CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2022 . Nhiệm vụ, giải pháp năm 2023

11:45 13/02/2023

Trong năm 2022, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường và giá vật tư đầu vào tăng cao. Mặc dù sản lượng lúa có giảm so cùng kỳ nhưng cơ cấu giống chất lượng cao được nâng lên; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định; hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu thị trường và xuất khẩu tăng. Tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, hai mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh là lúa gạo và cá tra có đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có nhiều triển vọng phát triển hơn khi giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng; những hoạt động cải cách, tái cơ cấu nông nghiệp có chuyển biến tích cực, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững.

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp, thủy sản là thế mạnh của nền kinh tế tỉnh An Giang, sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp đã gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm ngày càng được chú trọng. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh ngày càng nhận thức, ý thức trách nhiệm đối người tiêu dùng thực phẩm ngày càng được nâng cao. Các chỉ số đánh giá như tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đáp ứng hoặc ký cam kết tuân thủ qui định ATTP; tỷ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP; số cơ sở và diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương ngày càng được cải thiện và tăng lên.

Bên cạnh đó, công tác triển khai các hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hợp tác, liên kết chuỗi, trong sản xuất, sơ chế, chế biến với các điểm tiêu thụ sản phẩm an toàn như siêu thị, các điểm bán hàng tiện ích, chợ thu mua các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được quan tâm.

Song song đó, Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm lúa (gạo); rau màu; cây ăn trái; thủy sản (tôm, cá) ứng dụng công nghệ tiên tiến để truy xuất nguồn gốc như: Mã QR, mã số, mã vạch, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, Scan and Check, Icheck, VNPT Check…. và hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu nông thủy sản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản tham gia Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Một số kết quả cụ thể về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2022 đạt được như sau:

Về Thông tin, truyền thông về quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản

Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhiều hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm được tỉnh đẩy mạnh; đồng thời lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... các đơn vị của Sở đã phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương đưa tin, bài, phóng sự về công tác bảo đảm ATTP tập trung các cơ sở sản xuất các sản phẩm khô cá, mắm cá, các cơ sở giết mổ động vật; kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tuyên truyền về các mô hình, cách làm tốt trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; cùng với đó là tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho trên 1000 người tham dự.

Bên cạnh đó, đã triển khai đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin vật tư nông nghiệp, ATTP lĩnh vực chăn nuôi và thú y đã chuyển 500 tờ Decal đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin vật tư nông nghiệp, ATTP đến các huyện, thị xã, thành phố để phân phát đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Về việc hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông thủy sản an toàn

Với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, kết nối tiêu thụ, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản tham mưu UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT ký kết Chương trình phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022-2025.

Song song đó, Sở cũng đã hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm, đến đến nay ngành nông nghiệp đã xác nhận 34 chuỗi với 38 sản phẩm có kết quả đạt yêu cầu an toàn thực phẩm đạt yêu cầu theo Quyết định số 3075/QĐ-BNNPTNT-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những chuỗi này góp phần cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho địa phương và các tỉnh lân cận.

Một số mô hình nuôi liên kết với doanh nghiệp cũng bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh An Giang hiện có12 cơ sở nuôi trồng thủy sản cho 04 doanh nghiệp đã được kết nối chuỗi cung ứng thủy sản với diện tích: 55,4 ha, sản lượng cung cấp hàng năm khoảng 92.600 tấn/năm. Các vùng nuôi chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao liên kết với doanh nghiệp đã dần hình thành và phát triển và là nguồn cung cấp số lượng lớn giống và nguyên liệu cho ngành hàng chủ lực.

