CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 16/12/2024

01:30 16/12/2024

Chuối Việt chiếm thị phần áp đảo ở Trung Quốc; - Xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng cả về lượng và kim ngạch; - Giá lợn hơi tăng đón đầu Tết, thịt nhập khẩu chỉ 56.000 đồng/kg.

 

Chuối Việt chiếm thị phần áp đảo ở Trung Quốc

Từ vị trí thứ 3, chuối Việt Nam vượt Philippines, chiếm gần 41% thị phần nhập khẩu của Trung Quốc, dẫn đầu sau 10 năm.

Những năm gần đây, chuối của Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc đại lục. Đầu năm nay, chuối tươi từ Việt Nam đánh dấu bước tiến lớn khi độc chiếm kệ hàng tại hệ thống siêu thị AEON ở Trung Quốc, thay thế hoàn toàn chuối từ Philippines và Đài Loan, vốn trước đây chiếm ưu thế.

Điều này không chỉ diễn ra ở AEON mà còn lan rộng sang nhiều hệ thống siêu thị khác và các chợ đầu mối lớn tại nước này.

Hiện chuối Pleiku Sweet của Hoàng Anh Gia Lai, là một trong những thương hiệu nổi bật tại Trung Quốc, được đóng gói theo tiêu chuẩn Nhật Bản với số lượng nhỏ từ 3-4 trái mỗi túi. Mỗi tuần, thương hiệu này xuất khẩu vài chục container, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, chuối từ Việt Nam là đối thủ đáng gờm của các nhà xuất khẩu từ Philippines và Ecuador trên sàn giao dịch quốc tế.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định trong hai năm gần đây, thị phần chuối Việt tại Trung Quốc tăng mạnh nhờ chất lượng vượt trội, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.

Số liệu mới nhất từ Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 8 tháng đầu năm, quốc gia này nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn chuối với trị giá 592,1 triệu USD. Dù tổng lượng nhập khẩu giảm gần 8% so với cùng kỳ 2023 do suy thoái kinh tế, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng với lượng xuất khẩu tăng 19,6%, đạt 459.946 tấn, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu. Thị phần sản phẩm của chuối Việt tăng từ 31,3% trong năm 2023 lên 40,7% năm nay - một con số ấn tượng.

Ngược lại, các đối thủ cạnh tranh như Philippines đang gặp nhiều thách thức. Từng chiếm hai phần ba tổng lượng chuối nhập của Trung Quốc, Philippines nay chỉ xuất khẩu 283.150 tấn trong 8 tháng đầu năm, giảm tới 39,2% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá xuất khẩu của quốc gia này cũng giảm mạnh 46,7%, chỉ còn 158 triệu USD. Giá chuối Philippines, mặc dù đã giảm, vẫn cao hơn so với sản phẩm của Việt Nam, khiến loại quả này mất dần sức cạnh tranh.

Trong khi đó, Ecuador, quốc gia nổi tiếng với phân khúc chuối cao cấp, vẫn giữ vị thế với giá trị trung bình 676,8 USD một tấn - cao nhất trong số các nhà cung cấp, nhưng cũng chịu sự sụt giảm nhẹ về cả lượng và giá trị xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, thời tiết không thuận lợi tại Philippines, cùng với các vấn đề sâu bệnh, đã làm giảm sản lượng và đẩy giá chuối nước này lên cao, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ Việt Nam mở rộng thị phần. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Philippines, giúp Việt Nam tận dụng thời cơ để gia tăng vị thế trên thị trường này.

Theo các doanh nghiệp, những yếu tố thúc đẩy sự thành công của chuối Việt tại Trung Quốc bao gồm chất lượng sản phẩm, sự ổn định trong sản lượng và chiến lược giá linh hoạt. Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế về địa lý, với chi phí logistics thấp hơn đáng kể so với các nước khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận thị trường này.

