CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 05/07/2024

04:30 05/07/2024

Chi gần 3.900 tỷ đồng nhập khẩu, nho ngoại tràn ngập chợ Việt giá rẻ như rau; - ‘Vua trái cây Việt’ thu về hơn 1 tỷ USD chỉ trong 2 tháng; - Măng cụt mất mùa, rớt giá; - Vì sao cá tra ‘quá lứa’ hấp dẫn hơn cá đạt chuẩn bán Âu, Mỹ?

 

Chi gần 3.900 tỷ đồng nhập khẩu, nho ngoại tràn ngập chợ Việt giá rẻ như rau

Sản lượng trong nước không đáng kể, Việt Nam đã chi ra gần 3.900 tỷ đồng để nhập khẩu nho. Thời điểm này, nho ngoại được bày bán tràn ngập chợ Việt, có loại giá bán rẻ như rau.

Nước ta có vùng trồng nho rất nổi tiếng, nhưng sản lượng khá khiêm tốn so với nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thế nên, hàng năm, nho luôn nằm trong top đầu các loại quả được nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất.

Năm ngoái, sau táo, loại quả nhập về Việt Nam nhiều thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD (khoảng gần 3.900 tỷ đồng), chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây của nước ta.

Thời điểm này, chưa có con số thống kê cụ thể về kim ngạch nhập khẩu nho, song loại quả này luôn phủ sóng thị trường Việt. Tại siêu thị, cửa hàng trái cây, chợ truyền thống cho đến “chợ online” rao bán hàng chục loại nho được nhập khẩu từ Nhật Bản, Úc, Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là nho nhập từ Trung Quốc.

Theo đó, không chỉ 1-2 loại mà tại thị trường Việt có đến gần chục loại nho Trung Quốc đang rao bán như: nho sữa, nho sữa bắp đen, nho Ruby, nho đỏ, nho xanh… Đáng chú ý, so với mặt hàng nho nhập khẩu bán trên thị trường, các loại nho xuất xứ từ Trung Quốc thường có giá rất rẻ, thậm chí là siêu rẻ.

Chị Nguyễn Thị Như (đầu mối bán trái cây tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nho Trung Quốc đang rộ vụ thu hoạch nên dịp này chị nhập về bán đủ loại từ nho sữa, nho đỏ đến nho bắp.

Như hôm nay, chị bán nho Ruby không hạt và nho đỏ với giá chỉ 50.000 đồng/kg; nho sữa bắp rẻ như rau, chỉ 130.000 đồng/thùng 6-7kg (khoảng 20.000 đồng/kg). Cách đây 2 ngày, chị về dòng nho sữa thùng 3-4 bắp (chùm) bán với giá 200.000 đồng, tính ra chỉ khoảng 70.000 đồng/kg.

“Các loại nho Trung Quốc giá đều rất rẻ. Đặc biệt, năm nay mới chớm vụ nho sữa nhưng hàng đổ bộ sang chợ Việt, giá rẻ hơn năm trước rất nhiều”, chị chia sẻ. Bởi vậy, lượng nho tiêu thụ tăng khá mạnh. Trung bình một ngày cả bán sỉ lẫn bán lẻ chị Như tiêu thụ hết trên dưới 1 tấn hàng. Đặc biệt, cuối tuần vừa qua, chị về lô nho sữa 1,5 tấn, rao bán chưa đầy 1 ngày đã “cháy hàng”.

Chị Thu Quỳnh - nhân viên chốt đơn tại một hệ thống cửa hàng trái cây lớn ở Hà Nội - cũng thừa nhận, rất nhiều loại nho nhập khẩu đang được bày bán tại hệ thống cửa hàng. Song, đắt khách nhất vẫn là dòng nho sữa Trung Quốc vì có giá rẻ.

Theo chị Quỳnh, nho sữa đổ về chợ Việt có rất nhiều loại, giá dao động từ 60.000-140.000 đồng/kg. Tại hệ thống cửa hàng chị đang làm việc, tuỳ vào mỗi lô hàng mà có giá khác nhau.

Chị dẫn chứng, lô nho sữa ngày 1/7 cửa hàng nhập về đóng theo hộp trọng lượng 1,5kg bán với giá chỉ 100.000 đồng/hộp. Cửa hàng về 2.500 hộp mà vẫn “cháy hàng”. Bởi, nho sữa đầu vụ giá rẻ, ăn giòn ngọt lại thơm vị sữa nên khách đa phần đặt mua một lần 2-3 hộp. Thậm chí, có những khách còn mua tới 5-10 hộp một lần.

Sáng qua, cửa hàng về dòng nho sữa 600-700 gram/chùm bán với giá 65.000 đồng/chùm. Khách cũng ồ ạt chốt mua gần 3.000 chùm, chị Quỳnh cho hay.

Cũng giống như táo, chị Quỳnh cho biết, nho là trái cây được nhập khẩu quanh năm chứ không theo mùa. Tuy nhiên, mùa hè là cao điểm, ở các nước nho vào vụ thu hoạch nên hàng đổ về Việt Nam với số lượng lớn. Theo quy luật, khi hàng về càng nhiều giá sẽ càng rẻ. Thế nên, chị dự đoán sắp tới nho sữa sẽ còn rẻ hơn bây giờ rất nhiều.

Nguồn: vietnamnet.vn

‘Vua trái cây Việt’ thu về hơn 1 tỷ USD chỉ trong 2 tháng

Được mệnh danh là “vua trái cây Việt”, chỉ trong tháng 5 và 6, sầu riêng đã thu về hơn 1 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu.

Với diện tích khoảng 151.000 ha, sầu riêng được trồng tại nhiều tỉnh thành ở nước ta. Năm nay, sản lượng sầu ước khoảng 1,5 triệu tấn.

Loại trái cây này của nước ta thu hoạch rải vụ, có quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Song, cao điểm thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Tức, thời điểm này đã bước vào chính vụ thu hoạch nên sầu riêng xuất khẩu tăng mạnh.

Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai), lượng hoa quả tươi xuất khẩu trung bình mỗi ngày khoảng 100 xe, thì đến hơn 90 xe là sầu riêng.

Hiện, giá sầu riêng Monthong có giá khoảng 90.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 khoảng 60.000 đồng/kg, tức mỗi xe hàng xuất khẩu có giá trị từ 1,1-1,5 tỷ đồng. Hồi đầu năm nay, thời điểm nghịch vụ giá sầu riêng chạm mốc 200.000 đồng/kg, giá trị xuất khẩu của mỗi xe hàng lên tới 3,5 tỷ đồng.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu sầu riêng đang tăng rất mạnh. Trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng trước đó và tăng 34% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.

Còn trong tháng 6/2024, lượng sầu riêng xuất khẩu ước đạt 600 triệu USD. Tức, chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng, nước ta đã thu về 1,05 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu sầu riêng.

Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,5 tỷ USD. Theo đó, sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu chủ lực của nước ta. Hiện, kim ngạch sầu riêng gấp gần 4 lần so với thanh long - loại quả từng giữ vị trí đầu bảng trong nhóm rau quả xuất khẩu.

Theo ông Nguyên, Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam. Song, ông cảnh báo doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn về mã số vùng trồng cũng như chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này.

Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chân chính.

Theo tính toán, với sản lượng sầu riêng của nước ta, năm nay xuất khẩu loại quả này sẽ đạt 3 tỷ USD. Nếu ký được nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Một số nhà vườn ở miền Tây cho biết, năm nay, năng suất sầu riêng giảm so với năm ngoái, trung bình chỉ đạt khoảng 15 tấn/ha. Tuy nhiên, giá sầu khá cao, dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg. Do đó, nông dân vẫn lãi khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha tuỳ năng suất và giá bán sau khi trừ đi chi phí sản xuất.

Nguồn: vietnamnet.vn

Măng cụt mất mùa, rớt giá

Sản lượng măng cụt tại nhiều địa phương giảm do mất mùa và giá tại vườn hạ một nửa so với cách đây 3 tháng, dao động 25.000-40.000 đồng một kg.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, chủ một vườn măng cụt ở Bình Dương, chia sẻ thu hoạch năm nay kém hẳn mọi năm. 50 gốc măng vườn nhà ông mỗi ngày cho chưa tới 10 kg trái dù vào chính vụ, giá bán cho thương lái quanh 30.000 đồng một kg.

"Măng cụt mất mùa, giá giảm nên vài ngày qua tôi hái đem ra chợ bán lẻ để được cao hơn", ông Tuấn cho biết.

Tương tự, vườn măng cụt gần 100 gốc của gia đình bà Liên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho lượng trái giảm 7-8 lần so với năm ngoái. "Mỗi cây vụ năm trước cho 20-30 kg trái, nhưng nay chỉ vài kg, thậm chí nhiều cây không có trái nào", bà Liên cho biết. Thay vì bỏ mối cho thương lái, gia đình bà bán online với giá 110.00 đồng 3 kg.

Tại các địa phương khác như Hậu Giang, Cần Thơ, các nhà vườn cho biết sản lượng măng cụt thu hoạch giảm 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, nhiều nhà vườn ghi nhận thu hoạch giảm tới 60%, theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương và Cần Thơ.

