CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Thông tin tổng hợp

An Giang từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp

09:45 29/12/2024

Thời gian qua Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN), áp dụng các tiêu chuẩn thị trường quốc tế, xây dựng nhãn hiệu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính trách nhiệm minh bạch và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

1. Quan tâm thực hiện các dự án đầu tư phát triển tiềm lực Khoa học và công nghệ: Đẩy mạnh các hoạt động về phát triển công nghệ và thị trường công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2023-2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Viện, Trường, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tổ chức thực hiện 07 dự án Khoa học và công nghệ (KH&CN), 43 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 18 nhiệm vụ KH&CN góp phần thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (bao gồm: 08 nhiệm vụ cấp tỉnh và 10 nhiệm vụ cấp cơ sở). Các nhiệm vụ này đã góp phần vào việc chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, hoàn thiện các quy trình sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng. Điển hình như:

Về lĩnh vực trồng trọt: có 10 nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện, các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu các loại giống cây trồng chủ lực của địa phương, nghiên cứu đánh giá chất lượng đất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các tiểu vùng sản xuất lúa kém hiệu quả do hạn... Nổi bật, có Dự án “Hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa được chọn tạo ở tỉnh An Giang” đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ đối với 02 giống lúa AG1 và HNOE1 và công nhận lưu hành giống lúa AG1 (tại Quyết định số 273/QĐ-TT-VPPN ngày 04/10/2022 của Cục Trồng trọt). Giống AG1 có triển vọng trên phương diện thương mại giống lúa lẫn phương diện gạo xuất khẩu; nhờ có năng suất cao, ngắn ngày, cứng cây, kháng bệnh cháy lá, chịu phèn, mặn, phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu. Hiện giống lúa AG1 đang được nông dân sản xuất thử nghiệm ở tại An Giang.

Về lĩnh vực thủy sản: Triển khai 07 nhiệm vụ KH&CN tập trung nghiên cứu sản xuất giống, thức ăn thủy sản và cải tiến quy trình ương nuôi thương phẩm trên các đối tượng như: cá tra, lươn, cá chạch, cá cóc, cá heo…  Đây là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thông qua các nghiên cứu đã giúp người nuôi chủ động được nguồn giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tiến đến bảo tồn và phát triển nguồn gen trên địa bàn tỉnh An Giang.

Về lĩnh vực chăn nuôi: Xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm 10.000 gà hậu bị Isa Brown của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam bằng hệ thống khép kín. Mô hình thành công sẽ cung cấp sản phẩm trứng gà an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Dự kiến khi dự án kết thúc, tỷ lệ sống của gà đẻ đạt 94%, tổng số trứng gà xuất chuồng trong 12 tháng thực hiện trên 02 triệu trứng.

Về ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp: Triển khai thực hiện 02 dự án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất: Dự án “Ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất lúa tại Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Hòa”, Dự án “Ứng dụng dây chuyền phối trộn tự động vào quy trình sản xuất phân bón vô cơ của Công ty cổ phần Hóa Nông An Giang”. Các dự án giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, cải thiện thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững.

2. Thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói: Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn Tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản An Giang trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện toàn Tỉnh đã cấp 564 mã số, với tổng diện tích vùng trồng là 19.766,28 ha. Trong đó: lúa 193 mã số với diện tích 11.861,77 ha; cây ăn trái 355 mã số với diện tích 7.618.47 ha; rau màu 14 mã số với diện tích 284,04 ha và 02 mã số cây dược liệu (cây chúc, kim ngân hoa) với diện tích 02 ha. Cụ thể như sau:

Đối với mã số vùng trồng xuất khẩu: Lũy kế 480 mã số với diện tích 15.511,82 ha. Trong đó: Lúa có 131 mã số với diện tích 7.921,78 ha; cây ăn trái có 348 mã số với diện tích 7.566,04 ha; rau màu (cây ớt) có 01 mã số vùng trồng với diện tích 24 ha.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng với các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện giám sát 28 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 209.11 ha ở các huyện An Phú, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú và thành phố Châu Đốc. Mã số xuất khẩu đi thị trường Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Nga, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE; với sản phẩm vùng trồng gồm: xoài, nhãn, sầu riêng.

