CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Thông tin tổng hợp

An Giang tổ chức trồng cây xanh dọc các tuyến kênh chống sạt lở

04:15 02/01/2025

Ngày 31-12, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch trồng cây xanh dọc các tuyến kênh trên địa bàn tỉnh thông qua Chương trình trồng cây phân tán năm 2025, nhằm tăng cường bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng, góp phần hạn chế tình trạng sạt lở bờ bao, kênh, đê… tạo cảnh quan môi trường xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; phát  huy vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh  tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đồng thời hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nông nghiệp; hạn chế xói mòn, sạt lở làm mất đất, giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, điều hòa khí hậu, ổn định môi trường, cân bằng hệ sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo và bảo vệ đất.

Thông qua việc trồng cây xanh sẽ đáp ứng một số nhu cầu lâm sản tại chỗ, cung cấp gỗ cho xây dựng nhà ở, trang trí nội thất và các sản phẩm khác phục vụ cho nông nghiệp, thủy sản (cột đáy, chà..... ), củi làm chất đốt cho dân dụng và công nghiệp.

Theo Kế hoạch này, An Giang sẽ chọn địa điểm trồng cây tùy theo địa hình, địa chất, chiều rộng và độ dốc của bờ kênh, nơi có nguy cơ sạt lở.

Loại cây trồng: Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012, trong đó: Cây xanh ven kênh rạch, ven sông phải có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ bờ, dòng chảy, chống lấn chiếm mặt nước.

Một số loài cây vừa đáp ứng theo Tiêu chuẩn trên, vừa tạo cảnh quan, ưu tiên các loài cây có thể sinh trưởng, phát triển trong điều kiện ngập nước, bán ngập nước và có trong danh mục các loài cây trồng phân tán ở An Giang gồm:

(1) Cây Tràm Úc (Melaleuca leucadendra L.).

(2) Cây Tre gai  ( Bambusa bambos (L.) Voss).

(3) Cây Bạch đàn ( Eucalyptus tereticornis).

(4)  Cà na (E.Hygrophilus Kurz).

(5) Ô môi (Cassia grandis).

(6) Kèn hồng (Tabebuia rosea).

(7) Bằng lăng  (Lagerstroemia speciosa (L.) Pers).

Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố tổ chức rà soát các tuyến kênh, mương thuỷ lợi ... trên địa bàn quản lý để xây dựng kế hoạch trồng cây; trong đó ưu tiên cho các hội, đoàn thể quần chúng đăng ký và trồng cây phân tán.

 Về cây giống: Căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm của UBND huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công các đơn vị trực thuộc (Chi cục Kiểm lâm) chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào tổ chức Lễ phát động “Trồng cây Nhớ ơn Bác Hồ”; trồng cây xanh phòng chống sạt lở kênh, đê. Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh.

 Phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày Chủ nhật nông thôn mới”, “Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân…/.

Nguồn: Kế hoạch số 1459 /KH-UBND ngày 31/12/2024

Xuân Hiếu