Huyện Phong Điền có 178 ha trồng măng cụt, chiếm một nửa diện tích loại quả này của tỉnh Cần Thơ. Sản lượng trái tại đây bình quân khoảng 1.200-1.300 tấn một năm, nhưng mùa vụ này giảm còn vài trăm tấn.

Măng cụt Lái Thiêu được bán trên các chợ online với giá sỉ 115.000 đồng 3 kg. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nắng nóng và thiếu nước là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, sản lượng trái, theo cơ quan quản lý. Nguồn cung ít nhưng giá bán tại vườn rất thấp, khoảng 25.000-40.000 đồng mỗi kg. Mức này giảm một nửa so với cách đây 3 tháng và thấp hơn khoảng 10% cùng thời điểm năm ngoái.

Chị Loan, một thương lái thu mua măng cụt Việt, cho biết thời tiết thất thường khiến măng đậu quả thấp, giá giảm vì chất lượng trái kém hơn mọi năm. Trong khi đó, hàng Thái Lan được nhập về nhiều, buộc các nhà buôn phải bán măng cụt Việt rẻ hơn để cạnh tranh. "Tôi nhập 3-4 tạ măng cụt Lái Thiêu nhưng khi bỏ sỉ, các đầu mối đều chê hàng xấu, nên phải giảm giá mới hết hàng trong ngày", chị Loan chia sẻ.

Tại các kênh bán buôn nông sản trực tuyến ở TP HCM, mỗi kg măng cụt Việt Nam được các đầu mối bỏ sỉ 40.000 đồng hàng loại to, 27.000-28.000 đồng loại nhỏ. Mức này rẻ hơn hàng Thái khoảng 10.000 đồng một kg.

Còn tại các chợ lẻ, giá măng cụt Lái Thiêu (Bình Dương) dao động 55.000-60.000 đồng một kg, thấp hơn 30% so với đầu vụ hồi tháng 4 và cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM) cho biết hàng Thái về chợ vẫn chiếm phần lớn, giá sỉ 40.000-60.000 đồng mỗi kg tùy loại. Còn măng cụt Việt hàng về ít, đa phần nhà vườn hoặc thương lái giao trực tiếp cho khách thay vì bán qua chợ

Nguồn: vnexpress.net

Vì sao cá tra ‘quá lứa’ hấp dẫn hơn cá đạt chuẩn bán Âu, Mỹ?

Thông thường, cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu sẽ có giá bán tốt hơn so với cá “quá lứa”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cá “quá lứa” lại tiêu thụ tốt và có giá bán cao hơn. Đâu là lý do dẫn đến hiện tượng này?

Cá tra nguyên liệu “quá lứa” được biết đến là cá lớn, có trọng lượng từ 1,2 kg/con trở lên, trong khi loại đạt tiêu chuẩn bán cho thị trường Mỹ, châu Âu là cá nhỏ, có trọng lượng từ 0,85-1 kg/con.

Những năm trước đây, khi thị trường tiêu thụ khó khăn, giá bán xuống thấp nông dân mới “neo lại chờ giá”, dẫn đến cá bị “quá lứa”. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, cá “quá lứa” lại được tiêu thụ tốt hơn so với cá nhỏ…

Cá “quá lứa” hút hàng!

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn (KTSG) Online, ông Trần Tuấn Nhiêu, hộ nuôi và kinh doanh cá tra quy mô lớn, có liên kết sản xuất với nông dân ở Vĩnh Long và Đồng Tháp xác nhận, cá lớn đang được doanh nghiệp tiêu thụ tốt và có giá bán cao hơn so với cá nhỏ.

Cụ thể, cá tra nguyên liệu loại 1,2-1,4 kg/con (cá lớn) dù đã giảm 300-400 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 5-2024, nhưng đang được bán tiền mặt với giá 28.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá nhỏ từ 0,85-1 kg/con có giá chỉ 26.000 đồng/kg, tức cá lớn đang có giá cao hơn 2.000 đồng/kg.

Nhiều người đặt ra vấn đề, vì sao giá cá tra nguyên liệu “quá lứa” lại hấp dẫn hơn so với loại đạt tiêu chuẩn bán vào những thị trường cao cấp như: Mỹ, châu Âu?

Theo ông Nhiêu giải thích, từ tháng 7 đến 10 năm nay là thời điểm cá nhỏ từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) cung cấp ra thị trường nhiều, khiến phân khúc sản phẩm này từ Việt Nam bán sang bị hạn chế, trong khi cá lớn bán vẫn tốt. Nếu Trung Quốc tiếp tục nuôi cũng không tăng trọng thêm vì thời tiết lạnh đây là lý do khiến giá cá tra nguyên liệu loại lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiêu thụ tốt và có giá bán cao hơn.

