CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 17/07/2024

10:45 17/07/2024

Thịt nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam; - Giá tôm càng xanh xuống đáy còn 100.000 đồng một kg; - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất một năm qua.

 

Thịt nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

5 tháng đầu năm, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt vào Việt Nam tăng 29% so với cùng kỳ, bình quân 46.000 đồng một kg.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 76.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 32,1% về lượng và 28,6% về trị giá. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 304.850 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá 597 triệu USD (hơn 14.000 tỷ đồng), tăng 29% về lượng và 25,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi kg thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu có giá trung bình 46.000-47.000 đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 41 thị trường, trong đó Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là những nhà cung cấp lớn nhất. Các loại thịt được nhập khẩu nhiều gồm thịt heo đông lạnh, thịt bò, gà... Đặc biệt, nhập khẩu thịt heo từ Brazil và Mỹ tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ Nga, Đức và Hà Lan giảm.

Ghi nhận ở TP HCM cho thấy thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn 30-40% so với hàng trong nước. Giá ba chỉ heo dao động từ 70.000-90.000 đồng một kg, sườn non khoảng 100.000 đồng một kg, nạc dăm, thịt mông và thịt vai từ 65.000-75.000 đồng một kg.

Chị Thanh Hoa, chủ cửa hàng nhập khẩu tại quận Tân Bình, cho biết do giá heo trong nước tăng cao nên thịt nhập khẩu đang bán chạy hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, giò heo đông lạnh được nhiều quán ăn ưa chuộng vì đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có hình thức đẹp mắt.

Chị Hoa chia sẻ thêm, giá thịt nhập khẩu năm nay giảm là do nguồn cung dồi dào. Kinh tế suy thoái trong hai năm gần đây đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, khiến nguồn cung thịt từ các nước tăng lên và đẩy giá xuống.

Tuy nhiên, tình trạng này khiến Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam lo ngại các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước. Hiệp hội đề nghị nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới để bảo vệ người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.

Nguồn: vnexpress.net

 

 

 

 

Giá tôm càng xanh xuống đáy còn 100.000 đồng một kg

Mỗi kg tôm càng xanh loại 10-20 con được bán tại ao nuôi với giá 90.000-130.000 đồng, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Từ cuối tháng 6, tôm càng xanh và càng sen vào vụ thu hoạch nhưng giá cả lại bấp bênh. Chị Hạnh ở Kiên Giang cho biết năm nay giảm 50% diện tích nuôi tôm xuống còn 0,5 ha nhưng giá bán không đủ bù đắp chi phí.

"Mỗi kg tôm càng xanh xô có giá khoảng 60.000-90.000 đồng (tùy loại), giảm 15.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung giảm nhưng giá tôm càng xanh ngày càng rẻ," chị Hạnh nói.

Tương tự, ông Thành ở Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cũng cho hay trong số các loại tôm mà gia đình ông nuôi, tôm càng xanh đang có giá thấp nhất. Hết vụ năm nay, gia đình ông sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ hoặc sú.

"Trước đây, khi loại tôm này mới xuất hiện trên thị trường, giá bán tại ao lên đến 150.000-180.000 đồng một kg, nay sức tiêu thụ giảm, đẩy giá xuống mạnh," ông Thành chia sẻ.

Tại TP HCM, hiện tôm càng xanh được bán trên các xe đẩy ở nhiều con đường với giá lẻ chỉ 110.000-150.000 đồng một kg, trước đó loại này dao động 170.000-220.000 đồng một kg.

Ở các chợ truyền thống, tiểu thương nói giá bán cũng khá rẻ. Anh Tân, một tiểu thương tại chợ xóm mới (Gò Vấp), cho biết loại 28-30 con một kg được anh bán giá 110.000 đồng, loại 20 con là 150.000 đồng.

Tôm càng xanh ăn ngọt thịt nhưng vỏ nhiều nên các bà nội trợ kén mua. Thay vì lấy mỗi ngày 20 kg như mọi năm, gần đây anh chỉ lấy một nửa số lượng.

Trên các chợ sỉ online, tôm càng xanh cũng có giá hấp dẫn. Chị Thanh Nhã ở Kiên Giang cho biết đang bán sỉ từ 15 kg, loại 30 con có giá 65.000 đồng, loại 12-17 con giá 100.000 đồng, loại 25 con là 85.000 đồng. "So với năm ngoái, giá tôm năm nay giảm 13% nhưng sức mua vẫn rất yếu," chị Nhã nói.

Theo chị Trâm ở Kiên Giang, chuyên bán sỉ tôm trên toàn quốc, tôm càng xanh đã hết thời kỳ sốt giá do sức tiêu thụ yếu. Mặc dù nguồn cung ra thị trường giảm, giá tôm vẫn đi xuống. "Mọi năm, một ngày tôi xuất bán 1-2 tấn, nay chỉ còn 100-200 kg một ngày," chị Trâm chia sẻ.

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, giá tôm đi xuống do sức mua yếu và việc nuôi tôm quanh năm khiến mặt hàng này trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Không chỉ tôm càng xanh, mà tôm sú và thẻ chân trắng cũng đang có giá thu mua tại ao thấp hơn 15-20% so với đầu năm.

Riêng với loại tôm càng xanh có giá 50.000-90.000 đồng một kg, cơ quan này cho rằng đa phần là hàng chưa đạt kích cỡ thu hoạch để bán thương phẩm. Một số tiểu thương online xả hàng với các sản phẩm tôm bị sốc môi trường do những cơn mưa đầu mùa, các công trình ao nuôi không đảm bảo kỹ thuật và mật độ nuôi quá dày.

Năm nay, tỉnh Kiên Giang đã đặt kế hoạch nuôi 43.500 ha tôm càng xanh, với sản lượng 22.400 tấn. Tuy nhiên, do giá tôm liên tục giảm trong hai năm qua, người nuôi đã giảm diện tích. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh nuôi 34.886 ha tôm càng xanh, với sản lượng đạt 10.127 tấn, lần lượt đạt 80,20% và 45,21% kế hoạch.

Nguồn: vnexpress.net

 

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất một năm qua

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 565-570 đô la Mỹ/tấn vào ngày 11-7, mức thấp nhất kể từ ngày 27-7-2023.

TTXVN dẫn lời một thương nhân ở TPHCM cho biết, hiện hoạt động bán hàng vẫn chậm do người mua kỳ vọng Ấn Độ sẽ nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu gạo.

Trong khi giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua thì giá gạo Thái Lan cũng giảm trong tuần này do nhu cầu yếu, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi khả năng Ấn Độ nới lỏng các hạn chế.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức từ 570-575 đô la/tấn vào ngày 11-7, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4, giảm so với mức 585 đô la/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết không có đơn đặt hàng lớn nào đến và nguồn cung mới đang hoạt động tốt. Một thương nhân khác cho biết không có đơn đặt hàng đặc biệt nào và người bán đang dựa vào khách hàng quen thuộc, theo TTXVN. 

Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được chào với giá từ 539 – 545 đô la/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 541-548 đô la/tấn của tuần trước, do nhu cầu yếu vì cước phí vận chuyển cao hơn và đồng rupee mất giá.

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu giữ ổn định so với tuần trước. Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, hầu hết các loại lúa tuần qua duy trì ổn định như IR 50404 từ 6.700-6.900 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 7.100-7.200 đồng/kg, OM 18 từ 7.000-7.200 đồng/kg, lúa Nhật vẫn không đổi từ 7.800-8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.800-7.100 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…, theo thông tin cập nhật của TTXVN. 

Nguồn: thesaigontimes.vn