tỷ USD.

Nhưng ở chiều ngược lại, nước ta cũng chi gần 9 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng đột biến 1.057%, tức gấp khoảng gần 11,6 lần.

Thực tế, tại thị trường nội địa, sầu riêng Việt được bán la liệt. Bên cạnh đó, tại các cửa hàng cũng bày bán rất nhiều dòng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia với giá rất đắt đỏ. 

Đơn cử, sầu riêng Fumoni có giá 200.000-340.000 đồng/kg, sầu riêng Kanyao giá dao động từ 430.000-700.000 đồng/kg, sầu riêng Black Thorn giá 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg; Musang King giá 650.000-900.000 đồng/kg. Một số loại sầu ngoại khác giá phổ biến trong khoảng 400.000-500.000 đồng/kg.

Các đầu mối bán sầu riêng nhập khẩu cho biết, giá của mỗi loại sầu đắt hay rẻ phụ thuộc vào chúng là hàng loại 1 hay loại 2. Ngoài ra, giá sầu riêng vận chuyển bằng máy bay sẽ đắt đỏ hơn vận chuyển bằng đường bộ và đường biển. Bởi, thời gian vận chuyển càng ngắn thì sầu càng tươi ngon.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

Chi tỉ đô la nhập gạo: Nghịch lý hay hợp lý?

Nhập khẩu gạo đang dấy lên lo ngại có tác động tiêu cực đến thị trường nội địa cũng như thu nhập của nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, qua việc nhập khẩu gạo cho thấy nông dân vùng này có xu hướng chuyển đổi phân khúc hoặc thậm chí “thoát khỏi” cây lúa để tìm sang hướng khác mang lại thu nhập cao hơn.

Tổng cục hải quan mới đây đã công bố thông tin, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi 996 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu gạo, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, đã làm dấy lên lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường trong nước cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa.

Nhập khẩu gạo nghịch lý hay tích cực?

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online liên quan câu chuyện Việt Nam chi gần 1 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu gạo, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang( Angimex) đánh giá, nhập khẩu gạo là “chuyện bình thường” trong thương mại gạo giữa các quốc với nhau.

"Phần nào đó, nhập khẩu gạo sẽ góp phần giúp cân bằng cung và cầu, ổn định giá mua bán. Do vậy, khi đứng ở góc độ của người nông dân để đánh giá, nhập khẩu gạo sẽ làm giảm giá mua lúa gạo trên thị trường, dẫn đến nông dân bị giảm thu nhập”, ông giải thích.

Vậy, diễn biến giá gạo thời gian qua như thế nào?

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam tháng 9-2024 đạt khoảng 609 đô la Mỹ/tấn, tăng 1,7% so với tháng trước, nhưng giảm 2,4% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 624 đô la Mỹ/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chín tháng đầu năm nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng trên 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, khoảng thời gian này, giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng khoảng 13,1% so với cùng kỳ.

Dĩ nhiên, việc nhập khẩu gạo sẽ có tác động đến xu hướng giá thị trường, nhưng với diễn biến như nêu trên có thể thấy giá xuất khẩu vẫn được duy trì khá ổn định. Điều này, kéo theo giá lúa gạo thị trường nội địa vẫn ở mức tương đối cao như thực tế đã diễn ra.

Tuy nhiên, khi đứng ở góc độ của người tiêu dùng, nhập khẩu gạo sẽ giúp giá thành sản phẩm liên quan đến gạo nhập khẩu có giá hợp lý hơn. “Việc nhập khẩu sẽ giúp giá thành sản phẩm liên quan tới gạo trở nên hợp lý hơn, bao gồm những ngành như thức ăn chăn nuôi, sản xuất bánh bún hay thậm chí gạo ăn của công nhân”, ông Thành của Angimex đánh giá.

Qua số liệu theo dõi ngành hàng, vị giám đốc ngành lương thực của Angimex cho biết, tháng 9-2024, đã có khoảng khoảng 268.000-269.000 tấn gạo được nhập khẩu vào Việt Nam (bao gồm cả lúa quy gạo). Điều này, đưa luỹ kế tổng khối lượng gạo nhập khẩu vào Việt Nam đến nay đạt khoảng 1,8-1,83 triệu tấn.

Theo đó, lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ khoảng 400.000 tấn, chủ yếu là gạo cấp thấp phục cho chế biến của các ngành công nghiệp; phần còn lại là từ Campuchia với phân khúc sản phẩm tương tự gạo Việt Nam và một số loại gạo đặc sản của quốc gia này.

Theo ông Thành, nguồn gạo nhập khẩu từ Campuchia (chủ yếu là lúa) có ý nghĩa rất quan trọng trong bổ sung, gia tăng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam. “Điều này, giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn, bởi lợi thế của xuất khẩu là bán được số lượng nhiều”, ông cho biết và thông tin, điều này cũng giúp tạo công ăn việc làm, nhà máy xay xát hoạt động liên tục…

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đòng quản trị công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho rằng, Việt Nam nhập khẩu gạo là chuyện bình thường trong thương mại thế giới. Theo ông, gạo của Việt Nam và gạo nhập khẩu từ Ấn Độ là hai phân khúc khác nhau, cho nên, không ảnh hưởng đáng kể đến ngành lúa gạo Việt Nam.

Theo đuổi hay chuyển đổi?

Việt Nam tăng nhập khẩu gạo không phải là chuyện mới, bởi hai năm trước đó, tức năm 2022 và 2023 cả nước cũng đã lần lượt chi ra hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm để mua gạo.

