CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

2

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nông nghiệp An Giang

1

Ông Nguyễn Sĩ Lâm (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.979.245

Email: nslam@angiang.gov.vn

2

Ông Lê Hoàng Tâm (Phó Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0919.199.392

Email: lhtam@angiang.gov.vn

Cây thuốc nam

Bụp giấm, thực phẩm chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe

04:45 22/09/2024

Với vị trí địa lý thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam sở hữu hệ sinh thái thực vật rất phong phú và đa dạng. Nhiều loại cây trồng được đánh giá là những thảo dược quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Tuy đã có mặt ở nước ta từ lâu nhưng những công dụng được phát hiện gần đây của cây bụp giấm cho thấy tiềm năng hữu ích của loại cây trồng này trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo sức khỏe cộng đồng.

Cây bụp giấm còn có nhiều tên gọi khác như bụt giấm, Atiso đỏ, rau chua, bụt chua, bụp chua, giền chua, giền cá, lá giấm, cây giấm, đay Nhật, hoa vô thường, lạc thần hoa…

Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa (L.) thuộc họ Malvaceae (họ Bông).

Họ Malvaceae tại nước ta rất đa dạng sinh học với những loài chứa thảo dược cao như: Cây cối xay (Abutilon indicum), dâm bụt (Hibiscus rosa-sinensis), bông vải (Gossypium sp.), mãn đình hồng (Alcea rosea), đậu bắp (Abelmoschus esculentus), vông vang (Abelmoschus moschatus), cẩm quỳ (Malva sylvestris)…

Bụp giấm thuộc loại cây hằng niên, dạng nửa bụi, cao khoảng 1,5 – 3 mét. Cây phân nhánh nhiều, gần gốc. Thân cây có màu tím nhạt đến tím đậm, có phủ lớp lông ngắn. Lá hình trứng, mép lá có răng cưa, gân lá màu tím đỏ, phiến lá màu xanh, xẻ thùy sâu. Hoa mọc ở nách, cuống ngắn, đài hoa màu đó tía, tràng hoa (cánh hoa) màu hồng. Quả thuôn dài khoảng 2cm, có lông bao phủ, khi chín dễ bị nứt, phát tán mạnh.

Cây bụp giấm rất dễ trồng và sinh trưởng mạnh. Cây ưa sáng, chịu hạn tốt, phát triển được trên những vùng đất cằn cỗi. Cây có thể trồng trên đất chuyên canh hay trồng trong chậu làm cảnh. Ở nước ta, loài cây này thường được trồng ở các vườn dược liệu.

Hiện nay, trong ngân hàng gen cây trồng Quốc gia có 14 giống Bụp giấm. Nhưng 2 giống tốt nhất, được trồng phổ biến, là giống thân tía lá xanh và giống thân tía lá đỏ. Cây có thể trồng bằng hạt hoặc nhân giống bằng cành.

Thành phần hóa học của bụp giấm có chứa acid citric, acid malic, acid tartaric, acid hibiscus, gossypetin, clorid hibiscin, flavonoid, hibiscitrin, gossypitrin, protein, tinh dầu, chất xơ, chất khoáng, vitamin A,vitamin C…

Theo y học hiện đại, lá bụp giấm có vị chua được dùng làm thực phẩm (nấu canh chua). hoa cũng có vị chua, làm gia vị thay giấm, nước giải khát, siro, làm mứt. Lá, hoa và quả dùng trị bệnh mắt, tim, thần kinh, xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, scorbut (thiếu hụt vitamin C), kháng khuẩn đường ruột…

Dầu ép từ hạt bụp giấm tác dụng kháng khuẩn trên một số chủng vi khuẩn Escherichia coli, Salmonella typhi, Bacillus subtilis, Corynebacterium pyogenes, Staphylococcus aureus… , có tác dụng kháng nấm trên một vài loài nấm như Aspergillus, Trichophyton, Cryptococcus…

Tác dụng dược lý của bụp giấm cho thấy, các polyphenol và anthocyanin có trong đài hoa có nhiều tác dụng sinh học, chống oxy hóa, chống viêm, chống béo phì, hạ mỡ máu, hạ huyết áp, ức chế kết tập tiểu cầu trong máu, lợi tiểu, chống sỏi niệu, kháng khuẩn, chống ung thư, bảo vệ gan, bảo vệ thận, chống ung thư, đặc tính điều hòa miễn dịch. Chiết xuất bụp giấm đã được sử dụng hiệu quả để chống tăng huyết áp, viêm nhiễm, rối loạn gan, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.

Tại Thái Lan, Myanmar, Đài Loan và Philippine, hoa bụp giấm phơi khô và dùng để sắc uống giúp lợi tiểu và chữa sỏi thận. Lá và cành dùng để chữa ho, hạt dùng trị các chứng bệnh về dạ dày. Hạt bụp giấm giúp nhuận tràng và thông tiểu phục hồi sức khỏe khi bị suy nhược. Rễ bụp giấm hỗ trợ tiêu hoá. Công nghệ hiện nay, hoa bụp giấm còn dùng để sản xuất rượu vang và thực phẩm chức năng.

Theo Y học cổ truyền, hoa bụp giấm có tính vị chua, mát, quy kinh can và đại trường, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp, lợi tiểu, nhuận tràng, lợi gan mật.

Bộ phận dùng chủ yếu là lá, hạt, hoa và quả. Có thể dùng dạng tươi hoặc phơi sấy khô. Khi thu hái hoa, cần thực hiện trong vòng 15 – 20 ngày sau khi hoa nở, càng để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất.

Một số bài thuốc kinh nghiệm

- Trà bụp giấm: Tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp, lợi tiểu, nhuận tràng, giảm mỡ máu và giảm cân. Sử dụng 70g hoa bụp giấm tươi, 30g hoa bụp giấm khô. Làm sạch, cho vào ấm cùng với khoảng 700ml nước sôi, đậy kín khoảng 20 phút. Sử dụng như nước trà. Có thể cho thêm 1 ít đường phèn để tăng hương vị.

- Hạ huyết áp, giải độc gan, nhuận tràng, thanh nhiệt và hạ cholesterol: Sử dụng 30g hoa bụp giấm hãm với 700ml nước sôi. Uống như trà. Có thể thêm ít đường cho dễ uống.

- Lá tươi có thể dùng nấu canh như rau, giúp thanh nhiệt, giải khát.

- Siro bụp giấm: Tác dụng phòng cảm cúm, thanh nhiệt, tăng lực, hỗ trợ tiêu hóa. Nguyên liệu: Hoa bụp giấm tươi, tách bỏ  nhụy và cuống hoa, ngâm vào nước muối loãng khoảng 3 – 5 phút. Rửa lại với nước sạch, vớt ra, để ráo nước. Cho vào nồi nước, đun sôi với lửa nhẹ, thêm đường (hoặc đường phèn) nêm vừa đủ ngọt theo khẩu vị. Để nguội, lọc lấy phần nước, bảo quản dùng dần. Thường uống với đá lạnh.

- Rượu bụp giấm: Tác dụng lợi mật, nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa. Sử dụng 1kg hoa bụp giấm tươi hoặc 600g dạng khô, 150ml mật ong, 3 lít rượu trắng 40 độ. Cho vào bình ngâm khoảng 10 ngày có thể sử dụng được. Mỗi lần uống 30ml. Uống trước bữa ăn.

Phân biệt cây bụp giấm và cây aritiso

Hiện nay, một số nơi, người dân còn nhầm lẫn giữa tên cây bụp giấm (artiso đỏ) và cây aritiso, cho rằng chúng cùng họ và công dụng như nhau. Thật ra, 2 loại cây này khác loài và khác họ. Cây bụp giấm, tên khoa học Hibiscus sabdariffa (L.) thuộc họ Malvaceae (họ Bông). Cây aritiso, tên khoa học Cynara scolymus, họ Asteraceae (họ Cúc). Chúng hoàn toàn khác nhau về đặc tính thực vật, tác dụng dược lý và cả công dụng điều trị bệnh.

Những lưu ý cần biết khi dùng bụp giấm

Hoa bụp giấm trước khi dùng, phải rửa thật sạch với nước.

Không dùng bụp giấm cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người bị hạ huyết áp, người mẫn cảm dị ứng với bụp giấm.

Bụp giấm dễ bị ẩm mốc nên cần bảo quản ở nơi khô thoáng mát, tránh mối mọt và môi trường ẩm thấp. Độ ẩm bảo quản tốt nhất là 10 – 12%,

Không được tự ý kết hợp bụp giấm với các dược liệu hay tân dược khác nếu chưa được chỉ định của bác sĩ điều trị. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, lương y trước khi dùng để đạt hiệu quả và an toàn.

Quang Hiển (Lê Thiện Tùng)