Dẫu vậy, xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc vẫn có những thách thức. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, giá cả tại đây biến động mạnh, phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và nhu cầu nội địa. Trong khi các thị trường khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc duy trì mức giá ổn định quanh năm, Trung Quốc lại có sự thay đổi liên tục, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải linh hoạt điều chỉnh chiến lược để tránh thua lỗ.

Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng. Tại Trung Quốc, mùa chuối thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10. Điều này đồng nghĩa với việc giá sản phẩm cuối năm thường giảm do nguồn cung nội địa gia tăng. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp có chiến lược phân phối ổn định và chất lượng vượt trội vẫn duy trì được sự ưa chuộng từ người tiêu dùng tại đây.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chuối Việt đã khẳng định vị thế nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và chiến lược tiếp cận thị trường linh hoạt. Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông sản Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội lớn để mở rộng thị phần và phát triển bền vững trong tương lai

Nguồn: vnexpress.net

 

Xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng cả về lượng và kim ngạch

11 tháng, Việt Nam xuất khẩu trên 1,57 triệu tấn phân bón, tương đương gần 644,46 triệu USD, tăng 13,7% về khối lượng, tăng 11,6% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2024, cả nước xuất khẩu trên 1,57 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 644,46 triệu USD, giá trung bình 410 USD/tấn, tăng 13,7% về khối lượng, tăng 11,6% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 1,8% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng tháng 11/2024 xuất khẩu 130.728 tấn phân bón các loại đạt 53,83 triệu USD, giá 411,8 USD/tấn, giảm 11,4% về khối lượng, giảm 10% kim ngạch nhưng tăng 1,5% về giá so với tháng 10/2024; So với tháng 11/2023 thì tăng mạnh 56,5% về lượng, tăng 43,9% kim ngạch nhưng giảm 8% về giá.

Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này trong 11 tháng đã chiếm trên 34% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 536.161 tấn, tương đương 219,51 triệu USD, giá trung bình 409,4 USD/tấn, tăng 8,4% về lượng, tăng 5,5% kim ngạch nhưng giá giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 11/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 57.609 tấn, tương đương 22,14 triệu USD, giá trung bình 384,3 USD/tấn, giảm 3,5% về lượng, giảm 4,5% kim ngạch và giá giảm 1,1% so với tháng 10/2024.

Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 188.258 tấn trong 11 tháng, tương đương 76,18 triệu USD, giá trung bình 404,7 USD/tấn, tăng mạnh 211,9% về lượng, tăng 230,6% kim ngạch và tăng 6% về giá, chiếm gần 12% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Xuất khẩu sang thị trường Philippines đạt 96.438 tấn trong 11 tháng, tương đương 41,33 triệu USD, giá trung bình 428,6 USD/tấn, tăng 83,2% về lượng, tăng 73% kim ngạch và giá giảm 5,6%, chiếm 6,1% trong tổng khối lượng và chiếm 6,4% trong tổng kim ngạch.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu phân bón sang một số thị trường có mức tăng mạnh về kim ngạch như Lào, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản với mức tăng lần lượt là 42,43%, 605,24%, 316,89%.

Dự báo xu hướng sử dụng phân bón hóa học và phân bón hữu cơ trong giai đoạn 2024-2029 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,5% - 6,7% phản ánh xu hướng chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ phân Ure tăng 6% trong giai đoạn 2024 - 2028. Riêng tại Việt Nam, dự báo nhu cầu tiêu thụ Urea trong 2024 tăng khoảng 13% so với niên vụ 2022 - 2023 nhờ xuất khẩu nông sản Việt Nam tích cực.

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn

 

Giá lợn hơi tăng đón đầu Tết, thịt nhập khẩu chỉ 56.000 đồng/kg

Thị trường bắt đầu vào vụ Tết, giá lợn hơi sau đợt giảm nay bắt đầu tăng giúp người chăn nuôi thu lãi từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng mỗi con. Trong khi, thịt lợn nhập khẩu về thị trường Việt giá khoảng 56.000 đồng/kg.

