số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
02:48 02/03/2021
Ngày 01/3/2021, Văn phòng UBND tỉnh An Giang có Công văn số 842/VPUBND-KTN để truyền đạt ý kiến của Lãnh đạo UBND tỉnh về việc tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu triển khai thực hiện các nội dung tại Điểm 1 của Công văn số 1076/BNN-TY ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Cụ thể, từ đầu tháng 10/2020, bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đến nay đã xảy ra tại 163 xã, thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh 2.240 con, 267 con chết và tiêu hủy.
Hiện nay, cả nước có 44 ổ dịch tại 18 huyện của 08 tỉnh (bao gồm: (Nam Định, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị và Thanh Hóa). Thời gian qua, dịch bệnh lây lan chủ yếu do các véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), vận chuyển, giết mổ gia súc bệnh, mang mầm bệnh, nhiều địa phương chưa có vắc xin, chưa tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc.
Do đó, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao. Để tổ chức kiểm soát bệnh VDNC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể và tổ chức nhiều hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC; chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp tổ chức nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y (hiện nay đã có Công ty Cổ phần kinh doanh thuốc thú y AMAVET nhập khẩu, cung ứng vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ và LumpyShied của Jordan; Công ty TNHH thú y Đông Phương nhập khẩu, cung ứng vắc xin Mevac LSD của Ai Cập); chỉ đạo tổ chức triển khai tiêm phòng thí điểm vắc xin phòng bệnh VDNC tại một số địa phương của 8 tỉnh đã có dịch bệnh VDNC, các địa phương nguy cơ cao và một số trang trại bò sữa.
Kết quả, theo báo cáo của các địa phương đã tổ chức tiêm phòng được 27.226 con trâu, bò; gia súc đã được tiêm phòng không mắc bệnh VDNC; trâu, bò được tiêm vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28, 35 và 42 ngày đã có kháng thể kháng vi rút VDNC và đã đánh giá được sau hơn 42 ngày (trâu bò được tiêm các vắc xin LumpyShied và Mevac LSD đang được lấy mẫu đánh giá sau tiêm phòng 28 ngày và cần tiếp tục theo dõi, lấy mẫu đánh giá vào các thời điểm sau 35, 42 ngày).
Để chủ động phòng, chống và không để dịch bệnh lây lan diện rộng; căn cứ quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật thú y; trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của nhiều địa phương; đồng thời, căn cứ kết quả bước đầu của việc tiêm phòng thí điểm vắc xin VDNC nêu trên; Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nội dung sau:
Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương, quyết định việc sử dụng vắc xin Lumpyvac (đã được đánh giá sau tiêm phòng tại các thời điểm 28, 35 và 42 ngày) để tiêm phòng khẩn cấp phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò thuộc diện tiêm phòng (Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng các vắc xin LumpyShied và Mevac LSD khi có kết quả đánh giá sau tiêm phòng tại các thời điểm 35, 42 ngày).
Đối tượng và phạm vi tiêm phòng: Trâu, bò tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh VDNC và các địa phương có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100km từ địa phương có dịch VDNC).
Chủ động rà soát, thống kê số lượng trâu, bò thuộc diện tiêm phòng trong phạm vi nêu trên; xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí mua vắc xin và tổ chức triển khai tiêm phòng khẩn cấp vắc xin VDNC.
Thực hiện tiêm phòng vắc xin theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vắc xin và cơ quan thú y địa phương; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm đánh giá vắc xin sau tiêm phòng.
Cơ quan thú y địa phương chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng vắc xin và các đơn vị liên quan tổ chức theo dõi gia súc sau khi tiêm, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố xảy ra theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020, Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 và các văn bản khác về VDNC; kịp thời báo cáo Cục Thú y và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý.
Xuân Hiếu