Hiện tại, cá tra nguyên liệu loại nhỏ (0,85-1 kg/con) được chế biến xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhưng do cước tàu biển vận chuyển sang khu vực này tăng cộng với việc tiêu thụ khó khăn, cho nên, khiến cá nhỏ ở trong nước tiêu thụ chậm.

Số liệu báo cáo về tình hình xuất khẩu cá tra sang châu Âu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang đây trong tháng 5-2024 đạt 14 triệu đô la Mỹ, giảm 16% so với cùng kỳ. Điều này, khiến lũy kế xuất khẩu cá tra sang châu Âu 5 tháng đầu năm đạt 70 triệu đô la Mỹ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạc quan những tháng cuối năm

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước trong tháng 5-2024 đạt 167 triệu đô la Mỹ, tăng 5% so với cùng kỳ. Điều này, giúp đưa luỹ kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2024 đạt 747 triệu đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2024 đạt 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 200 triệu đô la Mỹ so với kỳ. Trong khi đó, về sản xuất, thì diện tích nuôi đạt 5.700 héc ta, với sản lượng thu hoạch đạt 1,7 triệu tấn, đạt tương đương so với năm trước đó.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nhiêu cho biết, do tác động của xâm nhập mặn nên diện tích sản xuất ở một số địa phương như: Bến Tre, Trà Vinh đã bị thu hẹp đáng kể. “Ước sản lượng toàn vùng sẽ giảm khoảng 30% so với cùng kỳ”, ông ước tính.

Tuy nhiên, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho rằng, sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2024 khả năng sẽ được giữ ổn định như cùng kỳ. Bởi lẽ, hai địa phương sản xuất trọng điểm của ĐBSCL là Đồng Tháp và An Giang có tỷ lệ nuôi thành công rất cao.

Theo ông Văn, năm ngoái cá nuôi bị nhiễm ký sinh trùng rất nhiều, tỷ lệ sống chỉ 40%, thậm chí có ao là 25%, nhưng nửa đầu năm nay phát triển tốt, thậm chí lên 90% đối với những ao cá được chích vaccine. “Tôi nuôi nhiều năm, nhưng chưa từng thấy năm nào thuận lợi như hiện nay, cá không bệnh và phát triển rất nhanh”, ông nói.

Dự báo của vị Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, từ nay đến cuối năm xuất khẩu cá tra thuận lợi hơn khi các loại cá thịt trắng trên thế giới như cá rô phi, cá lóc tăng cao, giúp “kích thích” người tiêu dùng quay lại cá tra nhiều hơn.

Trước bối cảnh nêu trên, theo ông Văn, nếu sản lượng nguyên liệu giảm 5%, giá xuất khẩu có khả năng sẽ tăng 10% và nếu sản lượng giảm 10% giá sẽ tăng 20%. “Thậm chí, chỉ cần sản lượng không tăng giá xuất khẩu cũng sẽ tăng”, ông nói.

Trao đổi với KTSG Online, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)- đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản- dự báo, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, ngành cá tra có những triển vọng tăng trưởng nhất định. Bởi lẽ, sau một thời gian gặp khó khăn về nhu cầu tiêu thụ, suy thoái kinh tế cũng như tồn kho, thì một điểm “cân bằng mới” đang được tạo ra khi cầu tăng lên.

Cụ thể, với cơ cấu thị trường xuất khẩu lớn của ngành cá tra Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, thì nhu cầu ở những thị trường này đang phục hồi nên giai đoạn cuối năm ngành cá tra sẽ “dễ thở” hơn so với giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024. “Nhu cầu thực tế là có cộng với một mức giá hợp lý, tức không quá cao cũng không quá thấp nên sản phẩm cá tra vẫn là chọn lựa và sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại”, ông nhấn mạnh.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cũng đánh giá, triển vọng xuất khẩu cá tra 6 tháng cuối năm nay tiếp tục tăng như đã diễn ra trong tháng 5 và 6-2024.

The ông Quốc, thị trường cá tra hiện đã chạm đáy, tức không thể xuống thấp hơn nên chắc chắn sẽ phục hồi, nhất là khi nguồn nguyên liệu suy giảm trong khi thị trường tăng mua. “Báo cáo hiện nay cho thấy, đơn hàng xuất khẩu đã tăng trở lại, nhưng còn phụ thuộc vào quá trình thực hiện”, ông cho biết.

Ông Nhiêu thì cho rằng, tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới. “Nếu đầu ra xuất ổn định, cá tra sẽ khởi sắc hơn, bởi dù bị cạnh tranh bởi Trung Quốc, Malaysia, thậm chí Campuchia, nhưng chất lượng cá tra Việt Nam đẹp hơn, thịt trắng, không ai thay thế được”, ông nhấn mạnh.

Nguồn: thesaigontimes.vn