Ngoài ra, vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 04 huyện tham gia nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, trong đó: nuôi heo thịt: tổng đàn hiện có tại 03 trại nuôi gia công là 9.950 con; Gà thịt: tổng đàn hiện đang nuôi tại 05 trại là 235.000 con và vịt thịt là 30.000 con/01 trại. Từ đầu năm đến nay đã xuất chuồng 6.850 con heo, 120.000 con vịt và 424.000 con gà. Trong đó, huyện Thoại Sơn có trại heo thịt Định Thành tham gia liên kết tối nhiều năm với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam qua hình thức nuôi gia công heo thịt với số lượng trên 5.000 con/đợt, trung bình nuôi 02 đợt/năm. Riêng Rau màu: Diện tích liên kết tính đến nay là 19.011 ha, trong đó liên kết với các doanh nghiệp là 4.330 ha; tiêu thụ qua các chợ đầu mối, siêu thị Co.op mart, bách hoá xanh, Winmart, Siêu thị Mega Market Long Xuyên; Cây ăn trái: diện tích liên kết tiêu thụ là 12.894 ha, gồm xoài, chuối, nhãn và các loại cây ăn trái khác.

Về công tác thanh tra, kiểm tra

Một trong những giải pháp được chú trọng đó là triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản, vật tư nông nghiệp được sản xuất, vận chuyển, kinh doanh lưu thông trên thị trường. Chú trọng kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như: lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thuỷ sản nhỏ lẻ... kết quả: đã tiến hành kiểm tra 06 cuộc cho 65 tổ chức/cá nhân chế biến, kinh doanh thực phẩm nông thủy sản và lấy 50 mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng ATTP. Kết quả có 05 mẫu sản phẩm không đạt chất lượng, có 10 cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP và ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 tổ chức/cá nhân vi phạm quy định về ATTP với tổng số tiền phạt là 342,5 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi: kiểm tra kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, cơ sở giết mổ động vật có 09 đợt/55 cơ sở, kết quả có 02 cơ sở vi phạm xử phạt với số tiền là 7 triệu đồng. Kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đã thực hiện kiểm tra 19 đợt cho 46 cơ sở tại các huyện thị, thành phố trong tỉnh. Kết quả có 01 tổ chức và 01 cá nhân vi phạm và xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 37,5 triệu đồng.

Về nuôi trồng thủy sản đã triển khai 01 cuộc thanh tra, kiểm tra cho 04 cơ sở về sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng giống và nuôi trồng thủy sản, qua kiểm tra không phát hiện vi phạm.

Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hoá chất bảo vệ thực vật, từ đầu năm đến nay, đã tiến hành kiểm tra tại 72 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, lấy mẫu kiểm tra, xác minh sản phẩm phân bón, kết quả có 76 tổ chức/cá nhân vi phạm đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1.362.719.712 đồng.

Về công tác giám sát chất lượng VTNN, ATTP:

Với đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp tạo ra nông sản cung cấp thực phẩm thiết yếu cho cả cộng đồng, tác động tới sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, Sở Nông nghiệp &PTNT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu, giám sát chất lượng về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó, góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng

Đối với chương trình giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi

Từ đầu năm đến nay, đã thu 182 mẫu tại 6 vùng nuôi trong tỉnh gồm có 108 mẫu cá tra thương phẩm, 42 mẫu cá tra nhỏ, 05 mẫu cá trê thương phẩm, 13 mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm, 02 mẫu cá rô phi đỏ nhỏ, 07 mẫu cá lóc thương phẩm, 04 mẫu cá bột và gửi mẫu phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Kết quả phân tích có 157 mẫu đạt, 02 mẫu không đạt.

Đối với chương trình thu mẫu giám sát phân tích các chỉ tiêu sản phẩm nông thủy sản

Thực hiện Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản lưu thông, tiêu thụ trong nước nhằm cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố ATTP trước khi phân phối đến người tiêu dùng và đánh giá mức độ ATTP sản phẩm nông thủy sản. Từ đầu năm đến nay, đã thu 151/190 mẫu gồm: cà phê, khô cá lóc, mắm cá lóc, mắm thái, chả lụa  pa tê, nước mắm, dưa cải, hẹ, gừng, ớt, cá chả, thịt gia súc, gia cầm..., và gửi mẫu phân tích chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Kết quả có 116/121 mẫu đạt, 23 mẫu không đạt và 30 mẫu chờ kết quả. Riêng đối với cấp huyện đã triển khai thu  được 58 mẫu, đến nay có 29 mẫu đã có kết quả thử nghiệm trong đó 04 mẫu không đạt, 29 mẫu đang chờ kết quả.

Đối với cơ sở có mẫu không đạt, xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở khắc phục theo quy định, cam kết sản xuất an toàn và chuyển xử lý vi phạm hành chính.

Về công tác tiếp nhận hồ sơ tự công bố

Theo Nghị định 15 ngày 02/2/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm. Năm 2022, đã tiếp nhận có 224 sản phẩm của 92 cơ sở công bố do cấp tỉnh quản lý, lũy kế tổng số sản phẩm tự công bố đến nay 1.907 sản phẩm của 794 cở sở, bản tự công bố sản bao gồm 17 nhóm sản phẩm; Đối với cấp huyện: Đã tiếp nhận 198 Bản tự công bố sản phẩm của 109 cơ sở ; các sản phẩm công bố gồm: khô cá lóc, tàu hũ ky, nước mắm chay, mắm chay, chả lụa bò, bò viên và pate gan, cà phê bột,...

Song song đó, đã đăng tải danh sách các bản tự công bố sản phẩm của các cơ sở SXKD trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang để người tiêu dùng biết, lựa chọn.

Về công tác thẩm định, chứng nhận cơ sở SXKD nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Thực hiện công tác thẩm định để xếp loại và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP: đến nay đã tiếp nhận 85 hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP, đã cấp 73 Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đối với cơ sở, sản xuất kinh doanh cấp huyện quản lý: tiếp nhận 294 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và cấp 287 Giấy chứng nhận ATTP.

Song song với những kết quả đạt được công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn một số khó khăn, hạn chế

Công tác kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi vẫn còn hạn chế, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp hiện nay đa phần triển khai được đến bước xây dựng các chuỗi liên kết, công tác kiểm soát chủ yếu mới tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình sản xuất, kiểm soát việc tuân thủ của cơ sở sản xuất ban đầu còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực ít và phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người sản xuất mà phần lớn người sản xuất ban đầu là hộ gia đình và các cơ sở nhỏ lẻ.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm để truy xuất nguồn gốc nên gây khó khăn cho người sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng (mã QR, mã số, mã vạch, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, Scan and Check, Icheck, VNPT Check….)

Mặc dù hiệu quả của việc ứng dụng mã trong truy xuất nguồn gốc nông sản cho hiệu quả rõ rệt nhưng trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất nông nghiệp đa phần quy mô còn nhỏ, ít vốn, việc mua sắm trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế đặc biệt là việc nhập dữ liệu thông tin đầu vào của người sản xuất.

Việc không thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy trình, ghi chép trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 qui định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm là yếu tố khiến dữ liệu truy xuất nguồn gốc không đầy đủ và cập nhật so với yêu cầu về thông tin truy xuất nguồn gốc.

Để nâng cao công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thuỷ sản trong năm 2023 và các năm tiếp theo cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

- Tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 và Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 58/2019/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến nhiều đối tượng khác nhau, góp phần làm chuyển biến nhận thức đối với các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất chế biến để sản phẩm đầu ra luôn đảm bảo ATTP; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản quyết liệt và kịp thời.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh, Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Cục Quản lý thị trường trong tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản để hạn chế đến mức thấp nhất sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên địa bàn tỉnh.

-  Đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp người sản xuất, kinh doanh nông sản thay đổi cách nghĩ, cách làm, liên kết sản xuất tăng giá trị sản phẩm; Hỗ trợ kết nối, quảng bá các thương hiệu sản phẩm trên các kênh thông tin, tham gia hội chợ tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nguyễn Hoàng Linh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản An Giang