CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin tổng hợp

Châu Thành tập trung phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân

04:00 31/12/2023

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành luôn quan tâm thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, đã góp phần định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất.

Bình Thạnh là xã nông thôn với tổng diện tích là 954,2 ha; trong đó diện tích đất trồng màu là 614,76 ha (chiếm 64,43%). Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Công tác chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp ở xã luôn được quan tâm thực hiện, bên cạnh đó là đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất, mạnh dạn áp dụng và nhân rộng giống cây, con mới… nhằm nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm; ngoài ra, địa phương còn khuyến cáo người dân chuyển đổi diện tích đất vườn tạp sang trồng màu nhằm tăng vòng quay của đất, nâng cao giá trị trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp. Được sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trong xã cũng đã mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp. Tính từ năm 2010 đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất vườn tạp sang trồng cây ăn trái là 2 ha. Các mô hình chuyển đổi từ đất vườn tạp sang trồng cây ăn trái giúp gia tăng lợi nhuận bình quân 2,5 lần”. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển kinh tế tập thể luôn được xã quan tâm thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Thạnh có 01 hợp tác xã (Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Bình Thạnh) và 04 tổ hợp tác nông nghiệp (Tổ hợp tác trồng dưa lưới; Tổ hợp tác trồng nấm rơm; 02 Tổ hợp tác trồng rau màu). Hình thức tổ chức kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết hiệu quả với công ty, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tổng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp mỗi năm khoảng 3,5ha; cụ thể là cùng các Công ty Antesco, công ty Foodant và Công ty Phan Nam.

Song song với việc chuyển đổi diện tích đất vườn tạp sang trồng màu và tổ chức kinh tế tập thể, địa phương còn tiếp tục tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, nghiên cứu ứng dụng các mô hình mới, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập người dân. Theo ông Huỳnh Phước Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh: “Nhờ lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Đến nay, kết quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt được một số kết quả như: Tổng diện tích sản xuất rau màu hàng năm khoảng 614,76 ha. Trong đó, diện tích sản xuất rau màu chiếm 64,43%; mô hình sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 1,7ha; các mô hình trồng cây màu ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt như: mô hình trồng dưa leo, dưa lưới và ớt với diện tích 1,8ha…”. Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay xã phối hợp ngành nông nghiệp tỉnh, huyện triển khai khoảng 45 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với khoảng 2.000 lượt nông dân tham dự với các nội dung như: Kỹ thuật trồng rau màu, chăn nuôi; ủ ure làm thức ăn chăn nuôi; tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch; mô hình nuôi lươn; mô hình nuôi cá tra… Nhờ đó, giúp nông dân tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cụ thể như: năng suất bình quân đạt 7,25 tấn/ha (tăng 0,97 tấn/ha so với năm 2010); các mô hình sản xuất ứng dụng hệ thống tưới tự động bằng pin năng lượng mặt trời giúp giảm chi phí 50 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 210 triệu đồng/ha/năm; liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap chất lượng cao ổn định với công ty mỗi năm khoảng 67 ha (từ năm 2010 đến nay), giúp gia tăng lợi nhuận bình quân 3-4 triệu đồng/ha/năm. Hơn nữa, nhằm thực hiện Đề án số 08-ĐA/HU ngày 11/05/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Thành về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), xây dựng kế hoạch phấn đấu phát triển sản phẩm đặc trưng của xã, trong đó sản phẩm “Cải tòa soạn” làm dưa được chọn là sản phẩm tiềm năng để nâng cao chất lượng hướng đến đạt chuẩn OCOP.

Từ những hoạt động thực tế trên, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Bình Thạnh tăng từ 13,79 triệu đồng/người/năm ở năm 2010, lên 59,389 triệu đồng/người/năm ở năm 2023. Qua đó, người dân cũng đã phát huy được thế mạnh của các ngành nghề nông thôn, góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng.

Nhìn chung, để đạt được mục tiêu không ngừng là nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là tiền đề để phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển thương mại dịch vụ tại cơ sở, tiếp tục duy trì, phát triển thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... bảo đảm việc làm, thu nhập cho các tầng lớp Nhân dân.

Hoa Võ

Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành