CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 08/04/2025

01:30 08/04/2025

Doanh nghiệp nhận tin vui cho hàng Việt Nam đang trên đường đến Mỹ; - Xuất khẩu gạo chững lại, nhập khẩu tăng vọt; - Thấy gì từ thực trạng gạo Việt ‘xả hàng’ lúc rớt giá và khan hàng khi tăng?; - Nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng./.

 

Doanh nghiệp nhận tin vui cho hàng Việt Nam đang trên đường đến Mỹ

Các lô hàng đang vận chuyển đến Mỹ sẽ được miễn trừ áp thuế bổ sung 10% được áp dụng từ 5/4, theo hướng dẫn thực thi thuế đối ứng của Hải quan và Biên phòng Hoa kỳ (CBP).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có khuyến nghị với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ sau khi Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đưa ra hướng dẫn thực thi thuế đối ứng.

Theo đó, các mặt hàng là sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào đã được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng và đang trong quá trình vận chuyển bằng phương thức vận tải cuối cùng trước khi nhập cảnh vào Mỹ trước 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 5/4 và được làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ, hoặc rút khỏi kho để tiêu thụ, vào hoặc sau 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 5/4 sẽ được miễn trừ thuế bổ sung 10%.

Tuy nhiên, để ngăn chặn các nhà nhập khẩu lợi dụng ngoại lệ dành cho hàng hóa đã đang trên đường vận chuyển trước ngày 5/4, CBP chỉ cho phép khai báo mã mục 9903.01.28 đối với hàng hóa được nhập khẩu để tiêu thụ, hoặc rút khỏi kho để tiêu thụ, trong khoảng thời gian từ sau 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 5/4 đến trước 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 27/5.

VASEP lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu phải lưu giữ vận đơn và hợp đồng vận chuyển làm bằng chứng.

Với hàng có giá trị từ Mỹ trên hoặc bằng 20% (trường hợp miễn trừ mã 9903.01.34), nếu thủy sản được chế biến kết hợp nguyên liệu từ Mỹ (ví dụ: bao bì, gia vị, hoặc một phần nguyên liệu thủy sản nhập từ Mỹ), phần giá trị từ Mỹ được miễn thuế.

Theo đó, doanh nghiệp cần xem xét nhập bao bì hoặc phụ liệu từ Mỹ để đạt ngưỡng 20% giá trị; chuẩn bị chứng từ chứng minh giá trị từ Mỹ.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng khác ngoài thủy sản cũng có thể yên tâm với các lô hàng đang trên đường vận chuyển đến Mỹ sẽ được miễn trừ khoản thuế bổ sung mới.

Còn các hướng dẫn riêng cho các biện pháp về thuế có hiệu lực từ ngày 9/4 sẽ được phía Mỹ ban hành sau.

Theo thống kê nhanh sơ bộ và chưa đầy đủ của VASEP, trong sáng 3/4 - ngay khi có thông tin Mỹ áp mức thuế 46% với hàng Việt Nam, có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ, khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất khẩu trong tháng 4-5/2025; đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025 ước đạt 38.500 tấn. 

VASEP đánh giá, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 2 tỷ USD, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thị trường Mỹ không chỉ giữ thị phần số 1 mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong đó, 70% các sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng (tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá nước ngọt khác) và 30% sản phẩm xuất khẩu là từ hải sản khai thác. Đặc biệt, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu số 1 về tôm, cá ngừ và thị trường số 2 về cá tra Việt Nam.

Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Mỹ với những đơn hàng lớn, giá trị cao.

Trong bối cảnh cạnh tranh cao và thuế chống bán phá giá, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là DDP (giao hàng tận kho) khi xuất khẩu sang Mỹ. Nghĩa là doanh nghiệp Việt phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ. Do vậy, mức thuế mới khiến cho doanh nghiệp thủy sản lo ngại về khả năng mất thị trường lớn này.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

Xuất khẩu gạo chững lại, nhập khẩu tăng vọt

Giá gạo thế giới lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh tích trữ, kéo kim ngạch nhập khẩu 3 tháng tăng 32,4%, đạt 685 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,2 triệu tấn với giá trị 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, các doanh nghiệp Việt đã chi 685 triệu USD để nhập khẩu gạo, tăng 32,4% so với năm ngoái. Giá nhập chủ yếu dao động 316-380 USD một tấn, tập trung vào các loại gạo giá rẻ phục vụ sản xuất.