Xu hướng nhập khẩu gạo của Việt Nam diễn ra ngày càng mạnh khi sản xuất trong nước có sự dịch chuyển từ sản phẩm cấp thấp sang chất lượng cao, nhất là khi có một phần diện tích lúa “nhường chỗ” cho các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu héc ta đất canh tác nông nghiệp, trong đó, có khoảng 4 triệu héc ta đất lúa, khoảng 1,2 triệu héc ta đất cây ăn trái… “Việc lựa chọn mặt hàng chủ lực, có ưu thế, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng để phát triển là cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Theo dẫn chứng của ông Tùng, Việt Nam từng có khoảng 1 triệu héc ta diện tích đất trồng bắp, nhưng hiện đã giảm đáng kể do không có khả năng cạnh tranh với những quốc gia có lợi thế. “Mình nhập của họ rẻ hơn, nếu nông dân theo đuổi những mặt hàng không có lời, không phù hợp và chất lượng cũng không bằng nước khác thì có nên hay không?”, ông đặt vấn đề.

Hiện nay, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp có hạn, về mặt tổng thể, chấp nhận nhập khẩu một/một vài sản phẩm để ưu tiên nguồn lực, tài nguyên đất đai cho sản phẩm thế mạnh, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân có thể là một chọn lựa hợp lý. Theo ông Tùng, chúng ta nhập một loại nông sản nào đó mà Việt Nam không có ưu thế phát triển là chuyện bình thường.

Đối với sản phẩm Việt Nam có ưu thế như lúa gạo, nhưng vẫn nhập khẩu cũng là chuyện bình thường, bởi trong ngành lúa gạo cũng được chia ra nhiều phân khúc chất lượng khác nhau. Trong đó, Việt Nam hiện đang có ưu thế phát triển tốt ở phân khúc chất lượng cao, cho nên, thiếu hụt phải nhập khẩu phân khúc cấp thấp đáp ứng nhu cầu chế biến vẫn là hướng đi đúng, nhất là khi nguồn lực đất đai có hạn.

Theo tìm hiểu của Kinh tế Sài Gòn Online, hiện có không ít địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp... nông dân đã “thoát khỏi” cây lúa để chuyển đổi sang cây ăn trái với lợi nhuận cao hơn hàng chục lần trên cùng đơn vị diện tích.

“Nhập khẩu gạo cũng do một phần đất đai chuyển dịch sang lĩnh vực khác, khiến lượng lúa sản xuất trong nước ngày càng ít đi. Tuy nhiên, việc nông dân linh hoạt chuyển đổi cơ cấu là khó tránh khỏi khi đã có nhiều loại nông sản mang lại thu nhập cao hơn”, ông Bình của Trung An cho biết.

Nguồn: thesaigontimes.vn

 

Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng 24,2%

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi 697 triệu USD (tương đương 17.400 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, chủ yếu là trái cây tươi. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng 24,2%.

Hiện nay và trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam. Những năm gần đây, rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam liên tục tăng. Cụ thể, năm 2020, thị phần rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 30%, đến năm 2023 đã tăng lên 37% và nay đạt 42%.

Trước đây, rau quả Trung Quốc chủ yếu được bán ở chợ, nhưng hiện đã xuất hiện phổ biến tại các siêu thị và cửa hàng cao cấp, gồm các loại như táo, nho cùng các loại rau củ như tỏi, hành tây, khoai tây, cà rốt. Sản phẩm Trung Quốc thường có giá thấp hơn 10-30% so với các mặt hàng nhập khẩu khác.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi 697 triệu USD (tương đương 17.400 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, chủ yếu là trái cây tươi. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng 24,2%.

Ông Võ Thanh Lộc, đồng sáng lập Farmers' Market, chia sẻ rằng trước đây công ty chủ yếu nhập khẩu trái cây từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, với sự đa dạng và mẫu mã đẹp mắt của sản phẩm Trung Quốc, cùng với sự ưa chuộng từ người tiêu dùng Việt Nam, công ty đã thêm vào danh mục sản phẩm các loại trái cây từ Trung Quốc.

Ông Lộc cũng nhận định rằng, sản phẩm Trung Quốc có giá hấp dẫn hơn so với nhiều quốc gia khác và chất lượng đã được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh việc xuất khẩu lượng lớn rau quả sang Việt Nam, thời gian gần đây Trung Quốc còn tự trồng một số loại qủa như thanh long, sầu riêng để cạnh tranh với trái cây Việt Nam.

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đánh giá trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường Trung Quốc. Do Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thanh long, sầu riêng.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng từng chia sẻ, nếu 5 năm trước, Việt nam là nguồn cung thanh long chủ yếu cho thị trường Trung Quốc, thì gần đây, quốc gia này đã xác định đây là cây trồng chính, đang tập trung phát triển thành cây chủ lực. 

Vì vậy, khi hàng trong nước dồi dào, hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị lép vế nếu chất lượng không vượt trội. Chưa kể, Mexico gần đây cũng đang áp dụng công nghệ thắp đèn để thanh long cho thu hoạch quanh năm, theo đó thanh long của quốc gia này cũng đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, cũng như ngay cả với thị trường Mỹ, EU, đe dọa thị phần của Việt Nam.

Việc Trung Quốc muốn làm chủ nguồn cung nông sản khiến các nhóm hàng nổi bật của Việt Nam như thanh long, sầu riêng - với khoảng 90% sản lượng đang được xuất khẩu sang thị trường này, có nguy cơ dư thừa. Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng đầu tư vùng trồng cây ăn trái nhiệt đới tại Lào.

Do đó, trái cây Việt Nam đang đứng trước thách thức xây dựng thương hiệu tại thị trường tiêu thụ trái cây nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn