CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 06/11/2024

01:30 06/11/2024

Giá gạo chạm đáy, Việt Nam tăng nhập khẩu gấp 3,3 lần; - Xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 vượt mốc 1 tỉ đô.

 

Giá gạo chạm đáy, Việt Nam tăng nhập khẩu gấp 3,3 lần

Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu gạo giữa lúc giá mặt hàng này trên thị trường thế giới lao dốc. Trong tháng 10, các doanh nghiệp Việt đã chi 148 triệu USD để nhập khẩu, tăng gấp gần 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 10 vừa qua, nước ta xuất khẩu 0,8 triệu tấn gạo, thu về 505 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 29% và giá trị tăng 27,2%.

Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, giá trị đạt gần 4,86 tỷ USD - mức cao kỷ lục lịch sử. Lượng gạo xuất khẩu tăng 10,2% và giá trị tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong 10 tháng qua, các doanh nghiệp Việt đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập mặt hàng này, tăng tới 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, chỉ trong tháng 10/2024, giá trị nhập khẩu gạo vọt lên 148 triệu USD, tăng 225%, tương đương gấp gần 3,3 lần so với tháng 10/2023.

Chuyên gia của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước ngày càng lớn, trong khi Việt Nam đang theo đuổi chương trình cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng tăng diện tích các giống lúa chất lượng cao nên việc tìm nguồn hàng mới với giá rẻ để nhập về cũng là điều dễ hiểu.

Theo đó, gạo nhập khẩu về chủ yếu dùng loại gạo tấm có giá rẻ của Ấn Độ dùng để làm bánh, bún, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, doanh nghiệp Việt còn nhập khẩu gạo từ Campuchia, Myanmar, Pakistan với giá thấp hơn so với gạo trong nước. 

Đáng chú ý, giá gạo trên thị trường thế giới đang lao dốc, về mức đáy nên các doanh nghiệp cũng tranh thủ đẩy mạnh nhập khẩu. Đây cũng là một phần nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu gạo tháng 10 tăng đột biến.

Dữ liệu từ VFA cho thấy, chốt phiên giao dịch ngày 30/10, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 524 USD/tấn, hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan giảm lần lượt còn 486 USD/tấn và 461 USD/tấn.

Đáng chú ý, sau khi Ấn Độ gỡ bỏ giá sàn xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của quốc gia này lập tức lao dốc chỉ còn 444 USD/tấn.

Hiện, giá gạo 5% tấm của 4 quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới là Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đều chạm đáy trong vòng một năm qua.

Các loại gạo 25% và 100% tấm của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan cũng giảm mạnh và thấp hơn giá gạo cùng loại của Việt Nam từ 6-72 USD/tấn.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 vượt mốc 1 tỉ đô

Trong tháng 10 vừa qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6-2022, xuất khẩu thủy sản theo tháng vượt qua mốc 1 tỉ đô la Mỹ.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính đến cuối tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đạt 8,27 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu tăng cao, xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 đã ghi nhận những kết quả khả quan tại nhiều thị trường. Các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và EU cũng có mức tăng trưởng đáng kể, lần lượt là 31%, 22% và 27%.

Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong tăng 37%. Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang hai thị trường này và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu duy trì đà tăng trưởng này, Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vào cuối năm 2024.

Thời gian qua, tôm và cá tra nổi lên như hai mặt hàng chủ lực với mức tăng trưởng ấn tượng. Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 13%, trong khi cá tra đạt gần 1,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 10%.

Trong nhóm sản phẩm hải sản, cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm. Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu cua ghẹ và các giáp xác khác tăng 58%, trong khi nhuyễn thể có vỏ tăng tới 138%.

Lũy kế 10 tháng, hai nhóm sản phẩm này đã đạt doanh thu lần lượt là 267 triệu đô la Mỹ và 173 triệu đô la Mỹ, tăng 66% và 58%. Sự tăng trưởng này một phần là do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp

Mặc dù ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 10, xuất khẩu cá ngừ, mực và bạch tuộc lại có dấu hiệu chững lại so với nửa đầu năm. Việc thực hiện nghị định 37 đã gây ra những trở ngại lớn cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là đối với cá ngừ vằn, khiến ngư dân e ngại và hạn chế việc khai thác, dẫn đến nguồn cung cho các nhà máy chế biến bị thiếu hụt.

Ngành hải sản Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của cuộc thanh tra IUU của EU dự kiến vào tháng 11. Nếu vượt qua được đợt thanh tra này, ngành sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ và đạt được mục tiêu doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ như năm 2022.

Nguồn: thesaigontimes.vn