Theo một giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu gạo ở TP HCM, giá thế giới đang ở mức rất thấp, gần chạm đáy nên khó giảm thêm. Do đó, các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu để dự trữ nguyên liệu cho cả năm. Phần lớn gạo nhập về có phẩm cấp thấp, phục vụ chế biến và làm thức ăn chăn nuôi. Khi giá gạo "nằm đáy", doanh nghiệp tận dụng cơ hội tích trữ, đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng vọt.

Ngày 4/4, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam là 399 USD một tấn và Thái Lan là 396 USD, trong khi gạo cùng loại của Ấn Độ 380 USD. Gạo 25% tấm của Việt Nam đạt 370 USD một tấn, thấp hơn so với Thái Lan 375 USD, còn Ấn Độ là 366 USD, Pakistan 359 USD một tấn.

Các doanh nghiệp dự báo, nhập khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm có thể vượt 1 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu có thể chậm lại dù Việt Nam ngày càng tập trung vào gạo chất lượng cao.

Tại một hội nghị gần đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định gạo Việt đang ở ngưỡng không dư để bán. Do đó, các doanh nghiệp nhập nhiều gạo giá rẻ để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, bún, phở.

Theo ông Nam, ngành lúa gạo Việt Nam hiện có hai hướng phát triển. Một là, sản xuất và xuất khẩu từ nguồn cung trong nước. Diện tích trồng lúa đang giảm theo định hướng của Chính phủ. Nếu mở rộng xuất khẩu, nguồn cung có thể không đủ; ngược lại, nếu không mở rộng, Việt Nam có nguy cơ bị ép giá.

Hai là, thu mua và xuất khẩu từ các nước khác. Nhiều doanh nghiệp nhập gạo từ Campuchia để phục vụ xuất khẩu, giúp nông dân nước này bán được giá tốt hơn, còn Việt Nam đảm bảo nguồn cung ổn định. Ông Nam đánh giá, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại trong nước mà còn tham gia vào thị trường lúa gạo thế giới.

Hiện, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,1% thị phần. Bờ Biển Ngà và Ghana lần lượt chiếm 16,3% và 10,2%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gạo chủ yếu từ Campuchia và Ấn Độ.

Nguồn: vnexpress.net

 

Thấy gì từ thực trạng gạo Việt ‘xả hàng’ lúc rớt giá và khan hàng khi tăng?

Cách đây một tháng, các bộ, ngành và địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải họp khẩn để “giải cứu” ngành lúa gạo khi giá giảm mạnh ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đến nay, giá đã ‘đảo chiều’ tăng mạnh trở lại thì các doanh nghiệp không còn gạo để bán… Thực trạng này cho thấy, để ngành lúa gạo có chiến lược dài hơi để tối ưu giá trị sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.

Giá tăng lại không còn gạo để bán!

Trao đổi với kinh tế Sài Gòn (KTSG) Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết thị trường lúa gạo thay đổi rất nhanh, chỉ hơn một tuần qua, giá lúa gạo đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg.

Theo đó, giá lúa Đài Thơm 8 tại ruộng được thương lái mua 7.000-7.100 đồng/kg; OM 18 6.900-7.100 đồng/kg; OM 5451 có giá 6.100-6.300 đồng/kg; IR 50404 5.800-6.000 đồng/kg; OM 380 là 5.800-5.900 đồng/kg; DS1 8.200-8.500 đồng/kg và RVT là 8.200-8.400 đồng/kg.

Tại hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết ngay đầu năm 2025, giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL từ mức 8.000 đồng/kg nhanh chóng giảm xuống còn 7.000 đồng/kg và có lúc xuống còn 5.500 đồng/kg. Nhưng hai tuần trở lại đây, giá đã bật tăng mạnh trở lại, trong đó, gạo xuất khẩu giá đã vượt 500 đô la Mỹ/tấn nhưng không có để bán. Các kho của doanh nghiệp mở cửa nhưng không mua được gạo.

