CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Khoai môn và những lợi ích tuyệt vời đối với cơ thể

09:00 15/09/2019

               Từ bao đời nay, khoai môn đã trở thành một loại thực phẩm gắn bó với người Việt, gần gũi trong những bữa cơm đời thường. Ít ai biết rằng, đây còn là lựa chọn tuyệt vời để bảo vệ cơ thể nhờ chứa đựng giá trị hàm lượng dinh dưỡng vượt trội. Việc bổ sung thường xuyên khoai môn vào thực đơn ăn uống thường ngày, chính là cách để phòng ngừa bệnh tật cho bản thân và cả gia đình.

                 Cây khoai môn hay còn được gọi là môn ngọt, có tên khoa học Colocasia esculenta Schott, thuộc họ ráy Araceae. Khoai môn là cây thân thảo, củ chứa nhiều tinh bột. Ở nước ra, có nhiều giống khoai môn, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất phải kể đến khoai môn tím.

               Lưu ý, khoai môn thường bị nhầm lẫn cùng với củ khoai sọ. Khoai môn củ to, tròn nhưng hơi dài, bên trong màu trắng đục, xuất hiện những vân tím. Khoai sọ nhỏ, tròn trịa, ruột màu trắng.

               Khoai môn là thực phẩm có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như luộc, hầm xương, làm mứt, bánh, nấu chè…, hay góp mặt ở các bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả. Khoai môn chứa hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao với nhiều khoáng chất, vitamin, hợp chất hữu cơ cần thiết cho sức khỏe con người. Đặc biệt là nguồn chất xơ, carbohydrate, vitamin A, C, E, B6, magiê, sắt, kẽm, folate, kali, phốt pho, mangan, đồng…

               Ngoài củ khoai môn ăn được, một số bộ phận khác trên cây còn được sử dụng như một vị thuốc quý.

               1. Trị bỏng: Lấy khoai môn giã nhỏ, đắp trực tiếp lên vị trí bị bỏng để kích thích mọc da non, nhanh liền sẹo.

               2. Hoạt huyết tiêu viêm: 120g khoai môn, 3 củ hành sống giã nát, thêm chút rượu vào để khuấy đều. Bôi đắp qua gạc mỏng tại chỗ bị viêm để cải thiện tình hình.

               3. Chữa tiêu chảy, lỵ: Lá khoai môn và củ cà rốt lượng bằng nhau (30g), 1 củ tỏi, đem sắc lấy nước uống.

               4. Chữa mụn nhọt đầu đinh: Dùng củ khoai môn, giấm, lượng bằng nhau rồi cho vào luộc chín, nghiền nát rồi đắp lên vùng da bị mụn.

               5. Trị mẩn ngứa: Khi người bị mẩn ngứa, cạo sạch vỏ củ khoai môn, thái miếng nhỏ, đun sôi nước để tắm sẽ hết.

               6. Chữa trẻ bị chốc đầu có mủ: Nhận thấy trẻ bị chốc đầu và có mủ, phụ huynh hãy lấy củ khoai môn to, sau đó xay nhuyễn, đắp lên vị trí cần thiết.

               7. Chữa mề đay: Bài thuốc cần có bẹ lá khoai 60g, rễ cây tai chuột, hồng táo, đường đỏ mỗi thứ 30g. Cho tất cả nguyên liệu vào sắc cùng nước để uống.

               8. Chữa ho ra máu: Thịt heo nạc nấu cùng hoa khoai môn thành canh để ăn.

               9. U vùng hầu họng: Dùng 6-12g khoai sọ, 50g rễ kỷ tử, 12g tân di, 5g thất diệp nhất chi hoa. Sắc các thành phần trong vòng 2 giờ đồng hồ, gạn lấy nước cốt uống ngày 1 lần. Kiên trì áp dụng liệu trình kéo dài 60 ngày.

               10. Chữa âm hư tổn hạ khí, giải nhiệt, chống mệt mỏi: Khoai môn đem nấu cùng cá lóc, rau rút và cua đồng, nấu thành canh, ăn thường xuyên.

               11. Chữa rắn cắn, ong đốt: Lấy lá khoai môn tươi giã nát rồi đắp trực tiếp để giải độc.

               Đối tượng không nên dùng khoai môn: Ăn khoai môn là việc làm cần thiết để cơ thể có đủ nguồn năng lượng hoạt động. Nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến khả năng tiêu thụ oxalate, gia tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận ở những người cơ địa nhạy cảm. Trong quá trình chế biến khoai môn, tuyệt đối phải làm sạch, nấu chín để không gặp phải tình trạng ngứa cổ họng, miệng, bị dị ứng, phá hủy các chất dinh dưỡng.

 

Sưu tầm - Tổng hợp