CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Cây thuốc nam

Cỏ sữa lá nhỏ, vị thuốc quý từ thảo dược mọc hoang

02:15 13/08/2024

Chung quanh ta có rất nhiều thảo dược mọc hoang rãi rác khắp nơi, có khi gần như vô tình không được chú ý đến, xem chúng như một loài cỏ dại. Nhưng thật bất ngờ khi định danh qua tra cứu dược học thì những loài cỏ dại ấy lại là vị thuốc quý có công dụng chữa rất nhiều bệnh.

          

          Cây cỏ sữa lá nhỏ còn có tên là vú sữa đất, cẩm địa, thiên căn thảo... Tên khoa học là Euphorbia thymifolia Linn, thuộc họ Euphorbiaceae (Họ Đại kích)

          Cây thuộc loài thực vật có hoa, dạng thân thảo. Thân và cành mọc bò, tỏa rộng trên mặt đất, hình sợi, màu đỏ tím. Thân có nhựa mủ trắng. Khi bẻ bất kỳ vị trí nào trên thân cây, sẽ tiết ra một chất nhựa màu trắng đục giống như sữa. Do đó còn có tên gọi là “Cỏ sữa”.

          Cây thường có màu hồng khi còn tươi và dần dần trở thành màu xanh xám hoặc tím sẫm ở dạng khô. Cây có lá nhỏ mọc đối, phiến lá hình bầu dục, chiều dài 4 - 7mm, rộng 2 - 4mm. Mép lá có răng cưa nhọn. Cuống lá dài, mỏng, mảnh và có màu hơi hồng. Hoa mọc ở kẽ lá, khi nở có màu vàng.

          Cây thường mọc ở các bãi đất hoang, đất ven đường, sân vườn, ven tường, ngay cả ở những nơi đất sỏi đá. Cây sinh trưởng và phát triển mạnh ở điều kiện ẩm ướt. Vòng đời của cây thường khoảng 3 đến 5 tháng. Cây thu hái quanh năm. Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây.  Có thể dùng tươi hoặc dùng dạng phơi khô.

         Trong cây cỏ sữa lá nhỏ có chứa terpenoid, flavonoid, acid cinnamic, alcohol. Ngoài ra còn có tinh dầu (cymol, carvacrol, limonen, isopinocamphenol).

          Công dụng chính của cỏ sữa lá nhỏ là trị bệnh lỵ. Thời gian điều trị thường từ 5-7 ngày là khỏi. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị khác như rau sam, hoàng đằng, rau má, tía tô, kinh giới…. Ngoài ra, cỏ sữa nhỏ lá còn được dùng làm thuốc diệt sâu, thuốc cá, giã đắp chữa bệnh ngoài da …

          Theo kết quả đề tài nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, do tác giả Hoàng Nghĩa Duyệt và nhóm cộng sự thực hiện năm 2019, sử dụng  dịch chiết cỏ sửa lá nhỏ (phần thân và lá) có hiệu quả cao trong việc phòng và trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn Escherichia coli gây ra trên heo con, thời gian khỏi bệnh nhanh. Phương pháp này có thể thay thế việc sử dụng kháng sinh để điều trị, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi sinh và nâng cao hiệu quả kinh tế.

         Theo sách “Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam: của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, chất nhựa mủ trong cây cỏ sữa có tính gây xót đối với niêm mạc, độc với cá và chuột. Dung dịch cỏ sữa nồng độ 1:20 đến 1:40 có tác dụng ức chế sự sinh sản của các loại vi khuẩn gây lỵ do trực trùng Shigella sonnei, Shigella Flexne và Shigella shiga gây ra.

          Theo Y học cổ truyền, cỏ sữa lá nhỏ có vị nhạt, hơi chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, thông huyết, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, kháng khuẩn, thông sữa.…

           Một số bài thuốc y học cổ truyền trị bệnh từ cây cỏ sữa lá nhỏ

          - Chữa lỵ trực khuẩn, tiêu chảy: Dùng 100g cỏ sữa lá nhỏ, 80g rau sam, 300ml nước. Sắc đến khi còn phân nửa lượng nước (150ml). Chia làm 3 lần uống trong ngày.

           Hoặc dùng 16g cỏ sữa lá nhỏ, 20g rau sam, 12g cam thảo đất, 12g cỏ mần trầu, 12g tía tô (tô tử), 12g kinh giới. Tất cả nguyên liệu đem chế thành dạng thuốc bột, mỗi lần sử dụng từ 10-12g hoặc sắc lấy nước uống.

          - Chữa hồng bạch lỵ (kiết lỵ, thương hàn): Dùng 8g cỏ sữa lá nhỏ, 8g rau má, 8g rau sam, 8g rau mơ, 6g hạt cau khô, 6g vỏ lựu, 4g cam thảo (nướng), 4g vỏ quýt, 300ml nước. Tất cả nguyên liệu đem sắc đến khi còn phân nửa lượng nước (150ml). Chia làm 3 lần uống trong ngày.

         - Chữa táo bón ra máu: Dùng 60g cỏ sữa lá nhỏ, 60g cỏ nhọ nồi, 250ml nước. Đem sắc cho đến khi còn 100ml. Mỗi ngày uống 2 lần.

         - Chữa phụ nữ sau sinh ít sữa hoặc bị tắc sữa: Dùng 40g cỏ sữa lá nhỏ, 40g hạt cây bông gạo. Tất cả các nguyên liệu đem sắc lấy nước, dùng nước nấu với gạo thành cháo để ăn.

         - Chữa ho hen, sổ mũi: Dùng 10g cỏ sữa lá nhỏ, 3 ls1 cây lá cây bồng bồng, 20g lá dâu, 300ml nước. Sắc đến khi còn phân nửa lượng nước (150ml). Chia 2-3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang cho đền khi bệnh thuyên giảm.

         - Chữa mụn nhọt ngoài da (chưa vỡ mủ): Cỏ sữa lá nhỏ lượng vừa đủ, giã nát, đắp lên chỗ tổn thương. Sau 2 giờ thay băng. Ngày đắp 2 lần.

         - Chữa nứt môi hoặc viêm lưỡi: Lấy dịch mủ của cây cỏ sữa lá nhỏ bôi lên môi sẽ giúp mau lành các vết nứt nẻ trên môi.

          - Dưỡng tóc: Lấy dịch mủ của cây cỏ sữa lá nhỏ chà xát lên da đầu sẽ giúp cho tóc mọc mau và tăng trưởng tốt.

          Ở Việt Nam có 2 loại cỏ sữa: Cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifolia) và cỏ sữa lá lớn (Euphorbia hiria). Cả 2 loài cây này đều thuộc họ đại kích (Euphorbiaceae) và đều là những vị thuốc có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm nhưng cỏ sữa lá nhỏ thường được sử dụng làm thuốc nhiều hơn. Điểm khác biệt giữa 2 loài cây này là:

            Lưu ý, tác dụng dược lý chính trong cây cỏ sữa lá nhỏ là kháng khuẩn, chống viêm, tiêu độc. Do đó, khi sử dụng thảo dược này, nên tham khảo ý kiến y bác sĩ có chuyên môn để đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị,

Quang Hiển