CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 03/04/2025

01:30 03/04/2025

Sản phẩm thịt, trứng gia cầm chính thức được nhập khẩu vào Singapore; - Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam vừa hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng; - Vì sao giá gà thịt "chạm đáy" khi thịt heo lại là "hàng xa xỉ", người nuôi gà bán cắt lỗ?./.

 

Sản phẩm thịt, trứng gia cầm chính thức được nhập khẩu vào Singapore

Singapore chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu một số loại sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Thông tin này được kỳ vọng tạo ra cú hích đáng kể cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho hay, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) có văn bản chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu một số loại sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam.

Theo đó, các sản phẩm được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường này bao gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt của Công ty CPV Food Co LTd và Công ty MeatDeli HN Company Ltd; và trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao theo khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y.

Việc Singapore mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm thịt và trứng của Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai quốc gia.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt hơn 533 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023. Về phía Singapore, theo số liệu do Cơ quan chức năng Singapore công bố định kỳ, năm 2024 Singapore nhập khẩu từ thế giới hơn 3,87 tỷ SGD giá trị các mặt hàng thịt và trứng gia cầm. Trong đó giá trị các mặt hàng thịt tươi sống, giữ mát hoặc đông lạnh là hơn 1,69 tỷ SGD; giá trị các mặt hàng thịt đã qua chế biến là 216 triệu SGD và giá trị các mặt hàng trứng gia cầm là hơn 261 triệu SGD.

Singapore hiện tại mới chỉ tự chủ được khoảng 10% tổng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nội địa, 90% còn lại là nhập khẩu từ nước ngoài. Việc đảm bảo an ninh lượng thực là một trong những chiến lược quan trọng hàng đầu của Singapore.

Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Singapore, các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm định, đánh giá thực địa và trực tuyến nghiêm ngặt.

Hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Meatdeli Hà Nội, Công ty TNHH CPV Food đã đầu tư đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn của SFA (bao gồm hệ thống an toàn thực phẩm, quy định vận hành tiêu chuẩn, khả năng truy xuất nguồn gốc và đào tạo công nhân). Sản phẩm của 2 doanh nghiệp này được chấp thuận xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến nhiệt sang Singapore.

Việt Nam là quốc gia sản xuất nhiều nông sản chất lượng tốt và giá cả phù hợp, nhất là trái cây các loại, thịt gà và trứng gà. Thương vụ Việt Nam tại Singapore đánh giá, thành công này là minh chứng cho thấy các sản phẩm chăn nuôi nói riêng, sản phẩm nông sản nói chung của Việt Nam có khả năng và tiềm năng lớn trong việc chinh phục các thị trường khó tính.

Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới, do đó, việc xuất khẩu sang thị trường Singapore cũng là bước đà để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn của Singapore...

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn

 

Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam vừa hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng

Xuất khẩu rau quả quý I năm nay chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD, hụt tới hơn 2.800 tỷ đồng so với kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu rau quả là do mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thị trường quốc tế.

Xuất khẩu rau quả sụt giảm do đâu?

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 3 ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả quý I đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy tính cả quý, các doanh nghiệp Việt đã hụt thu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.

Mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng 44,5%. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng lần lượt là 9,6% và 6%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 2 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc giảm 38,9%, thị trường Hoa Kỳ tăng 65,5%, thị trường Hàn Quốc tăng 0,1%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh nhất ở thị trường Anh với mức tăng 77,8%.

Dù xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2024, ngành rau quả vẫn duy trì được cán cân thương mại dương, với xuất siêu đạt gần 562 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, việc xuất khẩu rau quả sụt giảm trong quý I là bức tranh trái ngược hoàn toàn so với năm trước. Trong năm 2024, xuất khẩu rau quả liên tục tăng từ đầu năm, giúp ngành hàng rau quả thu doanh số kỷ lục với hơn 7,1 tỷ USD.

Ông Nguyên lý giải nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu rau quả là do mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thị trường quốc tế.

Từ đầu năm nay, Trung Quốc bất ngờ yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.

Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) cũng phải chịu tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20% do nhiều lần không tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tìm hướng đi mới

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&MT - cho biết, hiện Bộ đang thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để đưa xuất khẩu sầu riêng quay trở lại đà tăng trưởng. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp&MT cũng đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu quốc tế và thúc đẩy mở rộng các thị trường mới.

Bộ Nông nghiệp&MT khuyến cáo người dân, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tuyệt đối không sử dụng các hóa chất bị cấm hoặc để mức dư lượng tối đa cho phép vượt ngưỡng theo quy định của nước nhập khẩu; cần có các chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm tại vườn, vùng trồng và tại các cơ sở đóng gói, chế biến, bảo quản để xuất khẩu thuận lợi hơn.

Cuối tháng 3, có 24 tấn sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là lô hàng sầu riêng đông lạnh đầu tiên được xuất khẩu kể từ khi Trung Quốc và Việt Nam ký nghị định thư vào tháng 8/2024. Điều này mở ra cơ hội mới để loại trái cây tỷ đô này phủ sóng thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới.

Trên thị trường, sầu riêng đông lạnh xuất khẩu loại 1 có mức giá bình quân 140.000 - 180.000 đồng/kg. Vì vậy, giá trị mỗi container sầu riêng đông lạnh ở mức 7 - 8 tỷ đồng, gấp 3 - 4 lần sầu riêng tươi.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện tại xuất khẩu sầu riêng đông lạnh hiện vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Nguyên nhân do sầu riêng đông lạnh cũng phải tuân thủ quy định về kiểm định vàng O và cadimi.

Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, việc đảm bảo nhiệt độ cho sầu riêng đông lạnh cũng là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. Nếu không duy trì nhiệt độ lõi ở dưới mức -18 độ C, hàng hóa có thể bị hỏng và không đảm bảo được chất lượng.

Nguyễn Quang Hiếu - Cục phó Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp&MT - cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam đạt các điều kiện xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn đối với sản phẩm sầu riêng. Ngoài ăn tươi, sầu riêng được dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, làm kem thậm chí đưa vào nấu lẩu, nên dự báo sản lượng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Nguồn: tienphong.vn

 

Vì sao giá gà thịt "chạm đáy" khi thịt heo lại là "hàng xa xỉ", người nuôi gà bán cắt lỗ?

Từ tháng 10/2024 đến nay, giá gà thịt xuất chuồng thấp kỷ lục, có thời điểm xuống còn 40.000 - 45.000 đồng/kg. Theo tính toán, bình quân 1kg gà thịt, nuôi 3-4 tháng, chi phí sản xuất từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Nếu bán giá dưới 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi "hòa vốn là may”.

Giá gà thịt giảm, chủ trang trại bán cắt lỗ

Trái ngược với chăn nuôi lợn đang cho thu lãi cao, từ tháng 10/2024 đến nay, người chăn nuôi gà "khóc ròng" khi giá rớt thê thảm. Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi gà phải gồng mình gánh lỗ, tạm ngưng tái đàn bởi giá bán ra thấp hơn giá thành sản xuất.

Hơn 10 năm nay, với gần 1.000m2 đất chuyển đổi, anh Phạm Văn Tuân, xã Quang Trung, huyện Hưng Hà (Thái Bình) thường xuyên duy trì nuôi 6.000 gà thịt mỗi lứa tại 4 ô chuồng, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của giá gà xuống thấp và kéo dài, nhất là dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua khiến anh Tuân không dám tái đàn.

Anh Tuân chia sẻ: "Bình thường chúng tôi nuôi 1 lứa chậm nhất cũng chỉ 3 - 4 tháng là xuất bán hết nhưng năm nay phải 7 - 8 tháng mới tiêu thụ được, giá bán thấp kỷ lục nên không có lãi".

Theo đó, giá gà xuống thấp từ những tháng cuối năm 2024, có những thời điểm xuống chỉ còn 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, bình quân 1kg gà thịt, thời gian nuôi 3 - 4 tháng, chi phí sản xuất hết từ 55.000 - 60.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Nếu xuất bán với mức giá dưới 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi chỉ hòa vốn, không có lãi. Giá xuống thấp, thị trường khó tiêu thụ, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi tính đến việc giảm đàn hoặc chuyển hướng đầu tư vào vật nuôi khác.

Tương tự, tại tỉnh Hòa Bình, giá gà trên thị trường giảm mạnh đã khiến nhiều trang trại, hộ chăn nuôi gà phải gồng mình gánh lỗ, tạm ngưng tái đàn bởi giá bán ra thấp hơn giá thành sản xuất.

Anh Vũ Tiến Sỹ, thành viên HTX nông nghiệp công nghệ cao Hải Đăng, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) cho biết, trong mấy chục năm nuôi gà tôi chưa bao giờ thấy giá bán và lượng tiêu thụ giảm nhiều như năm nay. Hiện tại HTX còn tồn vài nghìn con gà. Đây là lứa gà bán dịp Tết nhưng do không bán được nên các hộ vẫn phải nuôi chờ khách mua.

Mỗi ngày lượng gà này tiêu thụ 20 bao cám, giá 300 nghìn đồng/bao. Như vậy, mỗi ngày HTX mất 6 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Theo tính toán, nếu gà giá bán 72.000 đồng/kg thì người chăn nuôi hòa vốn, giá cao hơn thì mới có công, có lãi, còn nếu giá như bây giờ người chăn nuôi lỗ nặng.