Vị chủ tịch VFA nhấn mạnh, gạo Việt đã có chỗ đứng trên thị trường, nhất là với những chủng loại Việt Nam có thế mạnh, trong đó, gạo ST có giá 780-790 đô la Mỹ/tấn nhưng hiện không có nguồn cung để bán cho thị trường Trung Quốc. “Trung Quốc rất cần, nhưng không có”, ông nói.

Trong khi đó, hai giống Đài Thơm 8 và OM 18 là giống lúa “độc quyền” của Việt Nam mà Philippines rất thích ăn. “Khi họ thích rồi họ sẽ mua”, ông Nam nói và dẫn chứng, hơn một tuần trở lại đây, nhà nhập khẩu Philippines trả giá 510 đô la Mỹ/tấn, nhưng phía Việt Nam vẫn không bán, trong khi cách đây một tháng chỉ bán được 430-440 đô la Mỹ/tấn.

Cơ cấu giống khác biệt đã giúp gạo Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí Thái Lan đã qua nghiên cứu thị trường Philippines, nhưng họ thừa nhận không thể cạnh tranh được với Việt Nam ở thị trường này.

Rõ ràng, gạo Việt Nam chiếm một vị thế rất quan trọng trong thương mại gạo toàn cầu nhờ tạo được sản phẩm khác biệt, với chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, gạo Việt vẫn không ít lần bị nhà nhập khẩu ép giá.

Để không bị áp lực… “xả hàng”

Như đã phân tích ở trên, Việt Nam đã tạo được phân khúc sản phẩm gạo riêng biệt và có chỗ đứng quan trọng ở nhiều thị trường, nhưng vì sao vẫn bị đối tác nhập khẩu ép giá?

Cách đây đúng một tháng, Chính phủ đã triệu tập lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL để thảo luận về xuất khẩu gạo khi giá giảm mạnh cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, giá tăng và các nhà nhập khẩu muốn mua cũng khó. Đâu là lý do của thực trạng này?

Rõ ràng, áp lực tiêu thụ một lượng lúa quá lớn của khoảng 1,5 triệu héc ta diện tích vụ đông xuân ở vùng ĐBSCL trong thời gian ngắn, rộ đồng trong 40-50 ngày là lý do khiến giá giảm mạnh như thực tế đã diễn ra.

Vậy làm thế nào để giảm áp lực, tức hạn chế được tình trạng nhà nhập khẩu ép giá?

Ông Hà Nam cho rằng, bình quân hàng tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt tối thiểu cũng hơn 500.000 tấn, nhưng lượng xuất khẩu cao nhất hàng năm thường rơi vào tháng 4 và 5 của vụ đông xuân. Do đó, việc giải ngân vốn vay của ngân hàng cần linh hoạt, phù hợp với tính mùa vụ của ngành hàng lúa gạo để giảm bớt áp lực bán ra, tức tránh bị nhà nhập khẩu ép giá.

“Chúng tôi mong muốn việc cho vay của ngân hàng cũng linh hoạt theo, bởi định mức cho vay theo thời vụ, thì doanh nghiệp mới có khả năng mua hàng trữ lại, tránh áp lực buộc phải xả hàng dẫn đến bị nước ngoài ép giá”, ông cho biết.

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH lương thực thực phẩm xuất nhập khẩu miền Nam, cho biết đối với nguồn vốn vay mua lúa gạo, ngân hàng hiện áp dụng cho vay thời gian 3-6 tháng, trong đó, doanh nghiệp được xếp loại khá và tốt được vay 6 tháng và 3 tháng với doanh nghiệp không ổn định.

Trong khi đó, từ khi có hợp đồng đến mua gạo chế biến doanh nghiệp mất 30 ngày để chuẩn bị và thêm khoảng 40 ngày giao hàng đối với trường hợp bán hàng cho thị trường châu Phi và thêm 45 ngày để tiền được chuyển về. Điều này, khiến doanh nghiệp bị áp lực buộc phải "xả hàng" càng nhanh càng tốt để đáo nợ ngân hàng. “Tốc độ bán hàng chúng ta phải nhanh mới lấy được tiền trả nợ ngân hàng”, ông nói.

