CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Nha đam, cây dễ trồng, nhiều vị thuốc

05:45 27/05/2024

Cây Nha đam vốn dĩ từ lâu đã trở nên quen thuộc với mọi người bởi tính thích nghi canh tác: dễ trồng, dễ chăm sóc. Bên cạnh đó, với những dược tính mang nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, đang được y học khai thác triệt để để sản xuất thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm đã khiến cho Nha đam ngày nay trở thành một loại thảo dược quý với giá trị sử dụng cao.

Nha đam còn có tên gọi khác như lô hội, long tu, long thủ, lao vĩ.... Tên khoa học: Oloe vera, họ Asphodelaceae (Lô hội)

Đây là loài cây mọng nước có hoa, lá lớn dày có gai., phát triển với cụm lá mọc ngang mặt đất. Thu hái quanh năm. Cây có nguồn gốc từ Bắc Phi, được du nhập vào nước ta vào cuối thế kỷ 13. Với đặc tính chịu khô hạn, dễ sinh trưởng nên loài cây này được mọc hoang rãi rác khắp nơi. Nhưng từ khi dược tính của cây được phát hiện, Nha đam đã được chú ý đến và trồng rộng rãi. Có thể trồng trên nền đất, khoảng đất trống cạnh nhà, xen trong vườn cây, trồng trong chậu, thùng xốp hoặc sử dụng biện pháp canh tác thủy sinh.

Một số nơi đã thâm canh để hình thành vùng nguyên liệu, thậm chí Nha đam còn được trồng làm tiểu cảnh vừa để trang trí cảnh quang vừa giúp lọc không khí. Nha đam thuộc nhóm cây có khả năng lọc khí độc như: Aldehyde formic, cacbonic, cacbondioxit, cacbon monooxit,...

Nha đam cung cấp 2 dược liệu chính: Nhựa Aloe và gel Aloe.

Chất nhựa Aloe, ở ngay dưới lớp biểu bì của lá. Chất nhựa này có màu vàng lục. Khi cô đặc lại ở nhiệt độ bình thường, có màu vàng nâu, óng ánh và rất đắng, chứa các hoạt chất Hydro anthron, Barbaloin, Hydroxy-aloin A và B, aloeisin,…Đông y gọi là Lô hội (nhựa khô). Nhựa Aloe dùng làm thuốc nhuận trường, trị táo bón, thuốc xổ,…

Dược liệu thứ hai là một chất nhày gọi là gel Aloe. Chất gel này chứa một loại polysaccharid gồm: Pectin, Hemicellulose, Acemannan, …Công dụng gel Aloe giúp trị lành vết thương, vết bỏng, giảm đau, chống sưng, điều trị nấm Candida albicans,…

Ứng dụng thường gặp nhất hiện nay, dùng làm dược chất để sản xuất thành các chế phẩm như nhuận tràng, xổ tẩy, hỗ trợ tiêu hóa, mỹ phẩm, kem bôi da, thức uống thanh nhiệt,…

Theo Đông y, Nha đam có vị đắng, tính hàn, tác dụng vào các kinh thuộc can, vị và đại trường. Tác dụng hạ hỏa, tống ứ, thanh nhiệt và làm mát gan. Dùng trị táo bón, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, mắt đỏ, sán lãi, đau hạ vị.

Cách sử dụng Nha đam đắp mặt, trị mụn, nếp nhăn, tái tạo da:

- Lá Nha đam, đem gọt vỏ, rửa sạch. Lấy phần thịt Nha đam đắplên da mặt, massage nhẹ nhàng trong khoảng từ 10 phút rồi đem rửa sạch với nước lạnh. Dùng mỗi tuần khoảng 2 lần.

- Hoặc lá Nha đam đem gọt vỏ, rửa sạch. Cạo lấy phần thịt trong suốt, cho vào một khay chứa đá (loại có những ngăn nhỏ), cho vào ngăn đông của tủ lạnh. Mỗi lần sử dụng, lấy 1 viên nha đam đông đá thoa trực tiếp lên mặt khoảng từ 15 cho đến 20 phút, sau đó sẽ rửa lại với nước sạch. Thường dùng tuần 3 lần.

Chế biến nước uống thanh nhiệt: Nha đam gọt sạch vỏ, cắt hạt lựu rồi cho vào ngâm nước muối pha loãng trong 5 phút. Rửa sạch cho hết nhớt, cho vào nước đun sôi đã sẵn đường phèn. Để nguội, cất vào tủ lạnh uống dần.

Một số bài thuốc phổ biến được ứng dụng từ Nha đam (Trích từ Lĩnh Nam thái dược lục, Nam phương chủ yếu hữu độc thực vật, Phúc Kiến dân gian thảo dược).