"Không chỉ giá gà giảm mà người mua cũng ít. Trước đây tư thương mỗi chuyến bắt khoảng 1 tấn nhưng bây giờ chỉ khoảng 3 tạ", anh Sỹ nói. Trước thực trạng đó, 11 thành viên nuôi gà của HTX không dám vào giống, tái đàn. Lò ấp trứng dừng hoạt động vì giá gà thịt và gà giống xuống thấp.

Còn tại Hà Nội, các thành viên của HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì cũng "đứng ngồi không yên" khi giá gà đang xuống thấp trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết, mỗi lứa, HTX nuôi khoảng 120.000 con gà ri lai mía theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, thị trường ảm đạm, sức mua kém, một số thành viên trong HTX không dám vào đàn.

Thời điểm này năm ngoái, dù giá gà có giảm nhẹ nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi. Gà chưa đến lứa xuất chuồng thương lái đã đặt mua hết. Năm nay thì không còn được như vậy, nếu như năm ngoái giá gà 100.000 - 120.000 đồng/kg thì hiện nay giá gà thả vườn của HTX giảm còn 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng rất khó bán. Nhiều thành viên HTX phải mang gà ra chợ bán bớt để giảm chi phí thức ăn.

Gà thịt "Cung đang vượt cầu", chả bù cho giá thịt lợn

Theo tìm hiểu của Dân Việt, mặc dù, giá gà trong nước giảm mạnh, nhiều hộ, HTX gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ, trong khi đó, theo số liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 1/2025, Việt Nam nhập khẩu 74,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 156,68 triệu USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 13,4% về trị giá so với tháng 1/2024.

Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 20,92% trong tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu, với số lượng đạt 15,5 nghìn tấn, trị giá 52,4 triệu USD, giảm 25,6% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với tháng 01/2024.

Sau thị trường Ấn Độ, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam từ nhiều thị trường trong tháng 01/2025 tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với tháng 1/2024 như: Nga, Hoa Kỳ, Brazil, Canada, Ba Lan, Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) …

Trong tháng 1/2025, các chủng loại thịt Việt Nam chủ yếu nhập khẩu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 39,98% về lượng và chiếm 21,2% về trị giá; thịt trâu tươi đông lạnh chiếm 19,74 về lượng và chiếm 31,99% về trị giá; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 18,46% về lượng và chiếm 12,06% về trị giá; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 16,95% về lượng và chiếm 21,54% về trị giá; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 3,35% về lượng và chiếm 12% về trị giá; các mặt hàng khác chiếm 1,51% về lượng và chiếm 1,21% về trị giá.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quý Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, nguồn cung đang quá dư thừa là nguyên nhân chính dẫn đến giá gà xuống thấp trong thời gian qua.

Theo ông Khiêm, từ sau đại dịch Covid-19, kinh tế đã từng bước được phục hồi, nhu cầu về sử dụng thịt gia cầm tăng mạnh, vì vậy, các doanh nghiệp và người chăn nuôi đã tập trung tăng đàn.

Bên cạnh đó, những năm trở lại đây tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tăng cao, cộng với các quy định về điều kiện, khu vực được phép chăn nuôi của Luật chăn nuôi 2018 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025, dẫn đến nhiều nông hộ đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, tháng 9/2024, để phục hồi sản xuất sau khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, các doanh nghiệp và người chăn nuôi đã đẩy mạnh tăng đàn, điều này dẫn đền từ cuối năm 2024 đến nay, nguồn cung thịt gia cầm rất lớn, trong khi thị trường chỉ đáp ứng được một phần, đã đẩy giá gà xuống thấp.

Cũng theo ông Khiêm, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan chức năng, cùng với các địa phương đã tập trung ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, tuy nhiên, các đối tượng vẫn có những thủ đoạn tinh vi để tuồn con giống lậu, gà thải loại... vào nội địa, điều này đã tạo ra áp lực rất lớn đối với chăn nuôi gia cầm trong nước.

Dự báo về thị trường thời gian tới, ông Khiêm cho rằng, sau khi giá đã xuống quá thấp, thị trường sẽ dần hồi phục trở lại. Ông cũng khuyến cáo, người chăn nuôi cần xem xét, tìm hiểu kỹ thị trường, không nên tăng đàn ồ ạt, định hướng nuôi phù hợp với quy mô. Với đàn gà hiện có, cần tập trung khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y phòng bệnh để giữ năng suất để khi giá phục hồi trở lại thì sẽ có nguồn cung ra thị trường, từ đó bù lại những tháng thiệt hại do giá rẻ.

Nguồn: danviet.vn