Doanh nghiệp chịu áp lực buộc phải xả hàng, trong khi vụ đông xuân hàng năm, để tiêu thụ hết lượng lúa khoảng 10 triệu tấn, tương đương 5 triệu tấn gạo ở ĐBSCL, doanh nghiệp có thời gian chưa đến 60 ngày, dẫn đến giá giảm mạnh khi rộ đồng, nhưng tăng cao khi kết thúc vụ thu hoạch như thực tế diễn ra hàng năm.

Từ vấn đề nêu trên, doanh nghiệp kiến nghị phía ngân hàng nên có chính sách kéo dài thời gian trả nợ để doanh nghiệp bán gạo có thời gian xử lý, tránh bị nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá, giúp bảo vệ ngành lúa gạo trong nước. “Để ngành lúa gạo ổn định, Chính phủ phải can thiệp với Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời nâng thời gian vay lên 9-12 tháng”, ông kiến nghị.

Thiết nghĩ, để gia tăng sức chịu đựng của ngành hàng lúa gạo, phía Ngân hàng cần nghiên cứu lại thời gian để doanh nghiệp tiếp cận vốn được linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm mang tính mùa vụ của ngành. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thời gian đàm phán bán gạo được giá tốt hơn thay vì phải bán bằng mọi giá để có tiền trả nợ ngân hàng như thực tế diễn ra hiện nay...

Nguồn: thesaigontimes.vn

 

Nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng

Vừa qua, có thời điểm giá thịt lợn biến động, tăng mạnh nhất là đầu tháng 3, nhưng sau đó đã chững lại và giảm dần. Ông Đậu Ngọc Hùng, Trưởng ban Ban Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản, Cục Thống kê cho biết, nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Trưởng ban Ban Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản khuyến cáo, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần theo dõi sát tình hình sản xuất tại địa bàn để có những chính sách, biện pháp kịp thời điều tiết nguồn cung, tập trung tái đàn và kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi ổn định sản xuất tại những khu vực mới.

Cục Thống kê cho biết, vừa qua, có thời điểm giá thịt lợn biến động, tăng mạnh nhất là đầu tháng 3, nhưng sau đó đã chững lại và giảm dần, đến cuối tháng 3 chỉ còn tăng ở một số tỉnh phía Nam.

Dưới góc độ hoạt động thống kê chăn nuôi, ông Đậu Ngọc Hùng cho biết, có một số yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung tác động đến biến động giá thịt lợn trong thời gian qua như: việc thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi: các tỉnh, thành phố, đặc biệt các tỉnh phía Nam đã tiến hành di dời trang trại lớn, chăn nuôi gia công ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi trước ngày 01/01/2025, dẫn đến nhiều trang trại đã tạm dừng hoạt động, hoặc nuôi không hết công suất, từ đó dẫn đến có thể thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Việc phải di dời chuồng trại cũng khiến chi phí tăng lên.

Tiếp đến, những tháng cuối năm 2024, dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên đàn lợn tại một số tỉnh khu vực phía Nam; đặc biệt, đàn lợn nái gây hao hụt một phần tổng đàn và gây tâm lý lo ngại đối với người chăn nuôi. Một bộ phận người chăn nuôi, nhất là ở khu vực chăn nuôi vừa và nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng, nguồn cung con giống cùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh nên tái đàn chậm, thậm chí để trống chuồng.

Ban Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản, đơn cử như: Đồng Nai (chiếm 10% sản lượng lợn cả nước), nhưng sản lượng lợn hơi xuất chuồng quý I/2025 chỉ tăng 0,2% so cùng kỳ, trong khi quý I/2024 tăng 7% (nếu tính theo số đầu con, tháng 3/2025 giảm tới 109 nghìn con so cùng kỳ 2024); TP. Hồ Chí Minh sản lượng giảm 2,6% (đầu con giảm 6,5%); Khánh Hòa sản lượng giảm 5,1%, Long An giảm 4,5%.

Cùng với đó, tháng 2 đàn lợn giảm do các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tăng mạnh xuất bán tiêu dùng dịp Tết và lễ hội đầu năm. Tổng đàn lợn (không kể lợn sữa) cuối tháng 2/2025 ước đạt 26,8 triệu con, giảm gần 360 nghìn con so với cuối tháng Một. 

“Ngoài ra, còn có thể do tích trữ, đầu cơ. Khi giá lợn có xu hướng tăng, người chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn khép kín chuỗi sản xuất kéo dài thời gian nuôi để tăng khối lượng xuất bán chờ giá tăng tiếp, cũng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước sản lượng lợn xuất chuồng quý I/2025 vẫn tăng 5% so cùng kỳ; trong đó, có một số địa phương tăng khá: Gia Lai tăng 18%; Bình Định tăng 7,6%; Hưng Yên tăng 6,9%; Bình Phước tăng 5,8%; Thanh Hóa tăng 5,2%. Số đầu con của cả nước cuối tháng 3 tăng 3,3% so cùng kỳ (tương đương mức tăng của năm 2024). Vấn đề nguồn cung chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương trong một số thời điểm.

Ban Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản, Cục Thống kê cho biết, quý I/2025, tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước ước đạt 3,74%, là mức tăng cao nhất trong quý I của 4 năm gần đây (quý I/2022 tăng 3,36%; quý I/2023 tăng 3,01%; quý I/2024 tăng 3,50%). Mức tăng này cũng gần ngang với kịch bản quý I/2025 của khu vực I trong phương án tăng trưởng GDP cả năm 2025 đạt 8%.

Cục Thống kê nhận định, quý I năm nay, nhiều địa phương có kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tốt hơn cùng kỳ năm 2024, trong đó một số tỉnh có mức tăng trưởng khá cao như: Bạc Liêu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I ước tăng 8,75%, trong đó cây hàng năm tăng 12,8% chủ yếu do địa phương chuyển một phần diện tích lúa Thu Đông năm 2024 sang gieo trồng vụ đông xuân năm 2025 (sản lượng lúa vụ đông xuân tăng 13,8%).

Bên cạnh đó, Đắc Nông tăng 8,73% nhờ chăn nuôi tăng mạnh 18,1%; sản lượng một số cây lâu năm như xoài, cao su, hồ tiêu đạt khá. Hải Dương tăng 7,87%; trong đó, sản lượng cây hàng năm tăng khá, nhất là hành củ, bắp cải, cà rốt, ngô...

Quảng Ninh tăng 7,9%; trong đó, ngành lâm nghiệp tăng cao do sau bão có nhiều diện tích rừng tiếp tục được khai thác, thu dọn để tái thiết rừng. Lạng Sơn tăng 7,23% nhờ sản lượng thịt lợn và gia cầm tăng 11-12%; sản lượng gỗ khai thác tăng 22,5%.

Yên Bái tăng 6,98%, trong đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 8,9% so cùng kỳ; thịt gia cầm tăng 7,7% nhờ chuyển đổi hình thức nuôi truyền thống sang nuôi bán chuyên nghiệp, rút ngắn thời gian nuôi…

Tuy nhiên, cũng có 1 số tỉnh sản xuất nông nghiệp quý I/2025 đạt mức tăng thấp như: Bắc Ninh chỉ tăng 0,26% (cây lâu năm giảm mạnh bị ảnh hưởng bão số 3); Hà Nam tăng 0,42% (một số cây vụ đông diện tích giảm); Bắc Giang tăng 1,05%; Vĩnh Phúc tăng 1,18%. Những tỉnh này nhìn chung có quy mô sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không lớn. 

Tổng hợp tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2025 của các địa phương, cả 63/63 tỉnh, thành phố đều có kết quả tăng so với cùng kỳ; trong đó, hơn 60% số tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của quý I/2024. Qua đó, cho thấy bức tranh có nhiều điểm sáng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tại các địa phương quý I năm nay…

Nguồn: bnews.vn