Trưa 12/12, ông Nguyễn Văn Công - chủ một trang trại chăn nuôi quy mô vài nghìn con lợn ở Sơn La, khoe với VietNamNet giá lợn hơi tăng tiếp. Hôm nay, ông xuất bán 50 tấn với giá 64.000 đồng/kg.

Cách đây hơn 1 tuần, ông Công cũng bán lứa lợn với giá 61.000 đồng/kg, lãi khoảng 600.000 đồng mỗi con sau khi trừ các khoản chi phí. Còn hôm nay, lợi nhuận trung bình khoảng 1 triệu đồng/con.

“Năm nay, ngoại trừ dịp đầu năm giá lợn khá thấp, còn lại đều neo ở mức cao nên người chăn nuôi nhìn chung đều có lãi. Trang trại của tôi chăn nuôi quy mô khá lớn, ước lãi cũng trên dưới 5 tỷ đồng”. Ông tiết lộ, thời điểm này thị trường bắt đầu vào vụ làm hàng Tết, lợn hơi rất dễ bán, giá lại đang xu hướng tăng. 

Dù khó tăng đột biến như hồi giữa năm, nhưng ông Công dự đoán chắc chắn giá mặt hàng này sẽ nhích lên và neo ở mức cao do nhu cầu từ thị trường tăng.

Tương tự, một số doanh nghiệp chăn nuôi cũng dự báo giá lợn hơi có thể tăng lên 68.000-70.000 đồng/kg khi thị trường vào cao điểm tiêu thụ dịp cận Tết Nguyên đán.

Ngày 12/12, giá lợn hơi tiếp tục tăng, dao động từ 61.000-65.000 đồng/kg. Khu vực miền Bắc ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất cả nước, trong đó có nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang ... giá vọt lên 65.000 đồng/kg.

“Giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua liên tục được điều chỉnh giảm nên giá thành sản xuất lợn hơi cũng giảm theo. Do đó, người chăn nuôi có thể thu lãi hàng triệu đồng mỗi con khi xuất bán vào dịp cận Tết này”, ông Nguyễn Văn Công nói thêm.

Theo Bộ NN-PTNT, tổng đàn lợn cả nước tháng 11/2024, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn hơi duy trì ở mức cao đã khuyến khích các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và các hộ nuôi nhỏ lẻ khôi phục, mở rộng đàn. 

Từ đầu tháng 11, giá lợn hơi tăng ở hầu khắp các địa phương trên cả nước và duy trì ở mức cao. Đến 30/11, giá lợn hơi trên cả nước dao động từ 60.000-64.000 đồng/kg.

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), từ nay đến cuối năm, kể cả vào dịp Tết Nguyên đán 2025, khi nhu cầu thịt lợn tăng khoảng từ 10-15%, chúng ta vẫn đảm bảo tốt nguồn cung từ sản xuất thịt lợn trong nước. 

“Trước đó, chúng tôi khuyến cáo 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn trên toàn quốc mở rộng quy mô sản xuất để đảm bảo nguồn cung”, ông nhấn mạnh. Còn với nông hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn phải đảm bảo nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học để nuôi giữ đàn lợn.

Bộ NN-PTNT dự báo, nguồn cung lợn sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Song, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá heo hơi có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.

Trái với giá thịt trong nước, giá mặt hàng này nhập khẩu về thị trường Việt lại rất rẻ.

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 703.610 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 đạt 84.490 tấn, giá trị 191,6 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, giá trung bình nhập khẩu mặt hàng thịt lợn chỉ ở mức 2.262 USD/tấn (khoảng hơn 56.000 đồng/kg), giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung thịt lợn cho Việt Nam đến từ 40 thị trường trên thế giới. Trong đó, nhập khẩu từ Brazil chiếm 39,3% tổng lượng thịt lợn ngoại nhập, từ Nga chiếm 29,9%, từ Canada chiếm 7,5%, Đức chiếm 6%, Hà Lan chiếm 4%...

Nguồn: vietnamnet.vn