CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin tổng hợp

Giữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long (1)

08:15 18/03/2024

Đề xuất ý tưởng giúp tăng cường sự chủ động về nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồ án nhận được bằng Thạc sĩ Danh dự tại Đại học Bách khoa Milan, Italy vào ngày 02 tháng 10 năm 2020.

Đồ án là ý tưởng khởi đầu của một hệ thống chứa nước bền vững cho vùng ĐBSCL, hy vọng sẽ được quan tâm và nghiên cứu thêm để bảo vệ sự trù phú của đồng bằng trước những biến đổi do thiên tai và nhân tai, nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Xin gởi đến Quý đọc giả Bản tóm lược đồ án.

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong… đang bóp nghẹt và tàn phá sự trù phú của ĐBSCL. Thực tế đã cho thấy, chúng ta đang thiếu sự chủ động về nguồn nước để ứng phó với hạn - mặn và những diễn biến bất thường của thiên tai.

Nhận thức được điều đó, một vài địa phương ở ĐBSCL đã và đang xây dựng các hồ chứa để phục vụ tưới tiêu vào mùa khô. Tuy nhiên, nhu cầu về nước của ĐBSCL là vô cùng lớn và những hồ chứa đơn lẻ không thể đảm bảo được sự chủ động nguồn nước về lâu dài, điển hình là việc hồ Ba Tri ở tỉnh Bến Tre cạn đáy vào tháng 4 năm 2020.

Khi gần như toàn bộ đồng bằng hiện nay là đất canh tác thì việc xây dựng đủ số lượng hồ chứa cần thiết là không khả thi. Bởi nếu lấy đất trồng trọt để xây dựng các hồ chỉ có chức năng chứa nước là không bền vững về mặt kinh tế. Hơn nữa, mặt nước mở trên một diện tích rộng cũng gây ra lượng bốc hơi rất lớn, từ đó làm giảm tính hiệu quả của hồ chứa.

Những luận cứ trên cho thấy: ĐBSCL cần một hệ thống chứa và điều tiết nước bền vững cả về kinh tế lẫn sinh thái, không chỉ đảm bảo nhu cầu về nước ngọt mà còn mang lại sinh kế cho người dân và nâng cao chất lượng môi trường. Từ đó, tăng khả năng thích ứng của đồng bằng trước những biến đổi và tác động từ bên ngoài.

2. Tiềm năng của cây tràm và rừng tràm

Không chỉ chứa đựng những giá trị về kinh tế và môi trường như các loại rừng khác, rừng tràm còn là một hệ sinh thái ngập nước độc đáo vừa có khả năng trữ nước vừa giúp bảo vệ đa dạng sinh học và mang lại sinh kế cho người dân (tinh dầu, gỗ, nuôi cá dưới rừng tràm, nuôi ong lấy mật, du lịch sinh thái…)

3. Ý tưởng hệ thống trữ nước bằng rừng tràm trên hệ thống kênh hiện hữu

3.1. Ý tưởng tổng quát

Lựa chọn các kênh cấp 3, kênh nội đồng (có chiều rộng trên 10 mét, không có đông dân cư sinh sống dọc bờ kênh) để chuyển đổi thành các dãy rừng tràm, hay còn gọi là “Kênh Xanh”.

 

Kênh được mở rộng từ kênh hiện hữu thành rừng tràm (Kênh Xanh)

Các con kênh được đào sâu và mở rộng từ 20 – 25 mét về mỗi bên, lượng đất từ việc đào kênh được dùng để đắp thành các đê cao chạy dọc theo rừng tràm để tạo thành một hồ chứa nước.

Về cơ bản, kênh Xanh có hình thức tương tự hồ Ba Tri ở tỉnh Bến Tre nhưng được trồng tràm dọc hai bên. Rừng tràm sẽ giúp giảm bốc hơi nước và quan trọng là tạo thêm nhiều nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Việc tạo ra sinh kế từ các hồ chứa là vô cùng quan trọng bởi nó quyết định sự khả thi về mặt kinh tế, giúp nhân rộng mô hình và đáp ứng được nhu cầu về nước cho cả vùng.

Các con Kênh Xanh sẽ hoạt động như những “túi nước” để hấp thụ và lưu trữ nước vào mùa lũ, sau đó dùng để tưới tiêu và bổ sung nước ngọt cho hệ thống kênh rạch vào mùa khô, giúp đẩy nước mặn ở các vùng ven biển.

Việc trữ và điều tiết nước sẽ dựa vào hệ thống cửa cống ở đầu các con kênh (nhiều khu vực đã có sẵn các cửa cống này).

 

Cửa cống ở đầu Kênh Xanh

Cống sẽ đóng lại khi lũ đạt mực nước cao nhất (vào khoảng tháng 10). Vào cuối mùa lũ, nước từ đồng ruộng sẽ được bơm thêm vào để tăng lượng nước dự trữ.

Cống mở vào mùa lũ

Cống đóng từ lúc đỉnh lũ đến khi bắt đầu mùa khô

Nước sẽ được trữ đến mùa khô (vào khoảng tháng 3, 4), sau đó việc sử dụng nguồn nước này sẽ tùy thuộc vào từng tiểu vùng: Vùng ven biển, nước sẽ được giữ lại để phục vụ tưới tiêu tại chỗ; Các vùng ít bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, nước sẽ được xả vào hệ thống kênh rạch để bổ sung nước ngọt và đẩy mặn cho các vùng biển gần kề. Ví dụ như nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên có thể đẩy mặn cho vùng ven biển Tây.

Nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên giúp đẩy mặn cho vùng ven biển Tây và bổ sung nước ngọt cho hạ lưu

 

(Còn Tiếp theo) Xem tiếp

Thạc sĩ – Kiến trúc sư Huỳnh Công Định
(Bản quyền ý tưởng và đồ án thuộc về tác giả và Đại học Bánh khoa Milan)