CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Tác dụng của Cà gai leo

09:02 14/06/2017

Theo kinh nghiệm của dân gian, cà gai leo dùng chữa ngộ độc rượu rất tốt. Tác dụng bảo vệ tế bào gan mạnh đến nỗi khi uống rượu chỉ cần chà răng hoặc nhấm rễ cà gai leo thì sẽ tránh được say, nếu bị say thì uống nước sắc của rễ hoặc thân lá sẽ nhanh chóng tỉnh rượu, ngoài ra còn dùng chữa rắn cắn, đau nhức xương khớp.Cà gai leo còn có tên khác: Cà gai dây, cà vạnh, cà quánh, cà quýnh, cà lù, gai cườm,.... Tên khoa học: Solanum hainanense Hance Solanaceae, thuộc họ cà (Solanaceae). Cây mọc hoang nhiều nơi ở nước ta.

Cà gai leo là cây nhỏ, phân cành nhiều, cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le hình bầu dục hay thuôn, phiến lá nông, không đều, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới nhạt, phủ đầy lông tơ màu trắng, hai mặt đều có gai ở gân chính, nhất là mặt trên, cuống lá cũng có gai. Hoa màu trắng, quả mọng, hình cầu nhẵn, có cuống dài, màu vàng, khi chín có màu đỏ, hạt màu vàng. Bộ phận dùng: Rễ, cành lá và cả quả, thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Có khi dùng tươi.

Thành phần hóa học chính trong rễ cà gai leo có alcaloid, tinh bột, flavonoid. Trong dây có alcaloid. Đông y cho rằng cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc, có tác dụng tán phong thấp, đau lưng, nhức xương, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu, trị rắn cắn, hỗ trợ trong điều trị viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ.

Bài thuốc dân gian từ cây cà gai leo

          - Chữa viêm gan, xơ gan, hỗ trợ chống tế bào gây ung thư: Cà gai leo (thân, rễ, lá) 30g, cây dừa cạn 10g, cây chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu) 10g. Tất cả sao vàng, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

          - Chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi: Cà gai leo 10 g, dây gấm 10 g, thổ phục linh 10 g, kê huyết đằng 10 g, lá lốt 10 g. Sao vàng, sắc uống ngày 1 thang. Liên tục từ 10 - 30 thang.

          - Làm giải rượu: Dùng 100g cà gai leo khô sắc với e chén nước còn 1 chén, uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Hoặc 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi, cho người say rượu uống thay nước. Dùng bài thuốc này sẽ nhanh chóng tỉnh rượu, bảo vệ tốt tế bào gan.

          - Hỗ trợ điều trị các bệnh về gan (viêm gan B, xơ gan...): Dùng 35g rễ hoặc thân lá cà gai leo, sắc với 1 lít nước, còn 300 ml chia uống 3 lần trong ngày, giúp hạ men gan, giải độc gan rất tốt.

          - Chữa rắn cắn: Lấy 30-50g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ, hoà với khoảng 200ml nước đun sôi để nguội, chiết nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần. Hôm sau, dùng 15-30g rễ khô, sao vàng, sắc nước cho uống, ngày 2 lần, sau 3-5 ngày thì khỏi hẳn.

          - Chữa phong thấp: Dùng rễ Cà gai leo, vỏ chân chim, rễ cỏ xước, dây đau xương, dây mấu, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g, sắc uống.

          - Chữa ho, ho gà: Dùng rễ cà gai leo 10g, lá chanh 30g, sắc uống làm 2 lần trong ngày.

          - Chữa sưng mộng răng: Dùng hạt cà gai leo 4g, tán nhỏ, cho vào trong cái đồ đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng (theo Bách gia trân tàng).

Bên cạnh công dụng khi dùng đúng cách, đúng bệnh, thì cây cà gai leo còn chứa nhiều độc tố nguy hiểm, nhất là ở phần quả của cây. Nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng. Hiện nay, những kết quả nghiên cứu trên cà gai leo đã chứng minh rằng cây cà gai leo chỉ có tác dụng giải độc gan, chống xơ gan chứ không hề nói đến công dụng chữa bệnh ung thư, kể cả bệnh ung thư gan như người dân đồn đại.

 

Quang Hiển (st)