Đối với mã số vùng trồng nội địa: Lũy kế 84 mã số với diện tích 4.254,46 ha. Trong đó: Lúa có 62 mã số lúa với diện tích 3.939,99 ha; cây ăn trái 07 mã số với diện tích 52,43 ha; rau màu 13 mã số với diện tích 260,04 ha và 02 mã số cây dược liệu (cây chúc, kim ngân hoa) với diện tích 02 ha.

Về giám sát cơ sở đóng gói: Thực hiện giám sát 01 mã số cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang, kết quả cơ sở đủ điều kiện duy trì mã số xuất khẩu.

3. Triển khai thực hiện các Mô hình phát triển sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới: (sau đây gọi tắt là mô hình), giai đoạn 2023 - 2024 có 395 mô hình được thực hiện. Trong đó: Có 103 mô hình được triển khai với mức hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/mô hình (31 mô hình cấp tỉnh, 72 mô hình cấp huyện) và 292 mô hình qui mô nhỏ hơn (cấp xã) được thực hiện với mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/mô hình. Kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình từ nguồn ngân sách nhà nước; chủ đầu tư thực hiện mô hình là nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp nông nghiệp... tham gia đối ứng từ 50% tổng kinh phí thực hiện mô hình.

Các mô hình được người dân chủ động, sẵn sàng tham gia đối ứng thử nghiệm, nhân rộng các quy trình kỹ thuật, công nghệ cao hay các dự án khởi nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Từ đó thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình cấp tỉnh được triển khai trong giai đoạn 2023-2024 như sau:

Có 09 mô hình ứng dụng công nghệ tự động vào quản lý vận hành: Chủ yếu là ứng dụng các công nghệ tự động dựa vào công nghệ số trong lĩnh vực trồng trọt như: điều kiển từ xa bằng smartphone, thiết bị internet hoặc tự động điều khiển có lập trình... Lĩnh vực thủy sản có sử dụng máng ăn tự động, sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản.

Có 10 mô hình tăng cường nhân rộng diện tích ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm: Chủ yếu là ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước và sức lao động trong lĩnh vực trồng trọt: cây ăn trái, rau màu, trồng nấm rơm, hoa, cây giống...

Có 07 mô hình phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ phụ phẩm nông nghiệp: Có 02 mô hình sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp trực tiếp để sản xuất nấm ăn; các mô hình khác tận dụng gián tiếp nguồn phế phẩm nông nghiệp khác như: rơm rạ, lá, thân rễ, phế phẩm các loại để sản xuất phân bón cho cây trồng.

4. Xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng của Tỉnh: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (theo Quyết định số 2338/QĐ-UBND ngày 21/9/2022 của UBND tỉnh): Hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ trong nước đối với 37 nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nước ngoài 01 nhãn hiệu, kinh phí hỗ trợ là 492 triệu đồng.

Phát triển nhãn hiệu chứng nhận An Giang với sản phẩm nông nghiệp (theo Quyết định 2609/QĐ-UBND ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh): Trao quyền và gia hạn trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho 25 đơn vị; Hỗ trợ 123.000 tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho 11 đơn vị đã được trao quyền sử dụng; Nộp hồ sơ đăng ký bổ sung nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho một số sản phẩm có tiềm năng của tỉnh An Giang.

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo An Giang (theo Kế hoạch số 507/KH-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh): Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh để xây dựng và ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo An Giang. Đồng thời, đã hoàn thiện Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh An Giang, có xác nhận của UBND tỉnh và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Gạo An Giang về Cục Sở hữu trí tuệ theo đúng quy định. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang tích cực theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình thẩm định nội dung số đơn 4-2023-12142 để sớm được cấp Giấy chứng nhận, góp phần đưa nhãn hiệu Gạo An Giang vào khai thác hiệu quả./.

                                             

Hồng Quyên

Sở Nông nghiệp và PTNT