- Chữa ho có đờm: Lá Nha đam 20g, bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa ho ra máu: Hoa Nha đam 12 - 20g khô. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa trẻ em cam tích: Rễ Nha đam khô 20g. Sắc uống ngày một thang .

- Chữa tiểu đục, nước tiểu như nước vo gạo: Nha đam 20g (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính), đạm qua tử nhân 30 hạt, giã nát, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần.

- Chữa đau đầu, chóng mặt: Lá Nha đam 20g (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính), hoa đại 12g, lá dâu 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.

- Chữa tiêu hóa kém: Lá Nha đam 20g (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính), bạch truật 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.

- Chữa viêm loét tá tràng: Lá Nha đam 20g (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính), dạ cẩm 20g, nghệ vàng 12g (tán bột mịn), cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần. Nếu ợ chua nhiều, thêm mai mực tán bột 10g, chiêu với nước thuốc trên. Uống liên tục 15 ngày là một liệu trình.

- Chữa kinh bế, đau bụng kinh: Lá Nha đam 20g (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính), nghệ đen 12g, rễ củ gai 20g, tô mộc 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần.

- Chữa bỏng: Lá Nha đam cắt từng đoạn rồi xẻ mỏng, áp vào chỗ bỏng.

- Chữa mẫn ngứa, dị ứng: Rửa vết thương bằng nước sạch, bôi nhựa Nha đam trên vết tổn thương, ngày 3 - 4 lần.

- Chữa Eczema: Lá Nha đam xẻ mỏng, bôi nhựa vào như chữa bỏng nói trên. Hằng ngày bôi phủ lên nhưng không được kỳ rửa, khi nhựa này khô đóng vảy bong ra thì có thể đã lên da non. Nếu chàm chảy nước nhiều, có thể cô nhựa Nha đam thành cao đặc sệt mà phết vào, phủ dày cho đến khi ra da non.

- Chữa viêm da: Lá Nha đam xẻ mỏng đắp trên tổn thương, ngày đắp 2 lần, làm liên tục trong nhiều ngày.

- Chữa quai bị: Lá Nha đam giã nát, đắp lên chỗ sưng đau. Đồng thời dùng lá Nha đam 20g (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính); Sắc uống, ngày một thang, chia 2 lần.

- Chữa viêm đại tràng mãn tính: 5 lá Nha đam (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính), đem xay nhỏ cùng với 500ml mật ong. Ngày uống 2 -3 lần, mỗi lần 30ml.

- Chữa táo bón: Lá Nha đam (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính) mỗi ngày ăn 1 lá, hoặc dùng 20g lá này, xay nhỏ với 0,5 lít nước. Chia uống 2-3 lần trong ngày.

- Chữa mụn nhọt, trứng cá: Lá Nha đam tươi, giã nát đắp lên mụn nhọt. Làm liên tục nhiều ngày.

Theo sách Cây thuốc phòng trị bệnh ung thư  - Tác giả Phan Lê, còn giới thiệu một số bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư như sau:

- Hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng: Lá Nha đam (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính) 20g, chu sa 15g. Làm thành viên, ngày uống 4g với rượu.

- Hỗ trợ điều trị bạch huyết: Lá Nha đam (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính) 20g, đương quy 20g. Làm thành viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8 - 12g.

- Hỗ trợ điều trị u não: Lá Nha đam (bỏ vỏ ngoài, rửa sạch chất dính) 15g, đại hoàng 15g, thanh đại 15g, đương quy 20g, long nha thảo 12g, chi tử 10g, hoàng liên 6g, hoàng bá 4g, hoàng cầm 6g, mộc hương 6g, xạ hương 2g. Tất các vị tán bột làm thành viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8 - 12g.

Chú ý

- Trong cây Nha đam có chứa chất Latex (mủ), nên cần phải cẩn trọng khi dùng. Không dùng cho người có bệnh về tim mạch, phụ nữ có thai, người tỳ vị hư nhược.

- Nha đam có tác dụng tẩy mạnh vì vậy nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng hoặc người bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.

- Khi sử dụng Nha đam với biệt dược kem chống nắng, dưỡng da, cần lưu ý với người có mẫm cảm.

- Trước khi đắp Nha đam lên da, cần thử trước ở một vùng da nhỏ để thử độ thích ứng của làn da, nếu không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào, có thể tiếp tục sử dụng chúng. Đắp mặt nạ bằng Nha đam không quá 3 lần/tuần, sau khi đắp nên che chắn cẩn thận, tránh da tiếp xúc với ánh mặt trời.

- Khi dùng Nha đam làm vị thuốc cần lưu ý sử dụng đúng với tình trạng bệnh và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Quang Hiển