CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 22/08/2024

01:30 22/08/2024

Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc cần đảm bảo những quy định gì?; - Mexico: Thị trường đứng đầu trong khối CPTPP nhập khẩu cá tra Việt Nam; - Xuất khẩu gạo cuối năm: Kịch bản 2023 có lặp lại?; - Việt Nam nhập khẩu phân bón cao gấp đôi lượng xuất khẩu trong 7 tháng.

 

Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc cần đảm bảo những quy định gì?

Để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, mở đường cho việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong thời gian tới. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.

Theo Nghị định thư, sầu riêng đông lạnh (Durio zibethinus) bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam.

Để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.

Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.

Vật liệu đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.

Trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - "Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC / RCP 8-1976).

Như vậy, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc mở cửa thị trường cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai Nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các Nghị định thư này.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang Trung Quốc, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết. Việc ký kết các Nghị định thư này là một bước tiến quan trọng thúc đẩy thương mại các sản phẩm nông sản nguồn gốc thực vật giữa hai nước.

Nguồn: haiquanonline.com.vn

 

Mexico: Thị trường đứng đầu trong khối CPTPP nhập khẩu cá tra Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2024, XK cá tra sang Mexico đạt hơn 4 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến giữa tháng 7/2024, Mexico tiếp tục duy trì là thị trường đứng đầu trong khối CPTPP, và là thị trường đơn lẻ thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ về tiêu thụ nhiều nhất cá tra từ Việt Nam.

Theo phân tích của bà Thu Hằng, chuyên gia của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bất chấp khoảng cách địa lý, cá tra Việt Nam vẫn được người tiêu dùng tại Mexico ưa chuộng. Cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá tuyết (haddock) và cá minh thái.

Ngoài ra, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các loại cá thịt trắng khác, cá tra Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao không chỉ với khẩu vị người châu Á mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Cá tra nằm trong nhóm hàng thủy sản được hưởng ưu đãi của Hiệp định CPTPP. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2024, XK cá tra sang Mexico đạt hơn 4 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến 15/7/2024, lũy kế XK cá tra sang thị trường này đạt 39 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm nay, thị trường Mexico tiêu thụ gần 300 nghìn USD cá tra giá trị gia tăng, tăng 262% so với cùng kỳ. Mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng giá trung bình XK cá tra Việt Nam sang Mexico trong nửa đầu năm nay vẫn ở dưới mức 2,5 USD/kg. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải mức giá thấp nhất trong 3 năm qua.

Nửa cuối năm nay, XK cá tra dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khi người dân tại quốc gia Mỹ Latin này đang chuẩn bị các lễ hội và kỳ nghỉ.

Nguồn: haiquanonline.com.vn

 

Xuất khẩu gạo cuối năm: Kịch bản 2023 có lặp lại?

Thời điểm này năm ngoái, thị trường lúa gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã “bùng nổ” và kéo dài đến cuối năm, thậm chí ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao đã xảy ra. Nhưng với diễn biến hiện nay, kịch bản của năm 2023 có lặp lại trong những tháng cuối năm hay không?

Yếu tố chính dẫn đến “bùng nổ” ngành gạo những tháng cuối năm ngoái do Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- đột ngột dừng xuất khẩu đối với gạo trắng (non- basmati). Kịch bản này liệu có tái diễn khi Ấn Độ hiện vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng?

Thị trường “sáng”, nhưng không “sốt”?

Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc ngành hàng lúa gạo Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đánh giá, thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm sẽ đứng ở mức cao, nhưng khó đột biến như những tháng cuối năm ngoái.

Cơ sở để ông Thành đưa ra đánh giá nêu trên, đó là nhu cầu nhập khẩu của Philippines và Indonesia tăng nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước, tuy nhiên, nhu cầu này cũng ở mức vừa phải, nhất là không có yếu tố đột ngột về phía cung như bối cảnh của năm ngoái. “Giá từ đây đến cuối năm sẽ đứng ở mức cao”, ông nói và dẫn chứng, gần đây giá tăng 500-600 đồng/kg, sau đó giảm lại 100-200 đồng/kg và đứng ở mức cao như hiện nay.

