CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Vệ sinh an toàn thực phẩm

Tăng cường ngăn chặn nhập lậu gia cầm, vận chuyển trái phép và phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm

06:00 01/03/2023

Thực hiện Công văn số 179/UBND-KTN ngày 26/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm;

An Giang là tỉnh có đường biên giới dài khoảng 100km tiếp giáp Campuchia hiện dịch bệnh Cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Prey Veng và có xu hướng lan rộng, nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT cấp bách triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, lưu ý thực hiện các nội dung sau:

1. Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,, thành phố thực hiện các nhiệm vụ:

- Chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Tổ Thủy sản và Ban Nông nghiệp các xã, phường, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh. Kết hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với việc giám sát dịch bệnh và tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền tính chất nguy hiểm của Cúm A/H5N1; vaccine phòng bệnh Cúm gia cầm hiện nay là miễn phí và có chủng, nhánh virus đảm bảo mức bảo hộ cao, phù hợp; không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Khi phát hiện gia cầm chết do bệnh hoặc nghi bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn gần nhất hoặc nhân viên chăn nuôi thú y trên địa bàn để xử lý kịp thời, tuyệt đối không vứt xác gia cầm chết xuống kênh, rạch.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus khác theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm. Tích cực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến hành kiểm tra, giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện và xử lý tốt góp phần ngăn chặn dịch bệnh tái phát và lây lan.

- Củng cố Đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 (phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn quản lý; đặc biệt ở các huyện biên giới, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Nghiêm cấm việc mua, bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ Campuchia vào Việt Nam.

2. Chi cục Chăn nuôi và Thú y

- Tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến đường giao thông, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, thực hiện giám sát sự lưu hành của virus Cúm gia cầm để cảnh báo và làm cơ sở chỉ đạo phòng, chống dịch, kịp thời xử lý; cần thiết tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm cảnh báo cộng đồng.

- Tập trung quyết liệt triển khai tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm (H5N1) từ đầu tháng 03/2023 và thường xuyên, liên tục đến cuối năm 2023; lưu ý tiêm phòng các đàn gia cầm mới phát sinh, đảm bảo đạt tỷ lệ an toàn tuyệt đối theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn quản lý; đặc biệt ở các huyện biên giới, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

- Thực hiện báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh từ cơ sở bằng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch làm lây lan dịch bệnh.

- Chuẩn bị nguồn lực, vật tư, hóa chất, nguồn vaccine miễn phí, bảo hộ lao động cần thiết ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

- Khẩn trương rà soát các điểm mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đúng theo quy định, tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ; tuyên truyền vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y.

- Chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu cũng như Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông tăng cường công tác kiểm dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm sống, sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT tích cực triển khai thực hiện các nội dung trên.

Xem Văn bản chi tiết

Công văn số: 400/SNNPTNT-CCCNTY, ngày 01/3/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang về việc tăng cường ngăn chặn nhập lậu gia cầm, vận chuyển trái phép và phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm