CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Tiềm năng phát triển cây dược liệu tại An Giang

09:02 01/05/2017

An Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu ái có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng về chủng loại, tập trung chủ yếu ở vùng Bảy Núi như Đinh lăng, nghệ đen, hà thủ ô đen, hà thủ ô trắng, nghệ xà cừ,… Ngoài ra còn có một loài cây nằm trong sách đỏ Việt Nam như: Kim giao, ba gạc, bình vôi lá nhỏ, ngũ gia bì, trầm hương. Tuy nhiên, nguồn dược liệu tỉnh An Giang đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa do sự khai thác quá mức hoặc bị huỷ hoại bởi môi trường sống. Do đó, chúng ta phải có phương pháp bảo tồn và khai thác nguồn dược liệu bền vững.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Y tế, An Giang đã vận động người dân trồng cây thuốc đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh tại cộng đồng với tổng diện tích trồng cây thuốc ước đạt khoảng 476ha. Các cây thuốc được trồng nhiều như: Đinh lăng lá nhỏ, ngải, nghệ, gừng, dừa cạn, tứ quý,trâm bầu, ké đầu ngựa... Tuy nhiên, dược liệu thu hoạch từ vườn thuốc nam hằng năm đều tăng nhưng chưa nhiều. Tổng số lượng dược liệu nhập kho ước đạt khoảng 1.663.115kg. Trong đó, dược liệu sưu tầm từ tự nhiên 1.345.277kg, từ vườn thuốc nam 317.838 kg.

Năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất và thông qua Hội đồng, trình UBND tỉnh phê duyệt 12 đề tài nghiên cứu khoa học trong tỉnh liên quan đến phát triển dược liệu. Sở Y tế cũng kết hợp Hội Đông y tỉnh đã hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên triển khai thực hiện đề tài sưu tập cây thuốc quý và đề tài xây dựng mô hình trồng dược liệu quý ở vùng Bảy Núi, làm cầu nối giới thiệu Công ty Cổ phần DOMESCO Đồng Tháp nhận đất lập vườn trồng dược liệu ở xã An Cư, huyện Tịnh Biên. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các Sở, Ban ngành thực hiện chương trình khoa học và công nghệ về phát triển dược liệu và y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020. Một số kết quả ban đầu là vậy, nhưng trong công tác phát triển y dược cổ truyền trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn như: Nguồn dược liệu chủ yếu được sử dụng ở các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo miễn phí chưa tìm được đầu ra để tạo nguồn kinh phí tái nuôi trồng và khai thác có tính liên tục.

Kinh phí từ nguồn khoa học, công nghệ còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án có liên quan đến bảo tồn và phát triển dược liệu chỉ mang tính định hướng, chưa tạo động lực phát triển và chưa thể thực hiện nhiều trên tất cả các đối tượng dược liệu chủ lực của tỉnh. Việc triển khai các kết quả nghiên cứu còn hạn chế do thiếu doanh nghiệp lớn thu mua và chế biến các sản phẩm dược liệu giúp việc duy trì sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu sự quan tâm đúng mức của các ngành chức năng trong vấn đề bảo tồn, thu hái và phát triển các loại dược liệu hiện nay, người dân còn thiếu ý thức trong việc thu hái gây ra hiện tượng tận thu, tận diệt làm mai một nguồn dược liệu quý. Chưa có cơ chế cho vay vốn để trồng cây dược liệu. Trình độ người dân còn thấp nên việc triển khai các tiến bộ mới hỗ trợ nhân giống, gieo trồng, chăm sóc và thu hái dược liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các công ty nên làm giảm giá trị cây dược liệu. Việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa còn khó khăn, người dân làm ra sản phẩm nhỏ, lẻ không thể đăng ký nhãn hiệu mà đòi hỏi phải có Công ty hoặc có thành lập tổ hợp tác thì mới có thể đăng ký được. Thiếu cơ chế hợp tác, liên kết trong sản xuất và kinh doanh dược liệu nên người dân còn gặp khó khăn trong việc trồng và cung ứng cây dược liệu.

Về định hướng phát triển dược liệu trong thời gian tới, An Giang sẽ quan tâm nghiên cứu thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển nuôi trồng dược liệu quy mô công nghiệp, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý đảm bảo, bảo tồn, tái sinh các nguồn dược liệu trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y dược cổ truyền, thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực y dược cổ truyền, mở rộng liên kết, hợp tác giữa các cơ sở y dược cổ truyền Nhà nước với các cơ sở y dược cổ truyền ngoài công lập. Đồng thời, khuyến khích và có chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP - WHO) theo lộ trình Bộ Y tế đề ra. Xây dựng Đề án quy hoạch vùng phát triển dược liệu và xây dựng thương hiệu dược liệu An Giang; khuyến khích phát triển thị trường kinh doanh dược liệu để đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Thành lập cơ sở nghiên cứu, nuôi trồng dược liệu nhằm cung cấp giống dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu, chú trọng tái sinh và phát triển nhân giống các dược liệu có giá trị cao. Tăng cường phối hợp, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chủ trương của Nhà nước cho nhân dân, người hành nghề YDCT; giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển y dược cổ truyền.

Tỉnh An Giang cũng sẽ quan tâm xây dựng đề án công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền theo quy định của pháp luật, nhằm phát huy tốt hơn nữa lợi thế y dược cổ truyền địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đào nâng cao kiến thức cho cán bộ phụ trách y dược cổ truyền và nâng cao vai trò của Hội Đông y và tạo điều kiện để Hội hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ nhằm hạn chế việc khai thác dược liệu một cách bừa bãi. Đặc biệt, cần có hướng dẫn trong công tác quản lý các phòng chẩn trị y học cổ truyền nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ, Tôn giáo quản lý..., đồng thời, có những chính sách liên quan đến việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.