số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh
Điện thoại: 02963.957.006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
2
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang
1
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)
Điện thoại: 0913.979.245
Email: nslam@angiang.gov.vn
2
Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)
Điện thoại: 0919.199.392
Email: lhtam@angiang.gov.vn
07:15 21/11/2024
PGS.TS Huỳnh Quang Tín đã phát triển đề tài nghiên cứu chọn giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong tầm nhìn dài hạn.
Đề tài BOLD (Biodiversity Opportunities, Livelihoods and Development in Vietnam) - Đa dạng Sinh học Cơ hội, Sinh kế và Sinh học ở Việt Nam) ra đời với mục tiêu chọn được giống lúa mới thích nghi tốt ở các vùng nông nghiệp để phục vụ sản xuất lúa gạo và tạo tính đa dạng nguồn gen lúa trên đồng ruộng.
PGS.TS. Huỳnh Quang Tín là chủ nhiệm đề tài, cùng với sự tham giam của 5 tiến sĩ, 7 thạc sỹ, 14 kỹ sư và 100 nông dân quy tụ từ 10 vùng miền tổ quốc.
Khảo nghiệm 10 giống lúa - Đề tài BOLD tại tỉnh An Giang |
Dự án BOLD được triển khai trong giai đoạn 2023-2024 trên 10 tỉnh thành đại diện cho 4 vùng sinh thái ở Việt Nam, bao gồm: Đồng bằng Sông Cửu Long (Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu), Tây Nguyên (Gia Lai), Đồng bằng Duyên hải miền Trung (Phú Yên) và Tây Bắc (Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai).
Dựa trên các giống lúa đối chứng được Cục Trồng trọt công bố, ông Tín và các cộng sự trong đề tài BOLD dày công tìm kiếm, lai chọn và phát triển các giống lúa mới theo các tiêu chí: năng suất cao hơn hoặc bằng giống đối chứng với chất lượng tốt; kháng bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu tốt hơn và chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường tự nhiên như mặn, hạn,...
Chia sẻ với phóng viên, PGS Tín cho biết dự án hiện đã hoàn thành hơn 80%, chọn được 6 giống lúa triển vọng nhất từ 110 dòng lúa thuần đang trồng đánh giá tại các vùng sinh thái Việt Nam. Các giống lúa này đang trong quá trình đăng ký khảo nghiệm VCU, DUS. Trong đó, có một giống lúa “Nông Dân 1” đã được Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, Cục Trồng trọt cấp Bằng bảo hộ giống.
Trong khuôn khổ dự án, các giống lúa triển vọng bao gồm Nông Dân 1, Nông Dân 2, Nông Dân 7, Nông Dân 8, Nông Dân 9 đang được khảo nghiệm sản xuất tại 10 tỉnh. “Thực tế gieo trồng cho thấy các giống lúa Nông Dân 1, Nông Dân 2, Nông Dân 7 cho năng suất cao, kháng bệnh đạo ôn, chống chịu hạn, rét và mặn, phèn tốt” – PGS.TS. chia sẻ.
Đặc biệt, đề tài BOLD không đơn thuần là các nghiên cứu nằm trên giấy mà là kết quả của quá trình lai - chọn - thử nghiệm - ứng dụng – đánh giá cứu công phu giữa các nhà khoa học và bà con nông dân.
PGS.TS. Huỳnh Quang Tín (bìa trái) cùng các cán bộ địa phương khảo sát ruộng thử nghiệm giống lúa |
Cụ thể, nhà khoa học (nhà chọn giống) hỗ trợ phương pháp, cung cấp nguồn vật liệu chọn giống và tư liệu hóa và chuẩn bị báo cáo khoa học giống lúa mới. Nông dân là người trực tiếp thực hiện thử nghiệm và chọn lọc giống. Ngoài ra, còn có sự giúp sức của cán bộ địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá giống lúa tại các tỉnh.
Kể về quá trình nghiên cứu giống lúa mới, ông Tín và các thành viên mất từ 3-5 năm để lai - chọn lọc từ thế hệ F2 đến giống lúa thuần. Khi đã chọn được giống lúa mới (chưa được công nhận lưu hành), các nhà khoa học sẽ hướng dẫn nông dân thực hiện thử nghiệm đánh giá năng suất sơ khởi, so sánh năng suất các giống với giống đối chứng. Cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật tại địa phương cùng tham gia với nông dân để đánh giá năng suất và đánh giá sâu bệnh tại ruộng để chọn ra các giống lúa triển vọng.
Trong tương lai, khi hoàn thành giai đoạn thực hiện đề tài BOLD, PGS.TS. Huỳnh Quang Tín sẽ xây dựng đề tài và đàm phán với nhà tài trợ để kéo dài thời gian, tiếp tục chọn lọc giống lúa mới chất lượng cao phục vụ sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt góp phần vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
PGS.TS. Huỳnh Quang Tín tốt nghiệp thạc sỹ Trường Đại học Nông nghiệp Na Uy năm 1998. Sau đó, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ ngành Sinh thái sản xuất và Bảo tồn tài nguyên tại Đại học Wageningen, Hà Lan năm 2019. Ông được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Nông nghiệp Việt Nam từ 2016.
Chân dung PGS. TS. Huỳnh Quang Tín |
PGS.TS. Huỳnh Quang Tín có hơn 40 năm cống hiến cho nông nghiệp nước nhà với những đóng góp lớn trong các lĩnh vực: sưu tập vào bảo tồn Quỹ gen lúa Việt Nam, cải thiện chất lượng hạt giống lúa ở nông hộ, phát triển kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí thải nhà kính. Riêng với việc chọn tạo giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, ông cùng cộng sự và nông dân đã sưu tập hơn 1000 giống lúa bản địa để bảo tồn làm nguồn gen lai tạo và đã lai chọn hơn 400 giống/dòng lúa thuần, trong đó đã có 6 giống lúa được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành và 8 giống lúa được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Minh Hiển