Trong khi đó, tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024, triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL” diễn ra hôm 20-8 ở tỉnh Long An, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, từ tháng 7 năm ngoái, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng, dẫn đến nguồn cung bị hạn chế một phần so với trước. “Năm 2023, Ấn Độ vẫn xuất khẩu gần 18 triệu tấn gạo (17,799 triệu tấn) và năm nay dự kiến 17 triệu tấn, tức giảm khoảng 4-5 triệu tấn so với con số của năm 2021-2022”, ông Nam dẫn chứng.

Tuy nhiên, chủ tịch VFA cho rằng, việc thiếu hụt nguồn gạo từ quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đã được “bù đắp” khi các quốc gia xuất khẩu còn lại như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Pakistan gia tăng xuất khẩu.

Cụ thể, luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 4,842 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ; Myanmar đạt 1,244 triệu tấn, tăng 31,44%; Pakistan 6 tháng đầu năm cũng xuất khẩu đạt 3,45 triệu tấn, tăng 66,67% so với cùng kỳ.

Riêng Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đạt gần 5,3 triệu tấn gạo các loại, với trị giá đạt 3,34 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,3% về lượng và 27,65% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung từ Ấn Độ giảm được “bù đắp” bởi những quốc gia khác giúp thương mại gạo thế giới nhìn chung vẫn ổn định. Điều này, đã phản ánh khá đúng diễn biến thị trường lúa gạo thế giới những tháng qua không có đột biến, thậm chí có thời gian sụt giảm như thực tế đã diễn ra.

Theo ông Nam, thị trường ngành lúa gạo từ nay đến cuối năm khó có khả năng sụt giảm, nhưng cũng không xảy ra đột biến như năm ngoái, bởi triển vọng thị trường nhập khẩu tăng và khả năng tăng xuất khẩu của một số quốc gia lớn vẫn duy trì, dù Ấn Độ chưa mở cửa.

Cụ thể, về phía nhập khẩu, thị trường Philippines có kế hoạch nhập 4,5-4,6 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với con số của năm ngoái, trong khi Indonesia dự kiến nhập khẩu 4,4-4,5 triệu tấn gạo, tăng gấp đôi so với năm 2023.

Còn về phía xuất khẩu, các quốc gia lớn đều tăng lượng bán ra, trong đó, Thái Lan kế hoạch đạt 8,8 triệu tấn so với con số 8,76 của năm ngoái; Pakistan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn năm 2024 so với 4,64 triệu tấn của năm ngoái; Myanmar là 2 triệu tấn so với con số 1,582 của năm 2023.

Rõ ràng, với diễn biến cung cầu gạo như nêu trên, thì khó có khả năng xảy ra đột biến như đã diễn ra trong những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên thị trường vẫn có triển vọng được giá vì nhu cầu lớn từ các nước nhập khẩu.

Còn bao nhiêu gạo để bán?

Vấn đề nhận được không ít sự quan tâm ở thời điểm hiện nay, đó là Việt Nam còn bao nhiêu gạo để bán những tháng cuối năm nay?

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng lúa hàng hoá quy gạo của Việt Nam năm nay dự kiến đạt trên dưới 26 triệu tấn. Trong đó, sau khi trừ đi cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước, bao gồm tiêu dùng người dân, làm giống, chế biến sản phẩm sau gạo và thức ăn chăn nuôi, thì số lượng còn lại có khả năng phục vụ cho xuất khẩu là 7,6 triệu tấn.

Từ con số nêu trên, đại diện VFA cho biết, lượng gạo phục vụ cho xuất khẩu những tháng còn lại năm 2024 là 2,3 triệu tấn, bởi 7 tháng đầu năm đã có 5,3 triệu tấn gạo được bán ra. Nếu tính cân đối cung cầu gạo Việt Nam và con số đã xuất khẩu 7 tháng đầu năm là 5,3 triệu tấn, thì lượng hàng hoá dành cho xuất khẩu còn lại khoảng 2,3 triệu tấn.

Tuy nhiên, dựa vào dữ liệu theo dõi ngành hàng đã thu thập, ông Thành của Angimex cho rằng, trong trường hợp sản xuất của Việt Nam thuận lợi nhất, thì sản lượng gạo có khả năng dành cho xuất khẩu tối đa chỉ ở mức 6 triệu tấn. “Đây là kết quả được tính trên số lượng diện tích thật sự, bao gồm diện tích sản xuất 1 vụ; diện tích không thể đạt năng suất tính toán lý thuyết nên thông số thường thấp hơn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Thành cho biết.

Được biết, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo, nhưng có khoảng 2 triệu tấn là nguồn được nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ, tức lượng gạo xuất khẩu thật sự của Việt Nam chỉ khoảng 6 triệu tấn. Nhiều chuyên gia cho biết, giai đoạn hai tháng cuối năm ngoái, giá gạo bị đẩy lên mức đỉnh đã cho thấy nhu cầu cao, nhưng cung thiếu trầm trọng.

Vị Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Angimex cũng nói thêm rằng, một phần gạo nhập khẩu từ Ấn Độ được dùng làm thức ăn chăn nuôi giúp “đẩy” gạo Việt lẽ ra dùng cho nhu cầu này có dư để xuất khẩu. “Khi gạo Ấn (nhập khâu) dùng cho thức ăn chăn nuôi, thì gạo Việt Nam sẽ chuyển đổi thành gạo trắng xuất khẩu”, ông giải thích và đánh giá, khả năng cung ứng cho xuất khẩu của gạo Việt tối đa chỉ ở mức 6 triệu tấn, thậm chí một số phân tích của quốc tế chỉ 5 triệu tấn.

Từ diễn biến nguồn cung còn lại có khả năng dành cho xuất khẩu cũng như triển vọng nhu cầu như đã nêu ở trên, đại diện của VFA nhấn mạnh, thị trường lúa gạo sẽ duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm nay…

Nguồn: thesaigontimes.vn

 

Việt Nam nhập khẩu phân bón cao gấp đôi lượng xuất khẩu trong 7 tháng

Trong 7 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 3 triệu tấn phân bón các loại, cao gấp đôi lượng phân bón xuất khẩu sang các nước khác, khoảng 1 triệu tấn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng, Việt Nam ghi nhận lượng nhập khẩu phân bón cao hơn lượng xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 980,5 triệu đô la Mỹ, tăng 46,3%, với số lượng khoảng 3 triệu tấn, tăng 55,5% về khối lượng.

Trong đó, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 37,4% tổng kim ngạch, đạt gần 1,3 triệu tấn, tương đương 366,65 triệu đô la Mỹ.

Tiếp đến là thị trường Nga đạt 165,48 triệu đô la Mỹ, tăng 325,4%, với số lượng đạt 364.402 tấn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhập khẩu lượng lớn phân bón từ Lào, Canada, Bỉ và Na Uy.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 7 tháng đạt 420,3 triệu đô la Mỹ, tăng 7,5%. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình đạt 40,6 đô la Mỹ/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Phân bón Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Campuchia, đạt hơn 300.000 tấn, tương đương 132,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 31,5% tổng kim ngạch với giá trung bình khoảng 415,8 đô la Mỹ/tấn.

Đứng sau là Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 47,7 triệu đô la Mỹ với giá trung bình 415,7 đô la Mỹ/tấn, tăng 12,4% về giá. Theo sau đó là một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, dự báo thị trường phân u-rê thế giới sẽ sôi động hơn trong giai đoạn cuối năm, khi các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và Châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu.

Nguồn: thesaigontimes.vn