CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Mật Nhân: Thảo dược quý trong dân gian

09:00 12/07/2023

Mật nhân còn có tên thường gọi khác: Cây bá bệnh, cây bách bệnh.

Tên khoa học:  Eurycoma longifolia, thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae) là loại cây bụi, thân gỗ trưởng thành có thể cao tới 10 – 15m. Lá kép lông chim, mặt trên lá màu xanh bóng, mặt dưới màu trắng. Hoa màu đỏ nâu,  bao hoa phủ đầy lông. Quả hình trứng chứa một hạt, quả khi còn non màu xanh, chín sẽ chuyển sang màu đỏ sẫm. Tại nước ta, cây mọc nhiều tại các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Bộ phận dùng: Ngoại trừ hoa, tất cả các bộ phận từ lá, quả, thân cây, vỏ cây, rễ đều được dùng để làm thuốc. Trong đó rễ là bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Các dược liệu lá, quả có thể thu hái bất cứ thời điểm nào trong năm. Còn phần thân, rễ thu hái ở cây đã trưởng thành. Quả và lá khi lấy về đem rửa sạch, phơi khô. Còn rễ, thân, vỏ cây thì nên đem chặt thành từng đoạn nhỏ rồi mới phơi sấy khô.

Một số bài thuốc sử dụng Mật nhân

- Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường: Lấy  20g mật nhân rửa sạch với nước rồi thái mỏng, đem phơi khô rồi sao cho vàng. Sau đó đem sắc cùng với một lượng nước để sử dụng thay cho nước trà.

- Hỗ trợ điều trị bệnh Gout: Dùng một ít mật nhân sắc cùng với 500ml nước, sắc cho đến khi nước cô đặc lại còn khoảng 200ml. Chia thành 2 – 3 lần trong ngày. Kiên trì trì sử dụng mỗi ngày để cải thiện chứng đau nhức do bệnh gout gây ra.

- Ngâm rượu xoa bóp: Đối với tình trạng gout cấp khiến các khớp chân sưng tấy, nóng đỏ, người bệnh có thể sử dụng rễ cây ngâm rượu. Sử dụng 40g rễ mật nhân phơi khô, thái mỏng và sao vàng với 50g chuối hột phơi khô Trộn đều nguyên liệu trên và ngâm cùng 200ml rượu trắng. Ngâm trong vòng 5 ngày là có thể dùng được. Khi các khớp tay chân sưng đau, có thể dùng rượu mật nhân xoa bóp nhẹ để giảm đau, cải thiện tình trạng bệnh gout.

- Cải thiện chức năng gan:

Cách 1: 30g mật nhân sắc với 1 lít nước. Sắc đến khi còn một nửa thì tắt bếp. Nên dùng trong ngày, khi thuốc còn ấm

Cách 2: 10g mật nhân, 70g cà gai leo, 30g diệp hạ châu sắc với 1 lít nước. Sắc đến khi còn một nửa thì tắt bếp. Chia làm 3-4 lần dùng trong ngày, nên sử dụng khi còn ấm

- Chữa đau bụng đi ngoài, ăn không tiêu, chướng bụng: Mật nhân 50g, vỏ quýt 100g, hoắc hương 100g, củ bồ bồ 100g, dây mơ 100g, dây rơm 100g, cam thảo nam 100g, hậu phác 100g, củ sả 50g, củ gấu 50g, tiêu lốt 50g. Rửa sạch các nguyên liệu trên và phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng lấy 12g bột pha với nước nóng uống thay trà.

- Giúp kích thích hệ tiêu hóa: 20g rễ mật nhân, 10g quả chuối sứ khô nướng vàng. Đem ngâm cùng 1 lít rượu trắng trong vòng 7 ngày. Mỗi lần sử dụng 1 chén nhỏ khoảng 30ml, ngày 3 lần vào buổi sáng, trưa, tối.

Một số lưu ý khi sử dụng Mật nhân

Không dùng cây mật nhân cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em. Không nên sử dụng quá liều lượng, có thể gây ra tác dụng phụ. Đối với người dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần của thuốc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Những trường hợp đang sử dụng thuốc insulin để điều trị đái tháo đường, nên chú ý khi dùng bởi uống mật nhân có thể gây hạ đường huyết, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Những người cơ thể suy yếu nên cẩn trọng khi dùng Mật nhân.

 

Nguồn: Quang Hiển (Tổng hợp từ Internet)